“PMU18”, nhìn từ Tokyo

“PMU18”, nhìn từ Tokyo
Ngày 29-3 vừa qua, Yomiuri, nhật báo có lượng phát hành lớn nhất Nhật Bản hiện nay, đã đưa tin lớn ở trang quốc tế, trong đó, sau khi tường thuật sự kiện PMU18 đã bình luận:

Đọc tin này có lẽ người Nhật sẽ rất ngạc nhiên và nhớ lại trường hợp của họ khoảng 60 năm về trước. Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát do chiến tranh gây ra, họ đã trên dưới một lòng chung sức tìm biện pháp xây dựng lại cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất, ổn định xã hội.

Những nhà kinh tế, kể cả những kinh tế gia Mácxít, không phân biệt quan điểm, lập trường, đã bắt tay vào việc điều tra thực tế và tìm kiếm những chiến lược khả thi. Dựa trên kết quả đó, năm 1947, chính phủ đã công bố cuốn Sách trắng kinh tế (White Paper, phân tích thực trạng kinh tế), trong đó có một câu mà bây giờ người Nhật vẫn nhắc đến như biểu tượng của sự thành thật từ phía lãnh đạo về việc nhận định tình hình để kêu gọi toàn dân chung sức:

“Bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng mà nhà nước thì thâm hụt ngân sách, xí nghiệp thì làm ăn thua lỗ và nhà nhà đều thiếu ăn thiếu mặc”. Cùng với sự phân tích một cách khách quan và tích cực cho dân biết hết kết quả là phong cách làm việc vì nước quên mình của giới quan chức. Nhờ đó toàn dân tin tưởng vào nhà nước, tạo ra khí thế cả nước đồng lòng góp sức vào việc phục hưng kinh tế.

Sách trắng kinh tế cho thấy cả ba chủ thể kinh tế đều thiếu hụt thì không còn cách nào khác là phải vay mượn từ nước ngoài. Từ năm 1946 đến 1951, Nhật đã nhận viện trợ không hoàn lại từ Mỹ, số tiền này được quản lý chặt chẽ và chỉ dùng để nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất. Từ 1949-1961, Nhật vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Mỹ để dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và để phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sắt thép, xe hơi, hàng không... (thời đó đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa phổ biến).

Tuy nhiên Nhật tìm cách huy động vốn trong nước, hạn chế số tiền vay từ nước ngoài, lúc vay nhiều nhất (năm 1958) số tiền cũng chỉ chiếm có 5% tổng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế. Với tinh thần yêu nước và quyết tâm đuổi kịp các nước Âu Mỹ, tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình của đội ngũ quan chức nhiều năng lực (vì được thi tuyển nghiêm túc), tinh thần doanh nghiệp và sự hăng say làm việc của mọi tầng lớp, kinh tế Nhật đã hồi phục và phát triển một cách kỳ diệu:

Năm 1955 sản xuất đã hồi phục ở mức cao nhất của thời kỳ trước chiến tranh và kinh tế bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ. Năm 1964, Nhật trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước công nghiệp tiên tiến. Dĩ nhiên trong quá trình đó, Nhật đã trả hết nợ nước ngoài.

Trở lại trường hợp của nước ta. Không kể các khoản nợ của Liên Xô cũ, VN đã bắt đầu nhận viện trợ từ các tổ chức quốc tế và các nước tiên tiến từ năm 1993. Riêng trong kế hoạch năm năm vừa qua (2001-2005), ODA lên tới 7,8 tỉ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư (ngoài ra đầu tư trực tiếp nước ngoài là 10,8 tỉ, chiếm 17%).

Trong kế hoạch năm năm sắp tới, Chính phủ dự kiến cần một khoản ODA lớn hơn nữa (độ 11 tỉ USD). Hầu hết ODA dùng cho đầu tư là tiền vay mượn, trong tương lai phải hoàn trả. Nếu dùng không có hiệu quả hoặc lãng phí dĩ nhiên là con cháu sau này phải gánh chịu.

Và không chỉ vấn đề trả được nợ hay không mà còn là chuyện uy tín, thể diện của Nhà nước VN trên vũ đài quốc tế. Năng lực quản lý đất nước, phẩm chất của quan chức, tinh thần tự trọng trong việc vay mượn nước ngoài... đều là những điểm mà cộng đồng quốc tế nghiêm khắc nhìn vào một nước đang tiếp nhận nhiều ODA.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy nước nào xem ODA chỉ là biện pháp giúp rút ngắn quá trình đi đến tự lập kinh tế trong tương lai thì sẽ thành công trong phát triển. Nhận thức đó phải được thể hiện nghiêm khắc trong việc quản lý ngân sách, trong việc chọn lựa dự án, và nhất là tuyển chọn nghiêm minh những người có tài, có đức phụ trách việc quản lý điều hành này.

Thế giới đang nhìn xem VN sẽ xử lý sự kiện PMU18 như thế nào.

(Tokyo, cuối tháng 3-2006)

MỚI - NÓNG