PMU 18: Con kiến mà kiện củ khoai

PMU 18: Con kiến mà kiện củ khoai
TP - Để tạo cho mình và PMU 18 sự an toàn, Dũng “tổng” đã dày công xây dựng nên những mối quan hệ chằng chịt từ nhiều cấp. Tại các “sân sau”, nhân viên cũng được bố trí bài bản, lớp lang.
PMU 18: Con kiến mà kiện củ khoai ảnh 1
Bắt Nguyễn Mậu Thôn-Giám đốc Cty Hoa Việt (người đội mũ)

Hoa Việt: “Sân sau” của những ai?

Nói về mối quan hệ của ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với  Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến, cán bộ công nhân viên tại PMU 18 không lấy gì làm lạ.

Mối quan hệ này đã được xây dựng từ  khoảng chục năm nay. Đặc biệt, khi ông Lâm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chống tham nhũng  (VPCP), mối quan hệ này càng trở nên khăng khít.

Sự việc này sẽ là bình thường nếu như vào cuối năm 2002, đầu năm 2003 không có sự xuất hiện của một nhà thầu mang tên Hoa Việt, một doanh nghiệp còn vô danh trong làng xây dựng công trình giao thông.

Nếu cạnh tranh một cách sòng phẳng Hoa Việt còn lâu mới mon men đến gần các dự án của PMU 18, nhưng Hoa Việt như một “người hùng” khi nhận được nhiều gói thầu trị giá cả chục tỷ đồng. Tầm “phủ sóng” của Hoa Việt cũng bám theo các dự án mà PMU 18 làm chủ đầu tư. Vậy Hoa Việt là Cty của ai?

Theo giấy phép kinh doanh mà Sở KHĐT Hà Nội cấp, Cty Cổ phần Hoa Việt, trụ sở 36 Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa). Giám đốc Hoa Việt là Nguyễn Mậu Thôn. Ông Thôn từng là CA quận Đống Đa bị thải hồi và có quan hệ khá thân với Dũng “tổng”.

Trong khi đó, CA quận Đống Đa cũng được Dũng “tổng” cho mượn ô tô. Trong số 4 cổ đông sáng lập Hoa Việt, có ông Nguyễn Việt Nam. Ông Nam có 3.000 cổ phần. Sự đóng góp của ông Nam là rất nhỏ so với trên 30.000 cổ phần của Hoa Việt, song nó lại có ý nghĩa quan trọng bởi ông Nam là em ruột vợ ông Lâm.

Không chỉ vậy, như bài trước chúng tôi đã đề cập, Dũng “tổng” đã cất nhắc em dâu ông Nguyễn Văn Lâm là Nguyễn Thu Hiền lên chức Phó phòng Tài chính kế toán PMU 18. Hiền là vợ ông Nguyễn Văn Tùng (em ruột ông Lâm). Một nhân vật nữa là anh trai vợ ông Lâm là Nguyễn Việt Bắc.

Ông Bắc từng là thư ký cho ông Nguyễn Việt Tiến, rồi được bổ nhiệm chức Phó TGĐ Cty Phát triển đường cao tốc Việt Nam. Ông Bắc cũng bị khởi tố vì tội đánh bạc trong vụ án Bùi Tiến Dũng và đang tại ngoại.

Việc Nguyễn Mậu Thôn cầm hàng trăm triệu đồng của Dũng “tổng” để chạy án, chắc hẳn có nguyên nhân sâu xa. Đặc biệt là bữa cơm thân mật giữa ông Nguyễn Văn Tùng, ông Nguyễn Duy Hồng (Vụ trưởng Vụ 1A), Nguyễn Mậu Thôn tại nhà hàng Phố Núi chắc không chỉ là bữa cơm “bình thường” vì ông Hồng cũng là người họ hàng của ông Lâm đang trực tiếp xử lý vụ án Bùi Tiến Dũng. Hơn thế, Nhà hàng Phố Núi cũng là một địa chỉ nghi vấn là nơi rửa tiền của Dũng “tổng”.

Câu hỏi đặt ra sau vụ án là: Có phải ngẫu nhiên mà ông Lâm lại có nhiều người thân “dính” đến PMU 18, Bộ GTVT?

Đến “sân sau” của Dũng “tổng”

Cùng với cái tên mới nổi Hoa Việt, một Cty mang cái tên rất có tầm “quốc gia” là Bắc Nam. Cty Cổ phần xây dựng Bắc Nam ra đời sớm hơn (tháng 1/2002) Hoa Việt tròn nửa năm. Cty có vốn điều lệ 8,5 tỷ đồng do Vũ Việt Dũng làm GĐ.

 “Sân sau” của Bùi Tiến Dũng tham gia một số công trình của PMU 18:

Cty Bắc Nam: Thi công đường 623 (tỉnh Quảng Ngãi-11,2 tỷ đồng); đường nhánh Vĩnh Điện-Hội An ( Quảng Nam-3,2 tỷ đồng). Gói 1A dự án Nội Bài- Bắc Ninh (8 tỷ đồng).

Cty Hoa Việt: Thi công đường Hai Bà Trưng (Quảng Ngãi-23 tỷ đồng). Gói 1A đường Nội Bài- Bắc Ninh, đường Trần Hưng Đạo,  gói 3A ( Biểu Nghi- Phà Rừng), gói 4 A ( tuyến tránh Cửa Ông), Gói thầu R 1 (QL2) với tổng giá trị các gói thầu là 51,1 tỷ đồng.

Cty Thái Bình Dương: Thi công cầu Mống Cống Đá- T5 (Quảng Nam-4,7 tỷ đồng); đường tỉnh 608 Vĩnh Điện- Hội An (Quảng Nam-7,5 tỷ đồng); hạng mục tuyến T1, T5, kè (10,5 tỷ đồng).

Ngoài Vũ Việt Dũng, còn có 3 thành viên sáng lập Cty Bắc Nam là Đậu Mạnh Hùng, Bùi Quốc Tiến và Trần Lê Duyên. 4 thành viên đều có tỷ lệ góp vốn như nhau: 21.250 cổ phần (2,125 tỷ đồng).

Ngành nghề kinh doanh của Bắc Nam là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, cầu đường; gia công khai thác đá; kinh doanh bất động sản. Cty này cũng đăng ký một ngành nghề không mấy ăn nhập với nghề xây dựng là: phục vụ lễ hội, hội nghị.

Cũng như Hoa Việt, Cty Bắc Nam nhanh chóng gia nhập đội hình nhà thầu bám chặt PMU 18. Nhiều hợp đồng từ tổ chức khánh thành, khởi công dự án của PMU 18 đã được giao cho Bắc Nam.

 “Trình độ nghiệp vụ non, khung, mái cũ, chất lượng phục vụ khá tồi... nhưng Bắc Nam luôn ký hợp đồng với giá cao ngất”- Một cán bộ PMU 18 thừa nhận. Trong lĩnh vực xây dựng, Bắc Nam luôn được các thầu chính tự nguyện ưu ái cho những hợp đồng “béo bở”.

Theo thông tin chưa được kiểm chứng thì nhiều gói thầu đã được Bắc Nam “nhượng” lại cho nhà thầu khác kiếm tiền tỷ. Đây là chuyện lạ. Song, nó lại chẳng hề lạ đối với các nhà thầu chính vì Bùi Quốc Tiến là em trai và Trần Lê Duyên, em rể Dũng “tổng”.

Vì lẽ đó, dù không muốn các nhà thầu chính đều phải ký hợp đồng với Bắc Nam coi như một sự  “lại quả” đối với Dũng “tổng”.

Chống tiêu cực: Ai chống ai?

Có thể thấy với cách sử dụng, cất nhắc cán bộ, Dũng “tổng” đã tạo nên một vỏ bọc an toàn. Hơn thế, tại các “sân sau” cũng được bố trí bài bản, lớp lang.

Trong thời gian ông Tiến làm TGĐ rồi Bùi Tiến Dũng làm TGĐ PMU 18, có nhiều dự án được thanh tra.

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ GTVT, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ XD, Kiểm toán Nhà nước đã từng đến, rồi đi. Tuy nhiên, các bản kết luận thanh tra đều trong tình trạng “đầu voi đuôi chuột” và sai phạm được xử lý theo kiểu “đánh bùn sang ao”.

Ví dụ, khi phát hiện sai phạm tại dự án QL 18 về việc thay lõi sắt bằng lõi tre tại nhiều cọc tiêu, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm nhưng Hội đồng Thi đua khen thưởng kỷ luật Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến làm Chủ tịch lại “quên” không quy trách nhiệm và xử lý Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng thực hiện dự án này (?!) Hay việc thay cát đen bằng cát vàng tại dự án này cũng được ông Tiến kết luận là: “Chấp nhận được và tiết kiệm cho nhà nước tiền tỷ” (?!)

Về dự án cầu Phả Lại, khi bị ép tiến độ dẫn đến công trình có sự cố và tăng kinh phí lên 6 tỷ đồng, ông Đỗ Ngọc Trung - Trưởng phòng Kỹ thuật biết rất rõ điều này. Khi ông này chỉ mới có ý định “đấu tranh” thì ngày 4/2/2002 đã bị chém trọng thương.

Cục Bảo vệ An ninh kinh tế (A 17) và CA quận Cầu Giấy vào cuộc. Nhưng A 17 đã từng đề nghị tặng Huy chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho ông Tiến và Bằng khen cho Dũng “tổng”, còn CA quận Cầu Giấy đã dùng xe ô tô của Dũng “tổng” từ 2 năm trước đó.

Thủ phạm vụ án không được tìm ra.  Trường hợp như ông Trung xảy ra tại PMU 18 không phải  duy nhất. Những cán bộ có lương tâm tại PMU 18 dường như bị cô lập và không dám đấu tranh vì không biết “tránh đâu”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.