Phóng viên Tiền Phong kể chuyện Xuân 75

Phóng viên Tiền Phong kể chuyện Xuân 75
TP - Những cuộc hành quân chớp nhoáng hiểm nguy, những trận đánh giáp lá cà với địch trong những giờ phút cuối cùng của ngày cuối cùng,  30/4/1975 vẫn đậm sâu trong ký ức nhà báo Phạm Yên – người có mặt trong thời khắc lịch sử ấy với tư cách B trưởng cối 82!
Phóng viên Tiền Phong kể chuyện Xuân 75 ảnh 1
Nhà báo Phạm Yên

Đầu năm 1975, vừa cùng người dân Campuchia vui tết đơn vị nhận lệnh hành quân vượt Đồng Tháp Mười về Việt Nam.  Khác với hành quân trên bộ, cuộc hành quân vượt Đồng Tháp Mười không phải người lính nào cũng được trải  qua.

Đồng nước mênh mông, đêm tối như bưng... Hai đêm hành quân đơn vị về đến kênh Nguyễn Văn Tiếp nay thuộc tỉnh Long An, địa danh nổi tiếng với những thành tích lẫy lừng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Củng cố lực lượng, bổ sung thêm quân. Tháng Ba lại di chuyển về làm nhiệm vụ , bảo vệ vùng giải phóng, đánh địch lấn chiếm ở lộ Cụt và ngã 3 Đức Mẹ trên sông Vàm Cỏ Tây, huyện Tuyên Nhơn.

Đầu tháng 4/1975 lại hành quân lên thị xã Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường (nay thuộc tỉnh Long An). Chưa đến nơi, lại được lệnh quay về QL4 (đường từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ ).

Hành quân đêm bí mật vượt qua nhiều xóm ấp còn nằm trong vùng kiểm soát của ngụy, sáng sớm 9/4/1975  tiến dần đến QL4, nhìn từ xa con đường rộng, trắng bạc như sông, từng đoàn xe đò (loại xe chở khách)  trang trí đèn đủ màu  khắp thân xe chạy về hướng miền Tây.

Phóng viên Tiền Phong kể chuyện Xuân 75 ảnh 2
Niềm vui ngày gặp mặt, TP Hồ Chí Minh ngày 30/4/2005. Ảnh: Phạm Yên

Sau khi  nhận lệnh truyền miệng từ phía đầu hàng quân, đơn vị phải bắt đầu vượt lộ, với một quy định chân chỉ được bước trên tấm thảm ni lông trải sẵn. Gần trăm con người trong chốc lát  vượt lộ an toàn. Qua lộ chừng 100m, bất ngờ đại đội tăng cường của tôi do anh Mạnh C trưởng chỉ huy, gồm  cối 82, B bộ binh, tổ thông tin của tiểu đoàn phối thuộc  chạm lính bảo an đi tuần.

Tao ngộ chiễn xảy ra ngay trên cánh đồng, lực lượng bảo an mỏng nhanh chóng rút chạy, bị lộ và trời bắt đầu sáng chúng tôi chạy vào lùm cây giữa cánh đồng (sau này tôi được biết thuộc xã Khánh Hậu, Long An) đào hầm và chuẩn bị đánh địch. Rất may ngày đầu không có chuyện gì xảy ra. Lên khỏi hầm, những lúc thư giãn lại cùng nhau tán chuyện, mới biết ra lùm cây đang trú là một rặng trâm bầu lớn, ở cuối một con lạch nhỏ, dừa nước sum suê.

Ngoài anh Mạnh phụ trách, tôi B trưởng cối 82, anh Cẩn  trước ngày nhập ngũ là một kiến trúc sư ở B bộ binh, Lê phụ trách tổ thông tin, giờ là giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, anh em chiến sỹ phần lớn ở Hà Tây. Ngày hôm sau, không hiểu địch nhớ ra chúng tôi hay chỉ một loạt pháo vu vơ từ phía thị xã Tân An, hầm  pháo thủ đạn cối 82  dính trọn  quả đạn pháo.

Chiến sỹ Khuếnh hy sinh tại chỗ và Tràng bị thương nặng, hai người đều  ở Hòa Xá, Ứng Hoà, Hà Tây. Ngay đêm 10/4, trinh sát vào đưa mọi người ra ngoài, một đêm đáng nhớ, đạn cối  không được bắn một viên, tử sỹ phải chôn ngay tại hầm, đánh dấu chu đáo và bốn người chỉ chuyên một việc cáng thương.

