Lại gặp Hàm Rồng - Kỳ cuối:

Phóng viên Tiền Phong tại túi bom Yên Vực

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam (đội mũ) gặp lại những dũng sĩ Yên Vực dịp kỷ niệm 50 năm. Ảnh: T.L.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam (đội mũ) gặp lại những dũng sĩ Yên Vực dịp kỷ niệm 50 năm. Ảnh: T.L.
TP - Không phải chỉ một vài chuyến vào tọa độ lửa - túi bom Yên Vực mà các phóng viên báo Tiền Phong thời ấy có hẳn một tổ công tác cắm chốt tại trọng điểm đánh phá của Mỹ phía bờ Bắc cầu Hàm Rồng…

Về Yên Vực lần này có phóng viên (PV) ảnh Hồng Vĩnh. Khi tôi giới thiệu với các cựu dân quân dũng sĩ làng Yên Vực, PV Hồng Vĩnh là con trai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam thì các ông bà đều ồ lên ngạc nhiên thích thú trời ơi mau lớn quá, theo nghề bố được rồi…

Mau lớn là cách gọi thân thương chứ Hồng Vĩnh bây giờ còn nhỉnh tuổi hơn PV Mai Nam cái năm ông về Yên Vực.  Rồi họ nhất loạt chỉ lên những tấm ảnh đen trắng giăng trên tường phòng nhà truyền thống Yên Vực mà PV ảnh Mai Nam chụp họ đúng thời điểm nửa thế kỷ trước. Có thể nói, phong cách cùng tài năng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam đã được phát lộ và định hình từ những tấm ảnh đen trắng của những năm tít xa. Tôi ngầm so sánh những gương mặt tươi tắn trẻ trung với các ông bà lụ khụ bây giờ thấy chí lý lắm cái câu ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc. Nếu không có khoảnh khắc bấm máy nửa thế kỷ trước thì hậu thế của xứ Thanh, của đất nước này tìm đâu thấy những mảng miếng, những trích đoạn của một thuở hào hùng?

Cuộc gặp trở nên xôm tụ ấm cúng khi nhất loạt mọi người nhắc, kêu tên ngoài PV ảnh Mai Nam ra còn có Mạc Lân, Mai Cát, Tất Vinh, Đỗ Văn Thoan và Lê Thị Túy. Năm ấy, họ là những người trẻ cuối hăm đầu băm vốn được lựa chọn từ đội ngũ sĩ quan và cán bộ TNXP thời chống Pháp. PV ảnh Mai Nam là một trong những người khai sơn phá thạch thành lập tờ Tiền Phong (11/1953). Tất Vinh, Mai Cát, Mạc Lân nguyên là sĩ quan quân báo tài hoa khi ấy là những cây bút vững. PV Mạc Lân là con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương. PV Lê Thị Túy từ TNXP chuyển về báo chững chạc sớm, tay nghề chuyên trách mảng nông nghiệp. Các bà cựu dân quân râm ran thêm về kỷ niệm với anh phóng viên Đỗ Văn Thoan những tháng ngày cùng ăn ở với dân quân Yên Vực đã tỷ mẩn học được cách nấu món rau muống với mẻ lạ miệng mà các cô dân quân bày cho. Tôi bồi hồi thoáng nhanh chân dung ông hàng xóm Đỗ Văn Thoan, Trưởng ban Nông nghiệp báo Tiền Phong (sau này là GĐ NXB Thanh Niên) từng phải biến báo với Tổng Biên tập rằng, vừa phải cử  PV Bùi Ngọc Tấn đi công tác xa nửa tháng. Kỳ thực anh PV Ban Nông nghiệp báo Tiền Phong Bùi Ngọc Tấn (cùng về báo một đợt với chị Lê Thị Túy) khi ấy đương say mê viết văn, được gọi đi dự trại sáng tác nhà văn trẻ. Mà việc viết văn khi đó bị cấm ngặt với những anh làm báo! Sau này thành nhà văn nổi tiếng, mỗi lần về Hải Phòng, Bùi Ngọc Tấn hay nhắc đến người trưởng ban thân mến Đỗ Văn Thoan từng tạo điều kiện cho mình viết lách thuở hoa niên văn bút! Cũng như ngậm ngùi thêm một chút với các cựu dân quân Yên Vực khi nhắc đến anh Thoan, Mai Cát, Mạc Lân, Tất Vinh đã bỏ họ mà đi nhiều năm nay rồi.  

