Quá tải ở BV Nhi Trung ương : "Không thể để kéo dài tình trạng này mãi được"

Quá tải ở BV Nhi Trung ương : "Không thể để kéo dài tình trạng này mãi được"
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, tình hình quá tải ở BV Nhi Trung ương hiện nay là nghiêm trọng.
Quá tải ở BV Nhi Trung ương : "Không thể để kéo dài tình trạng này mãi được" ảnh 1
Khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi quá tải khiến các bà mẹ và các cháu phải ghép 2-3 người vào một giường

“Không thể để kéo dài tình trạng này mãi được. Nhà nước và nhân dân cùng phải xắn tay vào cứu ngành nhi tuỳ theo trách nhiệm của mỗi cấp mỗi ngành”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói.

Phải giải quyết nhanh chóng và đồng bộ

Tại cuộc gặp gỡ đoàn đại biểu Quốc hội sáng qua, thứ Tư 6/4/2005, PGĐ BV Nhi Trung ương, BS Nguyễn Văn Lộc, phát biểu: “Một bác sĩ khám cho 70 bệnh nhân mỗi ngày thì làm sao có thể đảm bảo được”. Y tá Bùi Tố Như, khoa Tim mạch, than: “Phải đóng viện phí đã quá tải rồi. Nay miễn phí bệnh nhi tuyến dưới cứ tha hồ lên điều trị thì chịu sao thấu”.

Bà Hoài Thu thừa nhận: “Bệnh viện 80 giường mà nhồi nhét đến vài trăm cháu là không thể chấp nhận được. Như thế các cháu không khoẻ mà y bác sĩ tận tụy đến đâu cũng không thể cáng đáng nổi.

Cách giải quyết không phải là mua thêm giường về kê trong... phòng giám đốc hay ngoài hành lang. Chúng ta phải giải quyết từ tuyến cơ sở. Bệnh nào ở cấp địa phương có thể điều trị được thì không nên đẩy lên tuyến trên. Đẩy lên như thế không phải là cứu mà có khi còn hại trẻ em. Nếu tuyến Trung ương ít bệnh nhân, bác sĩ mới có điều kiện tập trung vào các ca bệnh nặng, hiểm nghèo.

Bà Hoài Thu đề nghị Bộ Y tế cần xem xét lại khoa Nhi ở các BV huyện. “Sau một thời gian vô hiệu hoá, khoa Nhi tuyến huyện đã được phục hồi” bà Hoài Thu nói, “Tuy nhiên đã hoàn thiện hay chưa, cơ sở hạ tầng có phù hợp với trang thiết bị, có nhân lực đảm bảo vận hành được các trang thiết bị này hay không, phải kiểm tra hệ thống khám chữa bệnh nhi từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt chú trọng đến tuyến cơ sở. Cấp xã phải làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu, làm tốt tiêm chủng mở rộng để hạn chế số trẻ bệnh tật, đau ốm”.

Không phải cứ dưới 6 tuổi là miễn viện phí

Về phía Bộ Tài chính, bà Hoài Thu yêu cầu cần xem xét đầu tư kinh phí khám chữa bệnh đúng đối tượng. Những bệnh nhân dưới 6 tuổi mà gia đình có điều kiện nên để họ đóng góp vì ngân sách, vì cộng đồng.

“Chúng ta không thể đủ kinh phí để miễn phí hoàn toàn cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi”, bà Hoài Thu khẳng định, “Ngân sách Nhà nước như một cái bánh nhỏ phải chia cho quá nhiều con, đứa nào ốm yếu, còi cọc quá thì phải ưu tiên cho nó phần hơn.

Không thể vì lòng nhân đạo mà chúng ta miễn phí cái mà chúng ta không có. Không phải cứ dưới 6 tuổi là được miễn cho dù gia đình các em có khả năng chi trả. Hơn nữa, thực tế cho thấy có những gia đình mong muốn được trả tiền để con em mình được đảm bảo khám chữa bệnh ở mức tốt nhất. Được trả tiền họ mới cảm thấy yên tâm.

Thế mà vẫn cứ miễn phí cho những đối tượng đó là sao. Trong khi nhiều em khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, lại phải đóng tiền. Đã miễn phí thì phải miễn sao cho ra miễn. Theo tôi, nên miễn phí cho những trẻ em mắc bệnh mãn tính, bất kể tuổi tác.

Ai vượt tuyến phải trả viện phí

Trả lời câu hỏi “Nếu được đề xuất sửa đổi Nghị quyết 36 của Chính phủ, Uỷ ban các Vấn đề xã hội sẽ đề xuất những vấn đề gì?”, bà Hoài Thu nói, “Theo tôi, có ba vấn đề cần phải xem xét. Một là chống đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Hai là sắp xếp lại các chính sách không còn phù hợp.

Chẳng hạn chính sách thu viện phí theo nghị định ban hành năm 1995 đến nay không còn phù hợp với những thay đổi về giá cả, thị trường. Tốt nhất là thực hiện miễn phí khám chữa bệnh cho trẻ thông qua phát hành thẻ bảo hiểm y tế. Tiến tới xã hội hoá bảo hiểm y tế. Và ba là xem xét và điều chỉnh lại chính sách chi trả của bảo hiểm y tế cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Trong điều kiện không thể ngày một ngày hai mà sửa đổi Nghị định, bà Hoài Thu cho rằng “chúng ta không còn cách nào khác hơn là khắc phục ngay những bất cập trong tuyến điều trị. Mỗi cấp cần đi vào chức năng của mình. Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tuyến, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, đào tạo cán bộ.

Đặc biệt, cần xử lý bằng biện pháp kinh tế, ai vượt tuyến sẽ phải trả viện phí. Như vậy mới không để xảy ra tình trạng không công bằng.

MỚI - NÓNG