Phú Yên cần máy bay to để du lịch 'cất cánh'

Ghềnh Đá đĩa, tác phẩm tuyệt đẹp của thiên nhiên tại Phú Yên, nơi thu hút du khách đến tham quan hàng ngày. Ảnh: Hữu Việt.
Ghềnh Đá đĩa, tác phẩm tuyệt đẹp của thiên nhiên tại Phú Yên, nơi thu hút du khách đến tham quan hàng ngày. Ảnh: Hữu Việt.
TP - Phú Yên là một vùng đất đẹp của miền Trung, có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch biển. Bờ biển Phú Yên dài gần 200 km, nhiều bãi, ghềnh, vịnh, đầm đẹp tự nhiên và hoang sơ như: Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, Ghềnh Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, Núi Đá Bia,…

Độc đáo nhất là Ghềnh Đá Đĩa, một kiến tạo kỳ thú của thiên nhiên, mà tạo hóa chỉ ưu ái cho ba nơi trên thế giới là Hàn Quốc, Úc và Việt Nam; trong đó những viên “đá đĩa” ở Phú Yên có kích cỡ lớn nhất và đẹp nhất. 

Bên cạnh đó, Phú Yên còn có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, với nhiều di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng nổi tiếng như: Nhà thờ Bác Hồ, Thành An Thổ - nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú, di tích Tàu không số - Vũng Rô, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, Tháp Nhạn, Vịnh Xuân Đài, Khu du lịch sinh thái Núi Thơm…

Đến Phú Yên, với du khách khu vực phía Bắc và phía Nam, đi máy bay là thuận tiện nhất. Thế nhưng di chuyển bằng đường hàng không đang là một trong những việc được coi là bất cập với nhiều người dân và du khách. Hiện mới có hai đường bay (khứ hồi), từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến Tuy Hoà, mỗi ngày một chuyến; trong đó bất cập chủ yếu ở đường bay Hà Nội - Tuy Hoà. Tuyến hàng không này đang khai thác máy bay ATR 72 là loại máy bay nhỏ, chở được tối đa 68 hành khách.

Theo phản ánh của các hãng lữ hành, vì chỉ có máy bay nhỏ nên những tua du lịch khoảng 20 đến 30 khách, gần như không thể mua được vé. Nhưng điều phiền phức nhất là, thời điểm máy bay xuất phát từ Hà Nội đi Tuy Hoà quá sớm, vào lúc 6 giờ sáng. Muốn đến sân bay đúng giờ (quy định là trước 1 tiếng), du khách phải dậy từ ba, bốn giờ sáng mới kịp.

Đi du lịch mà phải lọ mọ từ sáng sớm như... đi cày, đa số du khách lắc đầu than phiền. Máy bay nhỏ (ATR 72 là máy bay hai động cơ tua-bin cánh quạt), nên thời gian bay kéo dài hơn 2 giờ 30 phút; nhiều người gọi vui đây là đường bay “dài nhất Việt Nam”, vì từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh chỉ hết có 1 giờ 45 phút! Với quãng đường trên, vé máy bay đi Tuy Hoà cũng được cho là khá đắt (tương đương giá vé đi TP Hồ Chí Minh).

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của Du lịch Phú Yên khoảng 25%/năm; thành tích này là nỗ lực của toàn tỉnh, cùng sự đóng góp của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có ngành hàng không. Cách đây gần 10 năm, Vietnam Airlines (VNA) mở đường bay Hà Nội - Tuy Hoà, khi ấy đã mang lại niềm vui cho nhiều người, giải quyết một phần nhu cầu đi lại của bà con và du khách. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Phú Yên thì việc sau gần 10 năm vẫn sử dụng máy bay nhỏ, cùng với những bất cập kể trên xuất hiện sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của du khách, và phần nào trở thành lực cản khiến du lịch Phú Yên chưa thể “cất cánh” như tiềm năng sẵn có của mình.

Tỉnh Phú Yên đã nhiều lần làm việc với các hãng hàng không đang hoạt động ở Việt Nam về tuyến bay này, nhưng chưa có kết quả. Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Nếu VNA bố trí được máy bay lớn, sẽ là yếu tố kích cầu để người dân và du khách đi nhiều hơn, đặc biệt là những tua du lịch lớn trong đó có du khách quốc tế. Kinh nghiệm vừa rồi Hãng Jetstar Pacific mới mở đường bay TP Hồ Chí Minh - Tuy Hoà bằng máy bay Airbus, đã khai thác đạt 90% công suất.

Trước mắt, khi cho có máy bay mới, chỉ xin VNA bố trí lịch bay sau 7 giờ sáng cho người dân và du khách... được nhờ”. Nói về tiềm năng phát triển Du lịch Phú Yên, ông Trần Quang Nhất lạc quan khẳng định: “Phú Yên hiện có khoảng 3.000 phòng phục vụ khách du lịch, trong đó gần 1.000 phòng đạt tiêu chuẩn từ ba sao đến năm sao. Thời tiết, khí hậu, cảnh quan Phú Yên tuyệt đẹp; ăn uống ngon, rẻ, phong phú. Chỉ giải quyết xong nốt khâu máy bay thì trong năm 2016, thậm chí cuối năm nay, du lịch Phú Yên sẽ tăng trưởng gấp đôi, lên mức 40-45%/năm”.

Trong đà suy giảm kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam những năm vừa qua phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, và khó khăn ấy vẫn còn đang hiện hữu. Theo Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đã giảm 11,3% trong sáu tháng đầu năm 2015 và đà suy giảm có thể tiếp túc kéo dài trong vòng một đến hai năm nữa. Trong khi đó, tổng thu từ du lịch nội địa đạt 161,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng, những năm sắp tới, khách nội sẽ là cứu cánh của ngành du lịch, góp phần bù đắp sự sụt giảm của khách quốc tế.

Sáu tháng đầu năm 2015, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới để tiếp thêm lợi thế của du lịch, trong đó có quyết định miễn visa 1 năm cho công dân năm nước châu Âu; 5 năm cho Cộng hòa Belarus; cho phép thành lập Quỹ Phát triển du lịch; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc để tạo môi trường du lịch thông thoáng, hấp dẫn…

Chính sách đã mở ra, nhưng cần có sự chủ động tham gia của nhiều ngành, dựa trên thế mạnh của mình, kết hợp với du lịch, thì Du lịch Việt Nam mới vượt qua giai đoạn khó khăn này. Câu chuyện du lịch của Phú Yên là một ví dụ cho thấy: tiềm năng, điều kiện đón khách đến đã sẵn sàng, thậm chí dư đủ (3.000 phòng ở), nhưng du khách lại khó tiếp cận chỉ vì cái máy bay quá nhỏ (vận chuyển chưa đến 70 người đi từ Hà Nội mỗi ngày). Và cũng vì thế mà du lịch khó lòng “cất cánh”.

MỚI - NÓNG