Về cứ, đã gần ba năm ở chiến trường nhưng chưa lần nào tôi thấy đợt bổ sung quân  đông như lần này các em rất trẻ, vừa từ ngoài Bắc vào. Ngày 25/4  được lệnh lên đường, lần này là hướng sông Vàm Cỏ Tây. Chiều 26/4, chúng tôi nhận được lệnh: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.

F5 bộ binh nằm trong đội hình chiến đấu của Binh đoàn 232, với  nhiệm vụ chính là chốt chặn lộ 4, ngăn và đánh địch chạy từ Sài Gòn xuống và quân tiếp viện từ miền Tây lên, ở cả hai hướng đường bộ và đường sông. Chỉ được dùng hỏa lực tiêu diệt địch, hạn chế phá cầu, đường. Còn đại bộ phận của F tham gia đánh chiếm các mục tiêu thuộc tỉnh Long An và tiến đánh Sài Gòn.

Ngay đêm hôm ấy tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của anh Địch, Tham mưu phó Trung đoàn 1, nhận lệnh vượt sông tiêu diệt đơn vị biệt động quân, đang án ngữ phía bên kia dưới những rặng dừa nước dày đặc. Trên khắp các chiến trường địch đang thua đau nhưng dưới miền Tây Nam Bộ lực lượng địch hầu như chưa sứt mẻ.

Rạng sáng 27/4, trận đánh bắt đầu, bị bất ngờ dưới làn hỏa lực mạnh từ nhiều hướng, địch bị tiêu diệt và bắt sống toàn bộ, ta thương vong không đáng kể, trừ  trường hợp khó quên của bạn tôi, A trưởng Nguyễn Xuân Yên (hiện là giáo viên dạy Toán ở trường THPT Quảng Oai, Hà Nội), trong lúc trông tù binh đã bị chúng bất ngờ cướp, nổ súng, rất may viên đạn bắn sượt miệng, hư vài cái răng.

Trưa ấy chúng tôi thanh thản bơi sông trở về căn cứ. Trên trời  từng đàn máy bay địch  hướng Sài Gòn bay thẳng  về Thái Lan, ném vội những trái bom còn mang trên mình. Bất ngờ ngước lên tôi thấy một trái bom tròn xoe ngay trên đầu. Biết chạy không thoát, tôi vội tìm nép  sát bờ ruộng. Một quầng lửa lớn xuất hiện ngay trước mặt. Lúc sau mới nghe  tiếng nổ và những mảnh bom bay vèo qua bờ ruộng.

Những ngày tiếp theo chuyển quân liên tục. Đêm 29/4  được du kích đưa đến khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Mỹ Tho. Sáng ra mới thấy công sự của bộ đội ta và địch rất gần. Nói to có thể nghe thấy, nhưng cả hai bên đều không được nổ súng. Kêu hàng chúng không chịu. Gần trưa bất ngờ thấy quân ngụy rời công sự bỏ chạy. Bộ đội rượt đuổi trên cánh đồng, vẫn không có tiếng súng nổ. Chúng tôi được lệnh chỉ nổ súng khi địch chống cự. Trên loa thông báo chính quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Vui nhất là những ngày đầu giải phóng, từ ánh mắt tò mò, nhìn trộm của các nữ sinh, mà sau này họ mới nói ra: “Việt cộng đây ư! Những người chuyên sống trong rừng. Sao họ hiền, nói năng nhỏ nhẹ thế! Rồi nhiều tối  anh em tôi giúp các em giải toán khó. Từ tò mò thành cảm phục, thương yêu. Nhiều người thành vợ chồng. Mối quan hệ ấy chúng tôi vẫn duy trì đến hôm nay.

Sau ngày hòa bình, Hội lính 30/4 ra đời và cứ 11 giờ 30 ngày 30/4 lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là chúng tôi nâng cốc mừng chiến thắng, thành viên trong Hội cứ thế tăng dần lên. Mỗi năm thường chọn một tỉnh để tổ chức.

Những năm chẵn thì hành quân về phương Nam, thăm lại đất cũ, người xưa. Năm nay, nhân sự kiện Hà Nội mở rộng, quê tôi làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội),được chọn là địa điểm đăng cai.

MỚI - NÓNG