Phóng viên Quỳnh Nga: 'Nhập vai' điều tra giúp tôi trưởng thành

TP - Dưới mái nhà Tiền Phong, tôi có cơ hội được trải nghiệm và viết những bài về số phận người lao động ở mọi miền đất nước. Theo chân họ, “nhập vai” để điều tra, tôi có những trải nghiệm “thót tim” mà khi vượt qua, ngồi ngẫm lại vẫn toát mồ hôi sợ hãi.

Đầu năm 2014, khi còn là sinh viên năm cuối của khoa Báo chí (Học viện Báo chí tuyên truyền), tôi may mắn được báo Tiền Phong cho phép đến thực tập. Những ngày đầu tiên tiếp xúc với môi trường làm việc báo chí chuyên nghiệp, tôi thật sự bị choáng ngợp. Mọi kiến thức học trên ghế nhà trường chưa đủ để tôi có thể viết được một tin ngắn 100 chữ.

Nhờ sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của các anh chị phóng viên, lãnh đạo Ban Kinh tế - Xã hội nói riêng và toàn thể anh chị lãnh đạo, phóng viên báo Tiền Phong, tôi đã học được kinh nghiệm tác nghiệp, có trải nghiệm trong cuộc sống thông qua những trang viết. Từ câu chữ ngô nghê, các anh chị đi trước đã hướng dẫn tôi trau chuốt tỉ mỉ để có bài báo đầu tiên đề tên mình trên trang báo.

Phóng viên Quỳnh Nga: 'Nhập vai' điều tra giúp tôi trưởng thành ảnh 1 PV Quỳnh Nga lên biên giới Việt Nam - Trung Quốc chuẩn bị vào vai cửu vạn vác hàng lậu

Suýt chết ngạt ở tủ quần áo

Lần ấy, tôi đăng ký đề tài viết về thực trạng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với anh Đình Thắng - Trưởng ban Kinh tế - xã hội. Anh đã gợi ý cho tôi chuyển sang thâm nhập thực tế, nộp hồ sơ để viết bài phản ánh về thực trạng cử nhân ra trường thất nghiệp, rơi vào bi kịch phải giấu tấm bằng cử nhân để đi làm công nhân. Sau hơn 2 tháng nhập vai, tôi viết 4 kỳ  trong loạt bài “Giải mã hiện tượng ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp” đăng trên Tiền Phong vào tháng 8/2014, và loạt bài này đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Báo chí viết về thanh niên năm 2014. Trong quá trình tác nghiệp, để phản ánh chân thực nhất về chỗ ở, miếng ăn, giấc ngủ của công nhân, tôi theo một người bạn vào kí túc xá công nhân “ở chui”. Tôi mặc đồng phục và dùng thẻ ra vào của một công nhân có khuôn mặt gần giống mình xuất trình cho bảo vệ. Khi nhận lại thẻ, tôi trả lời “cảm ơn chị”. Và đây chính là khởi nguồn của việc tôi bị bại lộ.

Nghi ngờ tôi là người ở chui, tối hôm ấy, chị quản gia của khu kí túc xá lên kiểm tra phòng tôi ở nhờ. Căn phòng trống hoác, không có nơi nào để trốn, các bạn cùng phòng “nhét” vội tôi vào ngăn tủ đựng quần áo rộng chừng 40cm, cao khoảng 150cm và khoá lại. Bà quản gia đứng chơi trong phòng chừng 50 phút, ngăn tủ quần áo chật chội giữa mùa hè nóng bức, người tôi ướt đẫm mồ hôi. Càng về sau, không khí ngột ngạt, tôi như sắp không thở nổi nhưng không dám hé răng kêu nửa lời. Bởi nếu bị lộ, gần 10 công nhân trong phòng sẽ bị đuổi. Họ đều là người lao động nghèo ở quê, nếu vì giúp tôi mà bị kỷ luật, đuổi khỏi kí túc xá, tôi sẽ không biết nhìn mặt các chị thế nào.

Biết chừng tôi sắp không thở nổi, các chị công nhân bảo nhau thay quần áo xuống dưới sân đi ăn chè và rủ luôn bà quản gia để giải thoát cho tôi khỏi ngăn tủ quần áo ngột ngạt. Đó là kỷ niệm đầu tiên trong suốt quá trình được làm báo khiến tôi nhớ mãi.

Suýt bị bán sang biên giới

Cuối năm 2015, tôi đăng ký đi viết bài về nạn buôn lậu ở biên giới Lạng Sơn dịp cuối năm. Lên tới nơi, vì một số lí do, nguồn tin từ chối giúp đỡ. Một mình tôi lang thang dọc biên giới, tìm cách thâm nhập vào dòng cửu vạn vác hàng lậu không kể ngày đêm.

Sau khi tìm hiểu, tôi mua một đôi dép chuyên dụng của nữ cửu vạn, mặc quần áo như họ rồi lẫn vào dòng nữ cửu vạn vượt biên sang Trung Quốc. Trên đường đi, các tấm biển “khu vực có mìn” hiện ra, tôi vẫn nghĩ là do lực lượng chức năng treo lên để dọa và vô tư đi qua khu vực đó. Ít ngày sau, tôi mới biết, thực tế những vị trí đó từng có người dẫm phải mìn sót lại từ thời chiến tranh mà cụt tay, chân, thậm chí bỏ mạng.

Phóng viên Quỳnh Nga: 'Nhập vai' điều tra giúp tôi trưởng thành ảnh 2 Mỗi bài báo là một trải nghiệm giúp tôi trưởng thành hơn

Sang đến chợ Lũng Vài (Trung Quốc), say nghề, tôi đem điện thoại ra chụp ảnh và bị “chim lợn” (đối tượng bảo kê - PV) phát hiện. Trước khi bị xã hội đen bắt, tôi chủ động cầm điện thoại đưa cho “chim lợn” và khẩn khoản “Anh chụp giúp em tấm ảnh làm kỷ niệm với, em làm dưới thành phố, sang đây chơi và mua ít quần áo trước khi về Tết”. Nhờ câu nói này, “chim lợn” bớt nghi ngờ tôi là phóng viên, chỉ xoá ảnh trong điện thoại và thả tôi về sau những cú tát tai khiến tôi xây xẩm mặt mày.

Dữ liệu bị xoá hết, không từ bỏ đề tài, ngày hôm sau tôi lại mò mẫm lên biên giới. Lần này, tôi bị “chim lợn” phía Việt Nam bắt được. Nhận ra tôi là đứa vừa bị bắt hôm qua, chúng định ném tôi sang biên giới. Một trong những “chim lợn” hô to “Nó là người Trung Quốc vượt biên, đuổi nó về”. Cột mốc biên giới trước mặt tôi chỉ chừng 10m, nếu bị đá sang, tôi thực sự không còn ngày trở về như biết bao nạn nhân khác. Thấy ồn ào, một chiến sĩ biên phòng đi tới, tôi ôm chặt cánh tay của chiến sĩ ấy và luôn miệng nói “Em là người Việt Nam bị lạc lên đây, anh cho em về đồn biên phòng với”. Sau khi được đưa về lán của biên phòng cạnh đường biên, tôi nhắn tin báo cáo với lãnh đạo Ban kinh tế - xã hội “em bị bắt, đang ở đồn biên phòng”. Chỉ vài giây sau, tin nhắn của anh Đình Thắng - Trưởng ban trả lời: “Em yên tâm, ở đồn biên phòng không sao đâu”.

Ngay lúc ấy, lời động viên của anh chị lãnh đạo ở toà soạn giúp tôi trấn tĩnh trong giây phút hoang mang nhất và dần bĩnh tĩnh để đối mặt. Khi được đưa xuống đồn biên phòng, cũng lãnh đạo Ban kinh tế - xã hội trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo đồn biên phòng để họ đảm bảo an toàn cho tôi giữa vòng vây xã hội đen giăng khắp thị trấn biên giới Đồng Đăng. Bởi mỗi bước đi của tôi lúc ấy, phía sau đều có 2-3 kẻ theo dõi khi biết tôi là phóng viên.

Sau loạt bài viết “Tôi đi làm nữ cửu vạn vùng biên” (đăng trên Tiền Phong tháng 1/2016), dù trải qua giây phút mong manh, có thể bị bán sang Trung Quốc, tôi đã thấu hiểu hơn vất vả, gian nan của người lao động. Và lúc hiểm nguy nhất, tôi càng thấm thía, biết ơn lãnh đạo báo và đồng nghiệp Tiền Phong đã luôn dõi theo, động viên và tìm mọi cách bảo vệ chúng tôi.

Một trong những “chim lợn” hô to “Nó là người Trung Quốc vượt biên, đuổi nó về”. Cột mốc biên giới trước mặt tôi chỉ chừng 10m, nếu bị đá sang, tôi thực sự không còn ngày trở về như biết bao nạn nhân khác. 

Đến học nghề chiết gas lậu

Một lần khác, trong vai người học nghề, tôi theo chân thợ chiết gas lậu từ các bình gas lớn sang bình gas mini nhỏ lẻ. Trong bếp nhỏ của thợ chiết gas chỉ rộng chừng 15m2, một bình gas trọng lượng 13kg bị dốc ngược, qua máng dẫn, đường ống thô sơ sang các bình gas mini cũ. Tiếng gas phì phì bay xa mùi nồng nặc, trong khi ngoài sân (cách bếp chừng 10m), các thanh niên vô tư hút thuốc lá và nô đùa. Để không bị nghi ngờ, tôi ngồi giữa đống gas phì phì bay hơi để tập chiết cho quen tay mà trong lòng run cầm cập. Chỉ một cơn gió nhẹ, thổi tàn thuốc lá vào căn bếp tôi đang ngồi, chắc tất cả sẽ thành tro bụi. Sau khoảng 15 phút chiết gas, tôi lấy lí do đã quen tay và dừng lại. Ra khỏi căn bếp có bộ đồ nghề chiết gas lậu, tôi mới thở phào.

Sau bài viết, cơ quan chức năng vào cuộc dẹp bỏ nghề chiết gas lậu. Tôi chủ động nhắn tin xin lỗi người đã “dạy nghề chiết gas” cho mình. Dù bị phạt tiền, bị mất nghề mưu sinh, nhưng họ đã trả lời: “Bài báo của em khiến anh mất nghề nhưng cũng may chứ nếu xảy ra cháy nổ lúc chiết gas thì vợ và 3 đứa con nhỏ của anh bơ vơ như những nạn nhân khác ở làng anh. Lúc đầu anh trách em nhưng giờ cảm ơn em”. Đó là kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi.

Theo Phóng viên Ban Kinh tế - Xã hội
MỚI - NÓNG