PMU 18 có dấu hiệu kê khống hàng tỉ đồng

PMU 18 có dấu hiệu kê khống hàng tỉ đồng
Hầu hết các đề xuất của PMU 18 đều được Bộ GTVT phê duyệt tức thì, dù có những đề xuất phi lý, những hạng mục có dấu hiệu bị kê khống nhằm moi tiền Nhà nước.
PMU 18 có dấu hiệu kê khống hàng tỉ đồng ảnh 1
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến

Ngày 7/1/1998, tại Quyết định số 18/QĐ-TTG, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 18, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (1998-2001) là 2.759 tỉ đồng và giao cho Bộ GTVT thực hiện. Bộ GTVT giao cho PMU 18 là đại diện chủ đầu tư quản lý dự án này.

Dự án gồm 8 gói thầu thì đa số đều phải điều chỉnh tăng thêm vốn và gia hạn thêm thời gian thực hiện. Gói thầu số 1 (xây dựng đoạn Bắc Ninh - Nội Bài) tăng từ 24 tháng lên 30 tháng.

Gói số 2 đoạn Bắc Ninh - Chí Linh tăng từ 28 tháng lên 30 tháng; gói số 5 đoạn Hòn Gai - Cửa Ông tăng từ 24 tháng lên 30 tháng. Tổng kinh phí xin bổ sung cho các gói thầu này lên tới 133 tỉ đồng.

Để xin gia hạn thời gian và tăng thêm vốn, Bộ GTVT đã đổ lỗi cho hoàn cảnh: sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có đường 18 đi qua, quy hoạch và mức độ đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến phải thay đổi kết cấu mặt đường một số đoạn, bổ sung cống thoát nước, đèn chiếu sáng; một số hạng mục trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật cần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường về địa hình, địa chất, thủy văn...

Một chuyên gia của Bộ GTVT cho biết: "Đáng ra những điều này phải được dự tính từ trước. Nhà nước đã phải chi hàng trăm tỉ đồng cho việc tư vấn, khảo sát để lập nên dự án, vậy mà sau khi lập xong dự án, PMU 18 lại đổ tại kinh tế phát triển quá nhanh, do địa chất phức tạp là vô lý. Vậy đó là trách nhiệm của việc khảo sát thiết kế, chính là trách nhiệm của PMU 18".

Về vốn, trong danh mục các công trình cần bổ sung kinh phí tại gói thầu số 1 đoạn Bắc Ninh - Nội Bài của PMU 18 có những khoản đáng ngờ như chi phí cho bổ sung văn phòng tư vấn hiện trường mất tới 825 triệu đồng; bổ sung cọc tre, quét nhựa đường, rọ đá mất 774 triệu, làm lan can các cầu mất tới 4,1 tỉ, chi tới 1,05 tỉ để khoan tạo lỗ thi công bấc thấm, kinh phí trượt giá (do chính việc thiết kế, thi công chậm trễ gây nên) lên tới 9,99 tỉ đồng, thay đổi thiết kế hệ thống điện chiếu sáng nút giao thông Nội Bài cũng mất tới 924 triệu đồng.

Thậm chí có cả những hạng mục vượt dự toán tới 4 lần như hạng mục đắp cát nền đường đoạn Bắc Ninh - Chí Linh dự toán là 4,9 tỉ đồng thì Bộ GTVT đề nghị thanh toán tới 18,9 tỉ đồng.

Một cán bộ quản lý dự án giàu kinh nghiệm của Bộ GTVT khẳng định: "Hầu hết giá trị đề xuất thanh toán của các hạng mục trên đều cao hơn giá thực tới vài chục phần trăm. Như việc bổ sung văn phòng tư vấn trên quãng đường có vài chục km mất tới hơn 800 triệu đồng là phi lý, khoan tạo lỗ để thi công bấc thấm cũng không thể hết 1 tỉ được, các công trình tôi từng làm trên đoạn đường tương đương chỉ hết già nửa tỉ. Hay như những hạng mục rất chung chung như "khảo sát thiết kế một số hạng mục thay đổi thiết kế kỹ thuật" cũng là mơ hồ. Họ không nói rõ là khảo sát cái gì, công trình nào, mà vẫn đề xuất để được chi tới hơn 600 triệu".

Đáng ngạc nhiên là hầu hết các đề xuất của PMU 18 đều được Bộ GTVT phê duyệt tức thì, dù có những đề xuất phi lý, những hạng mục có dấu hiệu bị kê khống nhằm moi tiền Nhà nước.