Chợt nhớ đến nhận định chắc khừ của viên tướng Hoa Kỳ: “Đánh cầu phải đánh hai đầu lại, dễ trúng hơn. Chỉ khi nào gió thổi dọc cầu, mới ném bom theo chiều ngang”.  Lần ấy tôi hỏi chị Lê Thị Túy rằng tại sao tổ công tác của báo lại chọn bờ Bắc cắm chốt?  Chị cười: Thì cũng là tình cờ thôi. Các đồng chí phụ trách Trung đoàn bảo vệ cầu Hàm Rồng có gợi ý rằng phía bờ Nam đã có một số phóng viên của Thông tấn xã, báo Quân đội, báo Nhân Dân… Nên báo Tiền Phong các đồng chí chia bớt lực lượng cắm chốt phía bờ Bắc. Bên ấy chiến sự cũng ác liệt không kém.

Thực ra bên bờ Nam, nói như bây giờ là hot hơn bởi có những gương điển hình như chị Hằng, chị Tuyển cùng làng Nam Ngạn mà công luận báo chí quan tâm hơn là Yên Vực?

Chị Túy về cắm chốt Yên Vực khi 29 tuổi. Nhưng là PV nữ duy nhất. Ngoài địa bàn Yên Vực, Hàm Rồng, Nam Ngạn… chị còn đi xa hơn vào mạn trong Khu Tư. Lần ấy đến Ngã ba Đồng Lộc trong đêm chị được lệnh đi theo một cọc tiêu. Cọc tiêu là một cô TNXP khoác mảnh vải dù. Nhưng đến ngã ba tự dưng mất hút cô TNXP. Hóa ra chị đi lạc. Giữa một vùng trống hoang trống hoác chỉ có đất đã vụn tơi như bột. Đi về hướng nào đất vụn níu chân đến đầu gối. Chị sợ quá bật khóc. Khóc như cái lần mới về Yên Vực mỗi khi báo động các cô dân quân ấn chị vào ngách sâu trong hầm. Âm thanh xé trời của tiếng rít phản lực và bom cùng các cỡ đạn trung, đại, cao đánh trả khiến chị run rẩy… Nhiều lần chị tự ái rủa xả sao người ta chịu được còn mình thì không?  Chị Túy đâm lây phong cách riết róng tự tin của ông Trưởng ban Đỗ Văn Thoan rằng, Yên Vực là hạt nhân của mọi phong trào. Bom đạn hiểm nguy như thế mà họ làm bèo dâu ra bèo dâu, chăn nuôi lợn đâu ra đấy, học văn hóa thì ra học văn hóa. Người ta đàng hoàng và anh hùng như thế mà mình ngại, mình sợ thì hèn.

Bài vở đều đặn gửi về Hà Nội bằng 2 cách. Cử PV đem về hoặc ra ngoài đường nhờ xe quân sự.

Phóng viên Tiền Phong tại túi bom Yên Vực ảnh 1

Phóng viên Hồng Vĩnh (con trai nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, thứ 2 phải qua) cùng các dân quân tự vệ làng Yên Vực năm xưa xem lại ảnh do nghệ sĩ Mai Nam chụp tại phòng truyền thống. Ảnh: Xuân Ba.

Một bà chỉ lên tấm ảnh đen trắng của Mai Nam trên tường rành rọt, vui vẻ cùng khách thăm nhà truyền thống là tôi đấy. Tôi là một cô gái ngó rất xinh lại duyên nữa đang đứng tự nhiên bên giá súng cạnh thửa ruộng vào vụ cấy. Dưới chân cô là những đon mạ. Tôi cố hình dung cô gái trong ảnh với một bà mẹ 2 con kiêm bà  nội có 6 cháu bây giờ. Bà là cô dân quân làng Yên Vực  Lê Thị Khoa gần nửa thế kỷ trước đã bén duyên với anh thợ cầu Hàm Rồng 18-5 Đỗ Đức Hậu. Nay ông bà sống ở Đức Giang, Gia Lâm. Bà Khoa có hỏi xin điện thoại và địa chỉ của chị Lê Thị Túy và cho biết thêm rất thân và quý chị Túy thời gian cắm chốt ở Yên Vực.

Tại túi bom Yên Vực có một nhân vật hút hồn ống kính máy ảnh của PV ảnh Mai Nam. Hình ảnh cô dân quân Nguyễn Thị Hiền cùng đồng đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu gần 400 trận. Có trận vì phải bắn áp đảo liên tục nên nòng súng 37 ly của khẩu đội nóng đỏ. Nếu để như thế đường đạn đi sẽ kém chính xác.

Nước ở trận địa thì có nhưng lấy bát mà hắt lên thì không được. Giẻ thì khi ấy lại không sẵn. Không ngần ngại, Hiền đã xé phăng ống quần của mình nhúng nước đắp lên. Ngay sau đó nhiều chiến sĩ đã cởi áo làm theo. Hiệu quả rõ rệt.

