Phụ nữ làng chài đưa tiễn 'Cá thần Nam Hải'

Các cụ già trong làng cho biết, vạn chài nào có “Cá Thần Nam Hải” lụy vào thì nhất định trong năm đánh bắt đều thành công.
Các cụ già trong làng cho biết, vạn chài nào có “Cá Thần Nam Hải” lụy vào thì nhất định trong năm đánh bắt đều thành công.
TP - Lần đầu tiên trong lịch sử trên 200 năm của vạn chài, những người vợ ngư dân Lăng vạn Cù lao Mỹ Tân – Bình Chánh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đứng ra nhận trách nhiệm múa chèo trong lễ cúng và an táng “cá thần Nam Hải đại tướng quân” lụy bờ chiều 11/4.

“Cá thần Nam Hải” lụy bờ

Sáng sớm ngày 7/4, đúng vào ngày giỗ thần Nam Hải của vạn chài, tàu vỏ thép QNg 95179 của ngư dân Ngô Thanh Phong ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đánh lưới, bất ngờ ngư dân trên tàu phát hiện một con cá lạ từ từ tiến thẳng về phía tàu. Con cá to này bơi chậm và có vẻ mệt mỏi. Theo kinh nghiệm của người đi biển, cá to tự bơi lại gần tàu được gọi là cá lụy, có nghĩa là kiệt sức lúc già thì theo tàu ngư dân để chờ vớt lên. Cá có chiều dài 3,2 mét, chiều ngang 2,4 mét, hình dáng hơi tròn, đầu và miệng nhỏ trông giống cá chim linh. Các ngư dân xem xét cẩn thận và thấy miệng cá đã bị rụng gần hết răng, da nhăn nheo; trên người cá không có thương tích, được nhận định là cá cái. Ngư dân ước tính con cá này nặng khoảng 500-600 kg và đã sống khoảng 80-90 năm. Khi sờ vào lưng cá, ông Phong phát hiện lưng cá hơi mòn, chai sạn. 

Chi tiết “da lưng chai sạn” đã khiến các ngư dân vào ngay ca bin lấy hương ra thắp. Ông thuyền trưởng lập tức mở máy Icom để thông báo vào đất liền và đội tàu đang đánh bắt ở Trường Sa về việc gặp được “cá thần Nam Hải đại tướng quân”.

Tin này lập tức lan nhanh khắp trên 80 tàu đánh cá với chừng 2.500 ngư dân Bình Chánh và các đội tàu ngư dân tỉnh Quảng Nam đang câu mực ở Trường Sa. Vạn chài vớt được “cá thần”. Trong dân gian xem cá này là mảnh pháp y của Quán Thế âm Bồ Tát ném xuống biển để cứu dân lành gặp nạn. Nếu vớt được cá thì cả vạn chài đều sẽ trúng lớn.

Nhận được thông tin vớt được cá thần Nam Hải, tàu cá của anh Nguyễn Dân đang câu mực ở Trường Sa đã điện sang cho biết, ngư dân trên tàu là anh Nguyễn Văn Chương, 21 tuổi, quê ở Bình Chánh, ban đêm xuống thúng đi câu đã bị sóng lớn đánh úp thúng. Do trời tối và khoảng cách xa, nên trên tàu không biết ngư dân bị nạn. Nhưng may mắn là anh Chương đã được “cá thần Nam Hải” đến kè sát và đẩy lại gần tàu nên anh Chương đã thoát chết, nửa tháng nữa thì anh mới vào bờ.

Trong buổi lễ thành phục và an táng cá thần, có một người phụ nữ luôn rơi nước mắt và nhìn về xác cá đặt trước bàn thờ. Đó là chị Nguyễn Thị Tiên, mẹ ruột của ngư dân Nguyễn Văn Chương. Chị cho biết, con trai chị đã sống sót nhờ cá. Trước đó, vào tháng 3/2014, chồng chị là ngư dân Nguyễn Thanh Long đi câu mực trên tàu cá của ông Huỳnh Văn Ân cũng sống sót nhờ cá. Sau này anh Long chồng chị đã kể lại, tàu chở 30 ngư dân Quảng Ngãi ra Trường Sa câu mực, anh bị sóng đánh úp thúng. Lúc rơi xuống biển thì anh ráng bơi và cầu nguyện cá thần Nam Hải đại tướng quân đến cứu. Khi sóng lớn sắp nhấn chìm anh trong đêm tối thì tự dưng cả người anh được một con cá lạ nâng lên trên sóng. Anh nằm úp và đổi tư thế nằm ngửa thì người vẫn nổi một cách tự nhiên. Khi anh thò chân xuống đạp thử thì phát hiện mình đang trên lưng một con cá, da lưng thô ráp và mềm.

Phụ nữ làng chài đưa tiễn 'Cá thần Nam Hải' ảnh 1 Vợ các ngư dân tiễn đưa “cá thần Nam Hải Đại tướng quân”.

Trong sóng gió, chiếc tàu câu mực có ngư dân bị nạn đã kêu gọi toàn bộ đoàn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và Quảng Nam đang ở Trường Sa tập trung đến cứu người, quan sát mặt biển để cứu người. Sau 4 tiếng đồng hồ, anh Long đã được các tàu cá tìm được.

Ông Nguyễn Hữu Ngọt, vạn trưởng Mỹ Tân, Bình Chánh cho biết “Ngư  dân địa phương chúng tôi đang làm một nghề thuộc diện nguy hiểm nhất, đó là câu mực khơi. Cứ đi một phiên 2 tháng rưỡi tới 3 tháng mới vô bờ. Sống giữa biển nên chuyện tai nạn xảy ra thường xuyên. Nhưng theo những người thoát nạn kể lại thì nhiều tàu thuyền và ngư dân gặp nạn đã được cá ông cứu, kể cả tàu cá lúc sắp chìm thì cá tới dựa lưng đưa đẩy. Gần đây nhất là tàu cá QNg 95302 của anh Huỳnh Minh Dũng có 28 ngư dân. Cá ông vừa là tín ngưỡng, cũng là niềm tin tâm linh giúp bà con vững tâm bám biển dài ngày”.

Điệu múa chèo của đàn bà làng chài

“Cá Thần Nam Hải đại tướng quân” vừa lụy bờ được ngư dân vạn chài gọi bằng cái tên kính cẩn là Bà Bằng. Cá được chở về đặt trên một chiếc bàn rộng, đắp khăn đỏ. Vớt được “cá thần” thì cả làng mừng, nhưng nhất là chủ tàu Ngô Thanh Phong. Ông Phong thông báo cho vạn chài “từ ngày hạ thủy tàu 67 xuống, mỗi phiên chỉ kiếm được cỡ 80 đến 100 triệu. Nhưng sau khi vớt được cá Bà Bằng thì tàu đánh đâu trúng đó, chỉ đánh có 2 mẻ lưới nhưng trúng toàn cá thu, bán gần được 300 triệu”.

Lễ thành phục và chôn cất “cá thần Nam Hải đại tướng quân” được vạn chài tổ chức vào chiều ngày 11/4. Buổi lễ có tiết mục lính múa gươm, đội bả trạo múa chèo. Đang vào mùa câu mực, phần lớn đàn ông vạn chài đều đi biển, chỉ còn đàn bà và trẻ em. Vợ các ngư dân quyết định xin nhận trách nhiệm múa chèo. Đội chèo thuyền gồm 16 người, do chị Đỗ Thị Thương làm Tổng chèo đứng mũi, chị Bùi Thị Sang đứng sau cầm lái.

Phụ nữ làng chài đưa tiễn 'Cá thần Nam Hải' ảnh 2 Chị Thương phải vẽ râu để thay đàn ông làm Tổng chèo tế “Cá thần Nam Hải”.

Cách đây 26 năm, chị Thương cùng nhiều thiếu nữ trẻ đứng than khóc trên bờ biển và kêu gọi thần Nam Hải. Đó là cơn lốc khủng khiếp năm 1991 đã khiến chồng chị là ngư dân Huỳnh Minh Nghĩa và 70 ngư dân Bình Chánh không trở về. Hiện nay, 2 con trai của chị đang trên 2 con tàu xuôi ngược giữa Trường Sa.

Các cụ già trong làng cho biết, lịch sử 236 năm thành lập Vạn chài Cù Lao, Mỹ Tân, Bình Chánh, đây là lần đầu tiên phụ nữ thay đàn ông đứng tế thần linh để chúc chồng, con và người thân bám biển Trường Sa, Hoàng Sa bình an, thuận thọ, đánh bắt thành công và cùng nhà nước bảo vệ chủ quyền.

Vợ các ngư dân bước theo tiếng trống và mô phỏng điệu chèo thuyền đi biển đã có từ thời cha ông. Chị Thương cất giọng hò bài “Vị thần đại dương”. Giọng chị vang xa, nghe: “Mẹ đã cứu biết bao nhiêu người trên biển cả/Mẹ chẳng ngại gian lao cực nhọc…”.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.