Phụ nữ trực tiếp giám sát vấn đề nóng trong xã hội

Các đại biểu nữ giới tham gia đại hội
Các đại biểu nữ giới tham gia đại hội
TPO - Các đại biểu nữ cho rằng cần mở rộng giám sát những vấn đề nóng trong xã hội, đặc biệt những vấn đề liên quan đến phụ nữ như phòng chống bạo hành phụ nữ, trẻ em, giám sát về cường độ lao động trong các doanh nghiệp...  

Chiều 8/3, các đại biểu tham dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã chia nhóm thảo luận về dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo điều lệ Hội.

Đề cập đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đại biểu Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM cho rằng, ngoài giám sát về luật, Hội LHPN Việt Nam cần mở rộng giám sát những chuyên đề, vấn đề nóng trong xã hội, đặc biệt những vấn đề liên quan đến phụ nữ.

Bà Hiền ví dụ, Hội có thể tham gia giám sát việc thực hiện của chính quyền địa phương đối với vấn đề phòng chống bạo hành phụ nữ, trẻ em; giám sát về cường độ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của nữ công nhân.

Theo đại biểu, việc tổ chức giám sát và phản biện xã hội không chỉ có cán bộ Hội các cấp mà có thể mời thêm các thành phần khác tham gia như nữ trí thức, nữ luật sư, nữ nhân sĩ...

Cùng đề cập đến vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội.

Theo chị Nguyệt, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã biên soạn các loại biểu mẫu, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội và đưa vào tiêu chí, xem xét và đánh giá thi đua các cơ sở Hội định kỳ hàng năm, nhiệm kỳ.

Qua giám sát, hội đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập như việc cấp thẻ bảo hiểm thiếu, chậm, sai thông tin trên thẻ; cấp thiếu chế độ phụ cấp cho Chi hội trưởng Phụ nữ…kịp thời có văn bản kiến nghị, đề xuất giải quyết.

“Các hoạt động giám sát và phản biện của Hội LHPN đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em”, bà Nga cho hay.

Ở khía cạnh khác, liên quan đến bình đẳng giới, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc lồng ghép vấn đề này trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp cơ bản và quan trọng nhất để đưa vấn đề bình đẳng giới vào quá trình phát triển.

Quốc hội khóa XII (2007-2011) là nhiệm kỳ đầu tiên Ủy ban thực hiện nhiệm vụ thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Sau 10 năm thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tiến hành thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Hiến pháp 2013 và 64 dự án luật, pháp lệnh, trong đó 21 dự án do Ủy ban chủ trì thẩm tra, 43 dự án do các Ủy ban khác chủ trì và 3 Nghị quyết.

Trên cơ sở đó, nhiều chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ được thể hiện qua các quy định của Hiến pháp, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật hôn nhân và gia đình...

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.