Trang đời nhọc nhằn của ôsin viết sách

Trang đời nhọc nhằn của ôsin viết sách
TP - Khát khao làm mẹ bị tắt ngấm, di chứng chất độc da cam khiến chị không thể có con, rồi bệnh tật hành hạ. Người chồng, chỗ dựa duy nhất của chị trong năm tháng khốn khó, cũng bỏ chị mà đi.

> Làm nghề giúp việc, tranh thủ... viết truyện ngắn
> Sinh viên làm ô sin kiếm gần 10 triệu/tháng

Người cựu binh Trường Sơn ấy buộc phải đi làm Ôsin kiếm tiền nuôi mẹ già, nuôi 3 đứa cháu ăn học và tự nuôi mình. Đêm đêm, Ôsin chong đèn viết sách.

Đường đời cay đắng

Tôi cầm trên tay tác phẩm Liều thuốc thần kỳ của chị Nguyễn Thị Thìn, một cựu binh Trường Sơn, một Ôsin nghèo khổ tưởng bao năm đã chôn chặt đời mình ở lối nhỏ quanh co dẫn đến triền đồi heo hút ở xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An nay bỗng dưng thành người “nổi tiếng”. Sau những ngổn ngang lo toan, những nỗi đau đã đọng thành câu chữ, là một cuộc đời trầm luân dâu bể của một người đàn bà từng chịu nhiều thua thiệt trên đường đời nhưng nghị lực phi thường, giàu đức hy sinh.

Cuộc đời đã vẽ ra trước mắt chị nhiều con đường, nhiều ngã rẽ, để cho chị được chọn lựa hành trình và đích đến của mình nhưng oái oăm thay, cứ mỗi lần đứng ở ngã ba đường, mỗi lần chạm vào đích là mỗi lần chị lại hụt hẫng và tan vỡ. Cú ngã xe giữa dốc Truông Dong năm 1977, dường như cũng là cú ngã của số phận, phá vỡ ước mơ cháy bỏng thi vào khoa Văn Đại học Tổng hợp của cô gái thôn quê. “Năm đó ôn thi xong ở huyện Tân Kỳ, tôi về nhà và khoảng tháng 6 tôi lại đạp xe vượt Truông Dong lên thị trấn Lạt lấy thẻ dự thi. Đến giữa dốc thì xe bỗng nhiên đứt phanh, lao xuống sườn núi, đầu tôi đập vào tảng đá, ngất lịm. Mấy tuần sau đó tôi bị mất trí nhớ, đành bỏ dở kỳ thi và cũng từ đó chấm dứt nghiệp đèn sách của mình!”, chị Thìn kể, tiếc nuối.

Sinh năm 1953, lớp 9 chị đã phải bỏ học vì nhà nghèo. Trước khi dự định thi vào ĐH, Nguyễn Thị Thìn đã có 4 năm trong quân ngũ (1971-1974) tại đại đội quân bưu, thuộc Bộ tham mưu Đoàn 59 Trường Sơn. Chị Thìn kể: “Suốt 4 năm đi bộ đội, đặc thù của công việc quân bưu khiến tôi không thể nghỉ phép thăm nhà dù chỉ một ngày. Thư từ, công văn, giấy tờ đi lại như thoi đưa. Bốn năm là dài nhưng cũng nhanh lắm!”. Xuất ngũ, nữ cựu binh Trường Sơn chuyển sang làm công nhân tại nhà máy dệt Việt Trì, Vĩnh Phú. Bị bệnh yếu tim không đứng máy được, một thời gian ngắn sau chị hồi hương. Năm 1975 Nguyễn Thị Thìn nộp hồ sơ vào trường vừa học vừa làm ở Tân Kỳ. Đứt mộng đèn sách sau vụ tai nạn ở Truông Dong, chị xin vào làm công nhân ở nông trường An Ngãi. Em trai, em gái của chị lớn lên, phải rời gia đình vào Nam kiếm việc làm. Chị Thìn lại trở về Văn Sơn (Đô Lương) chăm sóc mẹ, chôn chặt đời mình bên mảnh đồi heo hút.

Nguyễn Thị Thìn
Chị Nguyễn Thị Thìn.

 Tôi coi các cháu như con đẻ. Tôi không vào đại học được thì tôi phấn đấu cùng em trai, em dâu nuôi cháu thực hiện mơ ước của mình. Nhận về mình sự cực nhọc để mọi người được nhẹ gánh, tôi thấy thanh thản!.

Chị Thìn nói

Người mẹ già sau bao năm đau yếu bỗng gượng dậy được, Nguyễn Thị Thìn rời quê tàu xe ra thành phố Hải Phòng với mong ước nhỏ nhoi là nhờ anh Thắng, anh con bác ruột, kiếm cho chị việc làm nuôi thân. Vừa đặt chân đến đất cảng, chị buồn bã nhận được tin người anh bị bệnh ung thư, đang nằm điều trị trong bệnh viện. Con còn nhỏ, vợ anh Thắng công việc rối bời nên chẳng thể dành hết thời gian thuốc thang cho chồng, chị Thìn phải vào viện thay chị dâu chăm sóc anh. Vài tháng sau anh Thắng mất, chị đưa tang anh rồi lủi thủi khăn gói hồi hương. Đường về tủi phận, những giọt nước mắt của cô gái đã bên dốc lỡ dở xuân thì lặng lẽ thấm đầy vạt áo.

Ngấp nghé tuổi ba mươi, bạn bè cùng trang lứa đã bay cao bay xa, đã chồng con đề huề, riêng chị vẫn lẻ loi, độc thân. “Nhiều đêm ngắm bóng mình, tôi lại khóc!”, giọng chị xót xa. Một người thợ xây, quê ở Huế, làm công trình ở Đô Lương phải lòng ngỏ lời cưới chị làm vợ. Nhưng ngặt nghèo thay, sau khi lấy chồng chị bỗng nhiên đổ bệnh. Bốn năm trong quân ngũ lăn lộn giữa rừng Trường Sơn, chị nhiễm chất độc da cam. Chất độc hóa học bắt đầu tàn phá cơ thể khiến chị thường xuyên nhức mỏi toàn thân, bị bệnh máu không đông, vô sinh. Đi viện, lê lết hết Bệnh viện (BV) Đô Lương, rồi BV Ba Lan (TP Vinh), vẫn không khỏi. Đã thế, mấy người lắm chuyện lại tung tin đồn ầm lên là chị Thìn bị ung thư máu, khiến chị khổ sở, chồng xa lánh. Một thời gian dài anh bỏ đi biền biệt, chẳng thèm đoái hoài đến vợ đang bị bệnh tật hành hạ. Rồi chồng chị lại quay về. Nhưng vừa đoàn tụ chưa được bao lâu thì tai họa ập đến, chồng chị bị tai nạn lao động lúc xây nhà tại huyện miền núi Tân Kỳ và tử vong.

Đã từ lâu thôi chẳng còn hoài mong chi đèn sách. Đã mất đi một ân nhân, người có thể giúp chị xê dịch nẻo về số phận. Đã chờ đợi và thật nhiều thất vọng. Đã hạnh phúc thoáng qua nhưng đường đời của chị tiền kiếp như đã là khổ đau dai dẳng, triền miên. “Trước khi lập gia đình, tôi cũng có lần đã suýt sang đò với một cựu sinh viên trường Luật. Anh thì ưng. Nhưng bố mẹ của anh không ưng. Lý do là tôi chẳng có nghề ngỗng gì, nhà lại nghèo rớt mồng tơi. Cuối cùng, chúng tôi phải chia tay!”, chị hoài niệm.

Làm Ôsin nuôi cháu học

Trầy trật mãi, cuối cùng chị Thìn cũng được hưởng chế độ chất độc da cam. Một triệu tám đồng mỗi tháng, cộng với vài trăm tiền hỗ trợ tuổi già mà mẹ chị được hưởng, mẹ con chị cũng tạm sống qua ngày. Nhìn mái ngói tềnh toàng và căn nhà cũ nát, tôi hỏi gia đình chị có thuộc diện hộ nghèo không? Chị Thìn lắc đầu: “Trước đây thì có nhưng gần đây thì không được hưởng hộ nghèo nữa. Gia đình tôi bỗng dưng bị cắt tiêu chuẩn hộ nghèo, họ nói là dành cho người khác!”. Tôi đem chuyện này trao đổi với ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương. Ông Thành nói “ tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Thìn tại Văn Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Quang Long
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Thìn tại Văn Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Quang Long.

Nguyễn Xuân Hồng, em trai của chị sinh được 3 đứa con. Chồng công nhân khai thác nhựa thông, vợ đi làm Ôsin, con cái anh Hồng về tá túc trong căn nhà của chị. Để san sẻ gánh nặng cho mẹ, cho em, chị khăn gói lặn lội xuống Vinh, ra tận Hà Nội, Hải Phòng, vào Sài Gòn làm nghề giúp việc. Cuối tháng lĩnh lương, chị Thìn và cô em dâu lại gửi về nuôi ba cháu nhỏ. Càng khó khăn, Nguyễn Xuân Phúc- con trai đầu lòng của anh Hồng càng cố gắng học hành. Phúc trúng tuyển ĐH Giao thông, Khoa Công trình, đang học năm thứ 2; em trai của Phúc là Nguyễn Xuân Đức đang theo học lớp 12 Trường THPT Đô Lương I. Làm Ôsin để nuôi mẹ, nuôi mình, “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng đi làm Ôsin để kiếm tiền nuôi các cháu ăn học có lẽ chỉ có ở chị Nguyễn Thị Thìn, cựu binh Trường Sơn năm nào.

Ham đọc, chị có thể thức thâu đêm suốt sáng mỗi khi mượn được một cuốn sách. “Năm lớp 3, lớp 4, tôi đã đọc Ruồi Trâu, Sông Đông Êm Đềm”, chị Thìn tự hào khoe. Bốn năm trong quân ngũ làm việc tại trạm quân bưu, là dịp để chị tiếp xúc với nhiều sách, nhất là truyện ngắn, tiểu thuyết. Đam mê đọc sách không chỉ là phương thuốc thần kỳ giúp chị quên đi nỗi buồn thân phận, mà còn giúp chị học cách viết truyện ngắn, khơi dậy những cảm xúc, những mạch nguồn đã úa tàn, khô héo của một tâm hồn vốn đọng đầy chữ nghĩa văn chương.

Ngày giúp chủ nhà trông trẻ, nấu ăn, giặt giũ, đêm về trong căn gác nhỏ Nguyễn Thị Thìn lại chong đèn viết truyện ngắn. “Khó hơn đi cày, chú ạ!”, chị Thìn hóm hỉnh. Những con chữ đầu tiên trĩu nặng đè lên trang giấy, chị đánh vật với tập truyện đầu tay, viết ra rồi lại xé vì sau bao năm không cầm bút chân tay chị trở nên lóng ngóng. Cảm xúc ngập tràn nhưng chị vẫn thấy bế tắc. Chị không sao thể hiện được ý mình. Phải mất một thời gian dài chị mới làm quen được với ngòi bút, trang giấy và tâm trạng, cảm xúc, nỗi niềm nhân thế cứ thế tuôn chảy.

Tác phẩm đầu tay Liều thuốc thần kỳ gồm 6 truyện ngắn “Màu hoàng hôn và cơn mưa nghiệt ngã”, “Cha ơi”, “Em không trở lại”...đã nhọc nhằn hoài thai và ra đời trong những tháng ngày chị đi làm Ôsin, phiêu bạt xứ người. “Làm nghề giúp việc được đồng nào tôi gửi về nuôi cháu đồng đó, viết xong truyện lại không có tiền in sách, tôi phải gom góp trong thời gian dài!”, tác giả tập truyện Liều thuốc thần kỳ kể. Khi đủ tiền, chị nhờ đứa cháu đạp xe chở chị đến Nhà sách Minh Thắng (đường Láng, Hà Nội) để làm hợp đồng in sách.

Sáu mươi tuổi, Ôsin viết sách ấy bảo, chị thèm được cất lên một tiếng ru con...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG