Xuân Long - Rồng về với biển

Xuân Long - Rồng về với biển
TP - Không một ai trong lớp tôi được tuyên dương công trạng nhiều như anh, cao như anh. Cùng lứa với nhau (sinh 1940), ai cũng chỉ được Huân chương chống Mỹ hạng 3. Riêng Kiều Xuân Long được hạng nhất, thêm một Huân chương quyết thắng cũng hạng nhất. Không một ai được huân chương độc lập. Chỉ mình anh được, không phải hạng ba mà là hạng nhì.

> Tố Nga - Vầng trăng không viên mãn
> 'Một lứa' ngang trời...

Trong rất nhiều học sinh miền Nam, người ta chỉ chọn ba người là Ca Lê Hiến, Kiều Xuân Long và Dương Tấn Phước đặc cách thi vào Đại học tổng hợp. Hiến học sử, Long và Phước học hóa. Học xong ở lại trường trợ giảng một năm. Tổ chức lại gọi Hiến và Long lên, xác định: hai em là diện đào tạo cán bộ nguồn cho miền Nam.

Có hai sự lựa chọn, một là đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, hai, đi B, để xây dựng một bộ khung cán bộ giảng dạy cho trường Đại học Sư phạm giải phóng. Hiến thì không nói, vì Liên Xô đang có chuyện xét lại nên các môn khoa học xã hội ta đều không gửi đi học nữa. Chỉ còn Long. Cho một ngày rồi trả lời. Nhưng cả hai anh đều trả lời ngay, không học trước thì học sau. Không trở về ngay góp công sức cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam thì không còn cơ hội nào nữa.

Tổ chức phải chọn đủ tất cả các môn học, kể cả chính trị, giáo dục, tâm lí, v.v…, đủ cả bộ khung hiệu trưởng, hiệu phó, giáo vụ v.v… Mỗi bộ môn hai người. Long nhớ môn hóa của anh có mình là hóa hữu cơ, Nguyễn Khắc Nha (anh trai Nguyễn Khắc Nhạp, bạn cùng lớp phổ thông) là hóa đại cương và vô cơ…

Môn lý có Hoàng Dũng (bạn học phổ thông, sẽ nói ở phần sau) là vật lý lý thuyết và Nguyễn Thanh… Tất cả các ngành chuyên môn khác đại loại đều như thế. Đấy là đoàn trí thức đầu tiên của miền Bắc chi viện cho miền Nam nhằm xây dựng lực lượng chiến lược giáo dục chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước sau này.

Lần ấy, không một ai được mang đi bất kỳ cái gì của miền Bắc, đúng như Hiến đã viết: Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Kể cả chiếc đồng hồ Pôn Zốt, chiếc bút Hồng Hà. Đến cái tên Kiều Xuân Long cũng gửi lại cho người yêu – chị Tố Nga.

Từ nay anh có tên là Phạm Tú Ngọc. Phạm là họ mẹ anh, Tú là tên má Tố Nga, Ngọc là tên cha Tố Nga. Con chữ đầu của hai tên Tú – Ngọc là T và N cũng hàm chứa tên Tố Nga. Còn Tố Nga khi đi thì có mật danh là Tố Uyên. Ngày Hiến, Long, Hoàng Dũng (sẽ nói phần sau) đi thật nhiều ý nghĩa, ngày thành lập Quân đội (22/12/1964).

Thời điểm ấy, đường Trường Sơn chưa mở rộng, vẫn là đường mòn, có thể tốp trước đi lối này, tốp sau lại đi lối khác. Khi ấy Mỹ chưa vào nên cũng chưa có bom B52, chỉ phải đề phòng biệt kích, phục kích. Chỉ thị là phải đảm bảo an toàn R, gặp địch thì tránh chứ không đánh.

Vào đến R cả hai được điều làm cán bộ Ban Tuyên huấn (gồm cả văn thơ, báo chí, thông tấn xã, điện ảnh, nhiếp ảnh, văn công…). Công việc đang bắt đầu triển khai thì tình hình diễn biến phức tạp. Tháng 8/1965, 5.000 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, trực tiếp tham chiến cùng quân Ngụy.

Vấn đề đặt ra là, chiến tranh ác liệt thế này, chưa thể triển khai chiến lược xây dựng lực lượng như ý định ban đầu, lực lượng cán bộ nguồn này ra miền Bắc, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng hay cứ ở lại. Bộ Chính trị quyết định, đúng như ước nguyện của anh chị em: ở lại bám trụ, cách mạng cần việc gì, làm việc ấy.

Long được điều về bộ phận tuyên truyền đối ngoại. Hiến về bên văn nghệ, Dũng sang bên quân đội.

Long là con người của hành động. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cả ba má đều hoạt động từ rất sớm. Má hoạt động nội thành, ba công tác trong ngành quân báo. Từ năm 1953, lúc còn đi học ở Nha Trang, anh đã làm liên lạc cho đơn vị quân báo (Quân khu 5) nơi ba công tác. Ba bị giặc bắt, trao trả tù binh ở Sầm Sơn, lại tiếp tục hoạt động trong ngành quân báo, giờ hơn 90 tuổi, cụ vẫn minh mẫn như thường. Anh được ra Bắc tập kết, má vẫn ở lại hoạt động nội thành.

