Phú Quốc Đảo Ngọc

Bãi Dài Phú Quốc vừa được trang mạng concierge.com bình chọn đứng đầu trong 13 bãi biển hoang sơ nhất thế giới
Bãi Dài Phú Quốc vừa được trang mạng concierge.com bình chọn đứng đầu trong 13 bãi biển hoang sơ nhất thế giới
TP - Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam nằm trên vùng biển tây nam tổ quốc, diện tích hơn 589 km2, tương đương với quốc đảo Singapore. Từ “địa ngục trần gian” trước 1975, cái làng chài nghèo năm nao đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới mô hình đặc khu…

Nói đến Phú Quốc trước giải phóng năm 1975, người ta liên tưởng đến Trại giam Tù binh Cộng sản nằm ở vùng nam đảo thuộc thị trấn An Thới, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa. Nơi đây từng giam giữ 40 ngàn tù nhân, trong khi dân toàn đảo thời bấy giờ chỉ khoảng 5.000 người.

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” với các hình thức tra tấn dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; nung sắt thép đâm và người, tưới nước sôi lên người, đục răng; ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống… Hơn 4.000 người bị tra tấn đến chết trong tù và hàng chục ngàn người thương tật tàn phế.

Sau giải phóng năm 1975, Phú Quốc dần hồi sinh. Người dân ở đất liền bắt đầu biết đến Phú Quốc với hương vị hồ tiêu thơm nồng, nước mắm cá cơm ngọt lịm mang màu rượu bordeaux, rồi rượu sim, các loại hải sản quý hiếm và cả chó xoáy nữa. Đất đai rộng lớn, màu mỡ; biển cả mênh mông, lắm cá nhiều tôm, khí hậu trong lành mát mẻ…, như tiếng gọi của miền đất hứa, những cuộc di dân từ đất liền ra đảo liên tục tăng lên hàng năm. Nếu trước năm 1975 dân chỉ 5.000 người, thì nay (2014) đã lên 103 ngàn người.

Sự chuyển mình mạnh mẽ của “Đảo Ngọc” Phú Quốc thực sự bắt đầu khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 178/TTg năm 2004 về thực hiện Đề án phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Hàng trăm công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đã nhảy vào Phú Quốc đăng ký đầu tư. Chuyển biến mạnh mẽ nhất là sự phát triển của ngành giao thông.

Người đầu tiên tiên phong đưa tàu cao tốc khai thác trên tuyến biển Rạch Giá - Phú Quốc là một phụ nữ, chị Quách Hồng. Trước đây đi ra Phú Quốc phải lênh đênh suốt cả ngày. Từ khi có tàu cao tốc, thời gian ra đảo chỉ còn khoảng 2 tiếng 35 phút. Tại bến Hà Tiên, không chỉ có tàu cao tốc, nơi đây còn có cả phà cao tốc đảm nhận chở khách cùng xe tải, xe du lịch ra đảo. Đường không mỗi ngày hiện có gần 20 chuyến bay ở các tuyến TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Rạch Giá đến Phú Quốc. Và từ giữa tháng 2/2014 đã có chuyến bay thẳng từ Liên bang Nga đến hòn đảo xinh đẹp này.

Phú Quốc Đảo Ngọc ảnh 1

Du khách nước ngoài đổ bộ vào Phú Quốc ngày một đông

Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đổ vào Phú Quốc trong 10 năm qua để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong đó có những công trình trọng điểm như: Đường trục Bắc - Nam đảo, Sân bay Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới và mới đây là Dự án đường điện cáp ngầm vừa được hoàn thành. Điện lưới quốc gia - ước mơ bao đời của người dân trên đảo nay đã thành sự thật. Điện cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn vào Phú Quốc.

Đánh giá nhận xét về Phú Quốc trong chuyến công tác hồi đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong 12 huyện đảo trên cả nước. Kinh tế tăng trưởng liên tục, thu nhập bình quân đầu người của Phú Quốc hơn 2.500 USD, cao hơn bình quân đầu người của cả nước. Trong khi tiềm năng nơi đây còn rất lớn, có thể làm giàu hơn nữa cho Phú Quốc, cho Kiên Giang, cho khu vực ĐBSCL và đóng góp cho cả nước. Phú Quốc hôm nay đã hội tụ những điều kiện cơ bản để phát triển nhanh và bền vững.

Cơ hội của các “ông lớn”

Phú Quốc đang gây sự chú ý đặc biệt đối với các nhà đầu tư khi nơi đây sẽ trở thành đặc khu vào năm 2020. Bản báo cáo mới đây của BQL phát triển đảo Phú Quốc cho biết: Trong quý I/2014 đã trình UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận thêm 5 dự án, diện tích 111 ha, điều chỉnh và cấp mới 13 giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 100 ha, tổng vốn 6.690 tỷ đồng. Như vậy, toàn đảo hiện có 102 dự án (trong tổng số 191 dự án) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 4.331 ha, tổng vốn 108.537 tỷ đồng.

“Tiềm năng nơi đây còn rất lớn, có thể làm giàu hơn nữa cho Phú Quốc, cho Kiên Giang, cho khu vực ĐBSCL và đóng góp cho cả nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nhiều “ông lớn” đang hối hả khởi công xây dựng dự án của mình ngay từ đầu năm 2014. Vincom Phú Quốc, một đơn vị thuộc tập đoàn Vin Group đang mở một chiến dịch thần tốc xây dựng khách sạn quy mô 500 phòng, tiêu chuẩn 5 sao, vốn 4 ngàn tỷ tại vùng biển Bãi Dài. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2014.

Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM cho biết đang xây dựng khách sạn 5 sao, vốn 1.500 tỷ đồng, 25 tầng, 500 phòng tại khu vực Bãi Trường. Cty Đại cát Hoàng Long (TPHCM) cũng đã được giao 120, ven biển ở vùng Bắc đảo - nơi dự kiến xây dựng Casino.

Phó Tổng giám đốc ông Nguyễn Hải Phong cho biết sẽ đầu tư 4.000 tỷ làm khách sạn 5 sao và sân golf. Cty cổ phần Tập đoàn Mặt trời - Sun Group cũng vừa được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận giao 100 ha tại khu Nam đảo, thuộc thị trấn An Thới. Đại diện Cty này cho biết đang gấp rút triển khai dự án. Tại khu vực này hàng loạt nhà đầu tư cũng đang rầm rộ triển khai dự án, nhộn nhịp như một công trường rộng lớn. Liên doanh Becamex Bình Dương - Singapore cũng đang khảo sát xin 4.000 ha tại xã Cửa Cạn để xây dựng khu công nghiệp sạch…

Phú Quốc Đảo Ngọc ảnh 2

Hải sản tươi sống phục vụ thực khách trên đảo. Ảnh: Hồng Lĩnh

Trả lời câu hỏi nhà đầu tư chờ đợi gì khi Phú Quốc trở thành đặc khu? ông Đoàn Hải Việt - Tổng giám đốc Cty Đông Nam Hải nói: Cty chúng tôi đã xúc tiến đầu tư trên đảo Phú Quốc từ năm 2003, trước khi có quyết định của Thủ tướng về Đề án phát triển đảo Phú Quốc. Nói như vậy để chứng tỏ rằng không phải khi nghe tin Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu chúng tôi mới nhảy vào. Việc Phú Quốc trở thành đặc khu là mong chờ của nhiều người, trong đó có giới đầu tư. Khi có chính sách ưu đãi, cơ chế đảm bảo cho nhà đầu tư, thì các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài sẽ không ngần ngại đổ tiền của vào. Chúng tôi đang có đối tác từ Nga, và họ cũng đang chờ đợi những cơ chế chính sách bảo đảm hơn, thông thoáng hơn.

Thành lập đặc khu

Mới đây ông Lê Vĩnh Tân - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về đóng góp bổ sung dự thảo đề án thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc.

Trong đó yêu cầu đề án cần nêu một cách cụ thể những lợi thế cạnh tranh mang tính so sánh của Phú Quốc nổi trội hơn so với các vùng, miền trong cả nước và khu vực. Như lợi thế về tiềm năng kinh tế biển, đảo; môi trường an ninh ổn định, cảnh quan thiên nhiên cũng ưu đãi cho Phú Quốc; những thế mạnh về hạ tầng kỹ thuật như giao thông, sân bay, cảng biển, điện cáp ngầm, nước sinh hoạt mà Phú Quốc được đầu tư.

Trong dự thảo phần kiến nghị của đề án nên đề cập đủ mức đột phá về cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc, cần phải có một đạo luật dành riêng cho đặc khu kinh tế để áp dụng cho những cơ chế chính sách đặc thù có tính cạnh tranh cao hơn so với địa phương khác.

Đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ được tổ chức theo mô hình Chính quyền đô thị hai cấp hành chính đó là cấp đặc khu và cấp phường không tổ chức HĐND, có quy định cụ thể về chức năng, quyền hạn của cấp ủy, chính quyền đặc khu đồng thời hợp nhất một số phòng, ban theo hướng tinh gọn.

Trong năm 2014 là giai đoạn khởi động xây dựng và hoàn thiện các thể chế văn bản pháp luật; xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng trên đảo. Sau 2015 là giai đoạn tăng tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ vui chơi, giải trí, tài chính, ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực.

Phú Quốc đã hội tụ đây đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để hòn đảo này trở thành đặc khu Kinh tế - Hành chính vào năm 2020, với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.