Lạm quyền

Trong Công văn số 1182 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc ký trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng về các vấn đề trong quản lý kinh tế của PMU 18 và Bộ GTVT khi thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đã chỉ ra những sai phạm như: đây là dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cần có báo cáo xin chủ trương trước khi thực hiện.

Thực tế các hạng mục về cơ bản đã hoàn thành vào cuối năm 2003, song dự toán của hầu hết các hạng mục đến năm 2004 mới được phê duyệt. Đây là các công việc đã thực hiện xong và đưa vào hoạt động nên việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở cho việc thực hiện là không còn ý nghĩa.

Liên quan đến quá trình điều tra vụ án tham nhũng tại PMU 18, một cán bộ điều tra cho biết: "Hiện nay hướng chính của CQĐT là tập trung làm rõ những sai phạm trong quản lý kinh tế của ông cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến và Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng cùng một số đối tượng liên quan nhằm thu hồi số tiền lớn về cho ngân sách Nhà nước.

Toàn bộ hồ sơ và những khoản kinh phí bổ sung, những khoản chi vượt dự toán sẽ bị điều tra. Thêm vào đó, những chứng cứ trong quá trình giám định chất lượng con đường trên thực địa sẽ là bằng chứng để hoàn tất cáo trạng truy tố các quan chức của Bộ GTVT và PMU 18 liên quan đến vụ án này ra trước vành móng ngựa".

Kém chất lượng

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, PMU 18 làm chủ đầu tư 4 công trình cầu, đường gồm: cầu Tam Giang (tuyến tránh thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu), tuyến tránh TP Tuy Hòa và cầu Đà Rằng mới, cầu Bàn Thạch và trạm thu phí Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), cầu Ngân Sơn (huyện Tuy An) với số vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng.

Thế nhưng, vừa mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, 3 trong số 4 công trình nói trên đã xuống cấp. Hàng nghìn phương tiện giao thông đang đối diện với hiểm nguy khi đi trên những cung đường này mỗi ngày.

Đường dẫn và cầu Đà Rằng mới (TP Tuy Hòa) dài hơn 12 km, kinh phí đầu tư gần 430 tỉ đồng mới đưa vào sử dụng, nền, mặt đường của công trình này bị lún, võng (trên toàn bộ chiều rộng mặt đường) từ Km 1328+700 - Km 1328+900, sâu bình quân 10-15 cm.

Mặt đường phía bắc cầu Đà Rằng bị nứt dọc dài 12m, rộng 6 cm. Tại cầu dẫn số 3 và số 4, đường hai đầu cầu bị lún thấp hơn mặt cầu, cống từ 60 - 70 cm; 1/4 nón ở các mố cầu đều bị nứt, đất nền và đất đắp sau mố bị lún sụt tạo hàm ếch. Mái ta-luy nền đường tuyến tránh bị hư hỏng nhiều; riêng đoạn từ Km 1330+780 đến Km 1330+980 bị hỏng cả hai bên.

Ngoài ra, trên tuyến đường này, hàng loạt cột giải phóng mặt bằng, cột km, biển báo giao thông... vẫn chưa được lắp đặt đầy đủ. Việc thiết kế và thi công cầu Đà Rằng không phù hợp với dòng chảy của sông đã dẫn đến tình trạng xói lở đất ở các mố cầu. Tại mố cầu phía nam, hàng rọ đá kè gia cố ta-luy và nón mố đã bị sập, đe dọa trực tiếp đến độ bền của trụ cầu và mặt đường tiếp giáp...

Ông Cù Huy Kiểm - Phó giám đốc Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên cho biết thêm, những sai phạm tương tự cũng xảy ra đối với công trình cầu Tam Giang, cầu Bàn Thạch và trạm thu phí Bàn Thạch.

Ông Kiểm nói  Công ty đã nhiều lần kiến nghị PMU 18 nhưng không được giải quyết rốt ráo. Cũng theo ông Cù Huy Kiểm, đều trớ trêu là các công trình nói trên vẫn đang trong giai đoạn bảo hành; một số hạng mục đến nay vẫn chưa có hồ sơ hoàn công.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những công trình tai tiếng nói trên do PMU 18 làm chủ đầu tư được "đầu xuôi, đuôi lọt" là nhờ sự tiếp tay của nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến.

Bất chấp những quy định về kiểm soát chất lượng công trình, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã ký công văn (số 3768/BGTVT-CGĐ, ngày 21.6.2005) chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ 5 tiếp nhận bàn giao chính thức từ PMU 18 hiện trạng những công trình chưa hoàn tất hồ sơ hoàn công.

 Lý do được ông Tiến đưa ra là để đảm bảo việc quản lý, khai thác và bảo vệ hành lang an toàn giao thông cho các công trình (!).

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG