PMU 18: Tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ kiểu... bảo kê

PMU 18: Tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ kiểu... bảo kê
TP - Tại PMU 18, Dũng “tổng” đã dựng lên một ê kíp làm việc khá bài bản với các quan hệ chằng chịt từ những người “không rõ” lý lịch đến người thân những quan chức cấp cao. 
PMU 18: Tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ kiểu... bảo kê ảnh 1
QL2 - một trong những dự án của PMU18 vừa khánh thành đã hỏng nặng

Nhìn vào PMU 18, ai cũng thấy để “chạm” được vào “lô cốt” PMU 18 và Dũng “tổng” là việc làm không dễ.

Trong cất nhắc, sắp xếp cán bộ nhà nước thì điều đầu tiên là dựa vào năng lực. Chúng tôi không hề đánh giá thấp một số người có năng lực thực sự tại PMU 18 được nắm giữ một số chức vụ quan trọng. Song, việc một Ban QLDA có nhiều “thành phần 5C”- (con cháu các cụ cả) thì lại là một điều không nên!

Một kỹ sư không mấy giỏi giang như Bùi Tiến Dũng (vì Dũng đã từng bị đúp khi học ĐH GTVT) nhưng lại được nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến tiến cử giữ chức Tổng GĐ.

Hàm ân này - mà đúng hơn là mối quan hệ qua lại này - đã được cả hai vun đắp từ những ngày cùng làm việc tại Vụ Kế hoạch-đầu tư (Bộ GTVT) cho đến khi cùng vào trại. Sự lựa chọn đó theo ông Tiến là không hề “ân hận”.

Cặp bài trùng Tiến- Dũng đã phối hợp ăn ý trong nhiều năm liền. Và nếu không có sự cố PMU 18, cả Tiến và Dũng sẽ cùng ung dung... tiến trên con đường hoạn lộ.

Khi làm lãnh đạo PMU 18, Dũng đã kịp cất nhắc em trai Bùi Huy Kiểm giữ chức Phó phòng PID 5. Một em trai khác của Dũng “tổng” cũng được nhận vào làm cán bộ phòng PID 1.

Với Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, PMU 18 như một “nhà trẻ gia đình”. Chỉ tính riêng gia đình ông Nguyễn Ngọc Long (cháu ông Tiến) đã có đến 3 cán bộ làm việc tại PMU 18. Anh trai ông Long là Nguyễn Ngọc Thạch đã từng giữ chức Phó TGĐ PMU 18 (phụ trách phía Nam).

Để mở đường cho ông Long lên chức Phó TGĐ PMU 18 và cũng là tạo bàn đạp để ông Thạch lên nắm chức TGĐ Ban QLDA đường thủy: Năm 2005 ông Thạch được lưu chuyển làm Phó TGĐ Ban QLDA đường thuỷ và ông Long lên nắm chức phó TGĐ PMU 18. Hiện bà Nguyễn Thị Thoa, em gái ông Long, cũng giữ chức Phó phòng PID 2.

Ông Nguyễn Sào Nam, chú của ông Long hiện giữ trọng trách Trưởng phòng Kỹ thuật. Cá nhân ông Tiến cũng kịp “gài” con gái là Nguyễn Bích Liên làm Chánh văn phòng tư vấn dự án Giao thông nông thôn.

Em bên vợ của ông Tiến cũng giữ chức vụ Chánh văn phòng tư vấn dự án cầu trên QL 1. Hiện cả hai người này đã xin nghỉ.

Đối với Phạm Tiến Dũng (Dũng “con”), một “đệ tử ruột” của Dũng “tổng” và Thứ trưởng Tiến cũng đã được cất nhắc rất nhanh từ Phó lên Trưởng phòng BID 6 rồi Trưởng phòng Kế hoạch và dự kiến lên Phó TGĐ PMU 18 vào đầu năm 2006. Khi Dũng “con” chuyển từ phòng PID 6 lên phòng Kế hoạch thì vợ Dũng là Lê Thanh Hòa được “luân chuyển” về làm Phó phòng PID 6.

Nói đến PMU 18, người ta không thể không nhắc đến con trai nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn là Lê Anh Tuấn. Ông Tuấn về PMU 18 được 4 năm thì được cất nhắc lên vị trí Phó TGĐ.

PMU 18 được giao quản lý 20 dự án với tổng mức đầu tư 32.882 tỷ đồng

15 dự án vốn ODA: Khôi phục các cầu QL 1 giai đoạn 1: 299 tỷ đồng, giai đoạn II-3 (2.122 tỷ đồng), giai đoạn III (1.485 tỷ đồng); Dự án QL 10 và vốn dư (5.341 tỷ đồng); Dự án nâng cấp QL 18 và vốn dư (3.734 tỷ đồng); Dự án cầu Bãi Cháy (2.141 tỷ đồng); Dự án giao thông nông thôn 2 (2.43 tỷ đồng); Dự án nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ (2.675 tỷ đồng); Dự án xây dựng QL 3 ( Hà Nội- Thái Nguyên- 3.523 tỷ đồng)...

5 dự án vốn trong nước: Dự án QL 183 (92 tỷ đồng); Dự án QL 2 (494 tỷ đồng); Xây dựng tuyến tránh Thái Nguyên trên QL 3 (400 tỷ đồng); Dự án Tây Thanh Hóa (1.562 tỷ đồng); Dự án Nam Quảng Nam (664 tỷ đồng).

Tại PMU 18, người ta còn rất ngạc nhiên khi bà Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1975) dù chỉ có bằng Trung cấp Tài chính (về sau có học tại chức ĐH Tài chính) đã được bổ nhiệm chức Phó phòng kế toán năm 2005.

Tuy nhiên những băn khoăn này đã được giải toả sau đó: Bà Hiền là vợ Nguyễn Văn Tùng, công tác tại Ban Tổ chức TW. Hơn thế ông Tùng là em ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm VPCP. Dư luận cho rằng Dũng “tổng” bổ nhiệm bà Hiền là để “trả ơn” ông Lâm?

Theo thông tin chúng tôi nắm được thì tại PMU 18 có rất nhiều cán bộ được nhận vào làm nhờ sự “gửi gắm” của một số VIP đang công tác ở một số cơ quan trung ương…

Nói đến công tác cán bộ tại PMU 18 người ta thấy nực cười. Sau vụ gây lộn tại phố Nguyễn Du (năm 1996), ông Nguyễn Việt Tiến và một số cán bộ PMU 18 được tha. Mới đây, khi C 14 xem xét lại vụ việc, cơ quan CA không tìm thấy hồ sơ vụ này do thất lạc.

 Người làm “thất lạc” hồ sơ sau đó có một người em được ông Tiến nhận vào làm việc tại PMU 18 và hiện đang giữ chức đội trưởng đội xe.

Hiện PMU 18 có khoảng 240 cán bộ trong đó trên 50 cán bộ “chủ chốt” (phó, trưởng phòng). Tại văn phòng Ban cũng có đến 70 cán bộ, nhân viên trong đó gần 30 người là lái xe. Theo đánh giá của một số cán bộ tâm huyết của PMU18 thì có đến 40% cán bộ chủ chốt được bổ nhiệm theo kiểu “đền ơn, đáp nghĩa” và không làm việc hiệu quả.

Rõ ràng việc sử dụng con người của ông Nguyễn Việt Tiến và sau đó là Bùi Tiến Dũng như một mũi tên trúng hai đích: Thứ nhất, Dũng “tổng” có quan hệ với nhiều lãnh đạo cao cấp, khiến công việc của PMU 18 được suôn sẻ. PMU 18 ngày càng nâng cao thanh thế. Hàng loạt các dự án lớn được “dồn” về PMU 18.

Trong 10 năm qua, PMU 18 đã được quản lý trên 32.000 tỷ đồng và trở thành siêu ban. Thứ hai, với sự hiện diện của nhiều người thân của một số lãnh đạo, Dũng “tổng” đã khoác lên PMU 18 một chiếc “áo giáp”.

Chiếc “áo giáp” đó lại được dát bằng hàng ngàn tỷ đồng nên càng trở nên long lanh  trong con mắt nhiều người.    

Bài 2: Con kiến mà kiện củ khoai

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.