Để ghi lại và tôn vinh hành động quả cảm đó, thông thường kiểu biên chép phóng viên sẽ đề nghị đóng lại cảnh ấy để chụp. Mai Nam thấy không ổn.  Lần ấy đương mãi suy tính cách thức thể hiện thì kia, trung đội nữ dân quân gái Yên Vực, từng người khoác súng nối nhau ra trận địa pháo để trực chiến phối hợp chiến đấu theo kế hoạch.

Ngó những eo lưng mảnh mai, nòng súng nghiêng nghiêng trong nắng mai ai mà nghĩ được chỉ giây lát nữa thôi bom đạn sẽ ập đến.  Trên đầu những cô gái xinh xắn kia là hàng tấn bom ác độc của kẻ thù sẽ úp chụp xuống. Nâng chiếc máy cũ kỹ lên, Mai Nam xúc động bấm nhiều kiểu...

Bức ảnh đen trắng Đi trực chiến Mai Nam chụp Nguyễn Thị Hiền năm 1966 ấy gửi đi tham dự cuộc thi quốc tế tại Bungari năm 1967 đoạt Huy chương Đồng. Sau này, nhiều ấn phẩm của các nước Anh, Mỹ, Italia, Nhật Bản, Australia... đã in lại tấm ảnh này.

Rồi Hiệp hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ đã xin phép tác giả cho in lại bức ảnh này trong kỷ yếu của Hiệp hội. Nhà nhiếp ảnh người Anh Tim Beech đã sang Việt Nam tìm gặp Mai Nam xin tấm  ảnh ấy mang về Anh để bày bán đấu giá cho một tổ chức nhân đạo.

Kết thúc cuộc bán đấu giá, tấm ảnh được bán với giá 1.500 bảng Anh. Cũng xin nói luôn, tác giả tấm ảnh không được hưởng xu nhuận ảnh nào!

Mặc dầu trôi nổi đi lắm nơi như thế, nhưng bản quyền của bức ảnh hiện giờ vẫn được tác giả khư khư giữ không bán đứt cho một cá nhân hay tổ chức nào.

Còn nhớ báo Tiền Phong chủ nhật ra ngày 2/9/2001 đã viết về khúc nhôi gian nan kiếm sống, từng phải đi lên miền ngược thồ sắn thuê, bán rau ngoài chợ của người nữ dân quân Yên Vực Nguyễn Thị Hiền (tác giả Minh Tâm). Trong đó có đoạn các cơ quan có trách nhiệm đã làm thủ tục phong tặng danh hiệu anh hùng cho Nguyễn Thị Hiền nhưng không hiểu sao việc ấy bị đình lại.

Đọc bài báo, phóng viên Trường Phước của Đài Truyền hình Việt Nam (nay đã mất) bức xúc quá đến gặp nghệ sĩ Mai Nam... Mai Nam đã theo quân của anh Trường Phước (khi ấy anh đang bệnh nặng) vào Thành phố Thanh Hóa gặp bà Hiền.

Xúc động gặp lại người phóng viên ở trận địa năm ấy, bà Hiền cười trong nước mắt: Thôi danh hiệu mà chi hả các anh? Em thấy mình còn may chán đi. 

Sau chuyến ấy, một phóng sự về người nữ dân quân Yên Vực Nguyễn Thị Hiền trong mục Chính sách và cuộc sống  đã xuất hiện trên VTV.

Chuyện phong tặng của bà Hiền vẫn lỡ dở đến giờ!

…Các cựu dân quân túi bom làng Yên Vực thuở nào đang thong thả sải bước trên đoạn đê làng gần chân cầu Hàm Rồng. PV ảnh Hồng Vĩnh đang miệt mài ghi lại cảnh ấy. Nửa thế kỷ trước ở khúc đê này và nơi Hồng Vĩnh đứng là cựu PV ảnh báo Tiền Phong Mai Nam.

            Sắp Thanh minh năm Mùi

Sự có mặt thường xuyên của PV Tiền Phong ở túi bom ác liệt dường như mang lại cảm giác tự tin cho chiến sĩ trên trận địa pháo và dân quân Yên Vực. Đi đến đâu họ cũng nhận ra và tạo điều kiện thuận lợi để anh em lấy tài liệu, chụp ảnh. Nhớ thời gian đầu gay go, liên tục bị hạch sách xét hỏi. Cả việc giữ người nữa trước tinh thần cảnh giác cao độ của bộ đội dân quân và cả dân khu vực chiến sự ác liệt. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.