Về miền Nam, Long như hổ về rừng. Anh lăn lộn như một cán bộ địa bàn đã bám trụ lâu ngày ở căn cứ, đi nhiều xuống tận vùng ven. Giặc mạnh về hỏa lực và tính cơ động. Chúng biết Chiến khu D là căn cứ của Trung ương Cục nên cuối 1966 mở trận càn Johnson City.

Sau trận B52 rải thảm, hàng đàn máy bay trực thăng trên đầu quạt bạt hết cây cỏ để tìm Việt Cộng, vạch lá tìm sâu như chúng nói vậy. 45.000 quân đổ xuống, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến ta. Trung ương Cục quyết định táo bạo: trang bị vũ khí mạnh của bộ đội chủ lực Miền cho các đơn vị du kích vũ trang của các cơ quan trực thuộc. Những khẩu cối 82mm vẫn còn nguyên mỡ bảo quản được đưa từ hầm bí mật lên. Đơn vị Long được trang bị 12 khẩu. Mỗi khẩu đội 7 người. Long được chỉ định ở trong ban chỉ huy đơn vị.

Trong chiến dịch này, đại đội anh đã bắn khoảng 300 quả đạn vào đội hình địch. Tình thế và diễn biến chiến dịch không cho phép xác định được thiệt hại cụ thể của địch, nhưng chắc chắn đã góp phần cùng bộ đội chủ lực Miền bẻ gẫy cuộc càn đầy tham vọng này.

Sau Mậu thân, cách mạng miền Nam gặp cực kỳ khó khăn. Địch phản công dồn ta phải lánh qua biên giới Campuchia, anh được điều xuống tăng cường cho phong trào trí thức đô thị Sài Gòn. Nhưng khu ủy Sài Gòn Gia Định cùng phải dạt qua biên giới, cơ quan trí vận phải phân tán lánh sang các tỉnh quanh Sài Gòn. Long từ Tây Ninh phải đi xuyên Đồng Tháp Mười, vượt qua sông Tiền sông Hậu mênh mông xuống tận Châu Đốc.

Kiều Xuân Long, phổ biến 10 điều quy định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (1975)
Kiều Xuân Long, phổ biến 10 điều quy định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (1975).

Xem những tấm ảnh Long đi công tác, tự tay lái xuồng đi trên kênh rạch hay đứng trước lá cờ Mặt trận, đứng trong đội hình đơn vị, hay đang hành quân thấy anh là người xông xáo, xốc vác. Ngày 28/4/1975 anh cùng đồng đội hành quân qua bưng quãng Bình Chánh bây giờ, cách Sài Gòn theo đường chim bay chỉ 15 km, đêm hôm sau, nằm trên bờ ruộng rộng hơn gang tay, đất dưới lưng mấp mô, gồ ghề mà vẫn êm như nằm trên nệm vì mắt nhìn trời đầy sao, nhìn quầng sáng phía Sài Gòn mà chỉ ngày mai thôi ta sẽ đàng hoàng, tự do tắm trong quầng sáng đó.

Cũng trong đêm 29/4, phía quầng sáng ấy sấm sét gầm lên trút bão lửa, trút hờn căm giận dữ của cả dân tộc, của cả hai cuộc kháng chiến lên đầu giặc. Trận tác chiến hiệp đồng binh chủng đầu tiên, lớn nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc đang diễn ra ở phía trước. Phía sau, đoàn dân sự, cũng là một hiệp đồng binh chủng rầm rập tiến theo. Kiều Xuân Long có mặt trong đoàn dân sự này.

Ngay chiều 30/4 anh đã gặp hai mẹ con Tố Nga - Việt Liên bốn tháng tuổi vừa ra khỏi trại giam Tổng nha cảnh sát Ngụy. Gặp lại con gái Việt Hồng, gặp lại người mẹ đã gần mười lần bị địch giam cầm, tra tấn cả thời Pháp lẫn thời Mỹ Ngụy mà vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Đêm 30/4, Long ngồi trên xe Jeep thu của cảnh sát Sài Gòn, cắm cờ giải phóng, tìm gặp các nhân sĩ, trí thức, linh mục, GS đại học Sài Gòn… để giải thích đường lối chính sách mặt trận. Anh nắm rất chắc các đối tượng sẽ vận động, thuyết phục, tổ chức.

Còn nữa

Hai năm đầu sau giải phóng, Long gánh trên vai mấy chức vụ liền: Chánh văn phòng, Bí thư đảng ủy cơ quan Ban mặt trận, Trí vận, Thành ủy thành phố, Thường trực văn phòng Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Sài Gòn Gia Định. Từ năm 1977 đến xin nghỉ hưu trước khi đến tuổi (1995) được điều về làm chuyên viên Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) rồi chuyên viên Ban Khoa giáo Trung ương, sau nữa là phó vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.
Lần ấy, không một ai được mang đi bất kỳ cái gì của miền Bắc, đúng như Hiến đã viết: Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Kể cả chiếc đồng hồ Pôn Zốt, chiếc bút Hồng Hà. Đến cái tên Kiều Xuân Long cũng gửi lại cho người yêu – chị Tố Nga.
 

Nhà văn
Bắc Sơn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG