Phú Thọ: "Dịch" còn lâu mới... đến!!!

Phú Thọ: "Dịch" còn lâu mới... đến!!!
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhưng ở Phú Thọ, người dân vẫn lơ là, chủ quan cho rằng: "Dịch" còn lâu mới... đến.

Sôi động thị trường thịt lợn

Phú Thọ: "Dịch" còn lâu mới... đến!!! ảnh 1

Ông Đặng Văn Chương - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết: Mặc dù trên địa bàn chưa phát hiện dấu hiệu có dịch, nhưng như vậy không có nghĩa là hiện nay và trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ không có dịch xảy ra. Đặc biệt, đây lại là một tỉnh có phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng năm phải nhập khoảng 400.000 lợn giống từ bên ngoài trong điều kiện lực lượng thú y còn mỏng. Công tác kiểm tra, kiểm dịch vô cùng khó khăn, khả năng lây bệnh lkhá cao.

Chính vì thế, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần luôn chủ động phòng tránh, cảnh giác với dịch bệnh để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Cũng theo ông Chương, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có đánh giá khoanh vùng hay kết luận gì về vùng dịch nên bà con vẫn có thể mua bán, sử dụng thịt lợn bình thường.

Khảo sát một vòng qua các chợ lớn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, đa phần người dân còn thiếu hiểu biết và thờ ơ trước lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Đặc biệt là sự nhầm lẫn giữa hai loại bệnh “tai xanh“ và “liên cầu khuẩn” ở lợn.

8 giờ sáng, tại chợ trung tâm Việt Trì, việc mua bán thịt lợn diễn ra khá sôi động với trên 30 bàn thịt. Chị B, bán thịt tại chợ, nói: “Ôi dào, chị bán thịt gần bốn mươi năm nay, qua hết lở mồm, rồi tai xanh, tai đỏ, mà đã chết đâu!''. Còn chị T, vừa lật qua lật lại miếng thịt sống đã quay sang thoăn thoắt bốc thịt chín thái cho khách, nói như đinh đóng cột: “Yên tâm đi, lợn nhà đảm bảo sạch, có chết thì chị đây chết trước, mà lợn bệnh người ta khoanh vùng cả rồi!''.

Chị Thu ở chợ Nông Trang giơ hai chai tiết canh lên trước mặt: “Hết sạch đây này, dịch ở tận đâu chứ đã đến đây đâu mà sợ!''.

Tại chợ Gia Cẩm, chợ Gát, chợ Minh Phương, không khí mua bán cũng diễn ra nhộn nhịp không kém và chúng tôi đều nhận được thái độ tương tự từ đa số người bán hàng. Người bán hàng không biết vì sự chủ quan hay vì lợi ích kinh doanh mà vẫn thờ ơ với dịch bệnh? 100% các chủ quầy hàng không đeo bảo hộ lao động.

Người bán đã vậy, người mua thế nào?

Chị H, nội trợ ở phường Gia Cẩm, tỏ ra khá ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về bệnh “liên cầu khuẩn” ở lợn: “Có bệnh đó hả em, thế mà chị không biết?”. Còn cô Q, một giáo viên ở phường Tiên Cát: “Không ăn thịt thì biết ăn gì bây giờ, mà đã thấy ai chết vì “tai xanh” đâu cơ chứ, với lại thịt lợn rang là món khoái khẩu của bọn trẻ nhà cô, không có là chúng bỏ bữa liền''...

Những người hiểu biết hơn thì tỏ ra e dè và cẩn thận khi mua thịt nhưng phần lớn đều chậc lưỡi: “Thiên hạ ăn đầy chứ riêng gì mình!... Dạo này dịch bệnh triền miên, nhưng hàng của nhà vẫn có uy tín, với lại món quen thì khó bỏ lắm''.

Tìm đến Ban quản lý chợ Phú Thọ, chúng tôi mới thực sự ngạc nhiên trước câu trả lời của Phó Ban quản lý Trần Xuân Lộc: “Dịch ở tận Quảng Nam còn lâu mới ra đến đây'' và câu nói hồn nhiên: “Tôi cũng chưa biết bệnh “tai xanh” là tai nó xanh như thế nào?''.

Đặc biệt ông Lộc tỏ ra không hề hay biết khi chúng tôi đưa ra văn bản số 171/VC/CCTY “về việc chỉ đạo công tác phòng hội chứng sinh sản và hô hấp trên đàn lợn của Chi cục Thú y tỉnh Phụ Thọ gửi tới các trạm thú y các huyện, thành, thị, trạm kiểm dịch động vật ngày 17/7/2007, trong đó nhấn mạnh việc “tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ trên địa bàn''.

Cán bộ quản lý còn như vậy, không trách người dân...!

Tạ Văn Toàn
TTXVN

MỚI - NÓNG