Phu nhân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tặng ảnh quý về Bác Hồ

Bà Phan Thị Phúc trao tặng ảnh quý cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyên Khánh
Bà Phan Thị Phúc trao tặng ảnh quý cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyên Khánh
TP - Bà Phan Thị Phúc, phu nhân cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trân trọng trao ảnh quý về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Không chỉ đơn thuần là bức ảnh tư liệu, người trao tặng cũng gửi gắm những kỷ niệm và câu chuyện ấm áp.

9 NĂM “CÕNG” ẢNH Ở CHIẾN TRƯỜNG

Cụ bà Phan Thị Phúc, thân mẫu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phong thái khoan thai, trí tuệ minh mẫn dù bước vào ngưỡng 90 tuổi. Trong phòng khách đậm chất Hà Nội xưa của ngôi biệt thự Pháp cổ ở phố Nguyễn Gia Thiều, cụ bà cẩn trọng lấy tấm ảnh tư liệu trao tận tay Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Tôi nay 90 rồi, nếu không trao được tấm ảnh về Bác tôi áy náy lắm. Giờ trao được, tôi thấy vinh dự, tự hào và ấm áp lắm”, bà nói. 

Hồi tưởng lại bối cảnh đặc biệt trong tấm ảnh, bà kể bằng chất giọng nhẹ của người phụ nữ Hà Nội. Trước Cách mạng tháng 8, cô Phúc tích cực tham gia các tổ chức Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, sau Cách mạng lại được cử tham gia thành lập các Ủy ban hành chính lâm thời ở các khu phố. “Con gái Hà Nội trước có bao giờ ra nói giữa đám đông đâu, nhưng tôi được phân công phát biểu trong cuộc mít tinh lớn của Hà Nội chống giặc đói, diệt giặc dốt. Cuộc mít tinh tổ chức trước Nhà hát Lớn. Tới nơi nhìn xuống thấy đông đảo quá, bỗng thấy Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo ngồi dưới tôi run lắm, nhưng cũng trấn tĩnh phát biểu”, bà kể. 

Cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến, bà được lệnh rút về Sơn Tây công tác. Bà được một người trong Chính phủ gửi tặng bức ảnh gốc bà phát biểu trong cuộc mít tinh, trong ảnh có Bác ngồi cùng các thành viên Chính phủ. “Bức ảnh gốc có chữ ký của Vũ Văn Lai, tôi để trong cuốn album mang theo suốt 9 năm kháng chiến. Có thể nói suốt quãng thời gian 9 năm ấy, nhiều khi chạy giặc khắp chiến trường nhưng trên lưng luôn có cuốn album ảnh và tấm ảnh quý về Bác. Tôi coi như tài sản vô giá, nâng niu đem từ chiến trường về tiếp quản Thủ đô, giữ cho tới tận bây giờ”, bà kể.

Tiếp nhận bức ảnh tư liệu gốc, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn bà, cảm ơn gia đình tin tưởng trao tặng hiện vật quý. “Chúng tôi cố gắng bảo quản thật tốt, khai thác và giới thiệu với công chúng trong ngoài nước câu chuyện xung quanh những tư liệu lịch sử về Bác”, ông Hà nói. Bảo tàng Hồ Chí Minh có kế hoạch sưu tầm tài liệu, hiện vật làm phong phú thêm bộ sưu tập, đặc biệt là quanh di sản của Hồ Chủ tịch. Bà Phan Thị Phúc cũng là người đề xuất ý tưởng trình hồ sơ UNESCO đề nghị vinh danh Hồ Chủ tịch là Danh nhân Văn hoá thế giới. 

BỐN LẦN GẶP BÁC

Phu nhân ông Nguyễn Cơ Thạch giới thiệu thêm những tấm ảnh chụp với Bác nhiều dịp khác nhau. Đó là những bức ảnh Bác thăm Ấn Độ. Khi ấy ông Nguyễn Cơ Thạch là Tổng Lãnh sự tại Ấn Độ (1956-1960). Bà chỉ vào một tấm ảnh đoàn đại biểu đón Bác tại sân bay trong đó bà hân hạnh tặng hoa cho Bác. Một tấm khác chụp đúng khoảnh khắc Bác đưa trái táo cho cậu con trai cả của ông bà tại Lãnh sự quán Ấn Độ. Không những được đón Bác, bà Phúc được ngồi cạnh Bác trong tiệc chiêu đãi của Tổng thống Ấn Độ. 

Phu nhân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tặng ảnh quý về Bác Hồ ảnh 1 Bức ảnh tư liệu về Bác tại sự kiện sau Cách mạng Tháng Tám

"Cuộc đời tôi đứng từ xa nhìn thấy Bác nhiều lắm, nhưng có bốn lần được gặp trực tiếp”, bà kể. Năm bà 16 tuổi được cử trong đội Phụ nữ cứu quốc phục vụ tiệc chiêu đãi của chính phủ. “Đúng lúc tôi đang sắp đồ kẹo bánh, Bác xuất hiện hỏi cháu năm nay bao tuổi. Tôi trả lời xong, Bác hỏi học lớp mấy, tôi đáp mới hết năm thứ nhất Thành Chung nhưng Cách mạng nổ ra nên cháu bỏ rồi. Bác liền nói cháu phải học thêm nhé, học để phục vụ đất nước. Câu nói ấy của Bác khiến tôi nhớ mãi, sau này dành cả đời học tập”, bà cười.

Được phân công đi học chuyên môn, bà chọn ngành dược vì tính tình nhát không theo được ngành y. Không bằng lòng với bằng trung cấp dược, bà học tiếp lên đại học, từng làm Chủ nhiệm Khoa Dược ở bệnh viện Việt Đức. Có lớp học bổ túc Văn-Sử bà cũng ghi danh. “Thời điểm ấy một nách ba con nhỏ nhưng tôi vẫn quyết tâm. Buổi tối phân cho mỗi đứa một chiếc hòm gỗ nhỏ kê làm bàn học, tôi dặn con học bài để mẹ đi học. Mưa gió bão bùng cũng đạp xe đi”, bà nói. Gia đình ông Nguyễn Cơ Thạch nổi tiếng là gia đình ngoại giao hiếm có, tới hai Phó Thủ tướng, hai Bộ trưởng Ngoại giao. Phu nhân Nguyễn Cơ Thạch sau này cũng chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao. 

Trong số lần gặp Bác, bà bảo lần cuối ấn tượng nhất. Bà đang học nhận được tin Bác mất, cả lớp chờ từ đêm tới sáng vẫn chưa tới lượt vào viếng Bác. Ông Nguyễn Cơ Thạch khi ấy phải can thiệp cho bà vào viếng Bác lần cuối. “Được vào rất gần Bác, nhìn thấy Bác tôi khóc như mưa. Suốt một năm sau đó, cứ nhắc tới Bác tôi lại khóc”, bà nói. Bà cũng nhắc tới kỷ niệm khi sinh con đầu lòng ở Vĩnh Yên, nghe tin Bác gửi tặng một quả cam và chai mật ong. Quà của Bác theo ông Nguyễn Cơ Thạch đi ngựa từ Tuyên Quang về Vĩnh Yên. “Bác giản dị lắm. Thời ấy người dân gặp Bác hay Bác gặp dân dễ dàng và gần gũi”, bà nói.

Bà Phan Thị Phúc sinh ra trong gia đình quan lại phong kiến có tiếng, dòng dõi con cháu cụ Phan Đình Phùng. Bà là cháu ruột nhân sĩ trí thức yêu nước Phan Tư Nghĩa, cụ thân sinh ra bà từng là Trưởng ban trật tự Ủy ban Hành chính Hà Nội. Bà kể sớm giác ngộ cách mạng nhờ cụ Phan Tư Nghĩa, từ năm 15 tuổi làm liên lạc cho chú. Bà gặp ông Nguyễn Cơ Thạch trong một cuộc họp tại nhà riêng cụ Nguyễn Tư Nghĩa, khi ấy ông Thạch là Bí thư cho Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp.

MỚI - NÓNG