''Quá tam ba bận'' thì công khai lên báo

''Quá tam ba bận'' thì công khai lên báo
''Yêu cầu, kiến nghị quá 3 lần mà Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không giải quyết, đại biểu, cơ quan của Quốc hội có quyền công khai ý kiến lên báo chí và báo cáo Chủ tịch Quốc hội''.
''Quá tam ba bận'' thì công khai lên báo ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. (VietnamNet)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói như vậy tại buổi làm việc chiều 3/4, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Theo ông, đại biểu Quốc hội phải làm quyết liệt, đeo bám việc giải quyết khiếu kiện của dân nhưng dám chịu trách nhiệm, lấy tư cách đại biểu của mình để đảm bảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết ở các nước, công khai trên báo chí giải quyết công việc cho dân rất phổ biến. Thậm chí có nước, các vụ án đến một chừng mực nào đó cũng được đăng lên báo.

Người đứng đầu Quốc hội cũng nhận xét rằng, ''ta cứ mang danh XHCN, ưu việt hơn nhưng đại biểu Quốc hội của họ gần dân hơn ra''. Đơn giản vì ''đại biểu sợ không được tín nhiệm của cử tri, đến kỳ họ không bầu cho nữa''.

Kiến nghị ''gửi gió bay đi''

Dẫn chứng nhiều kiến nghị ''một đi không trở lại'', Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết: ''Kiến nghị của Uỷ ban Pháp luật gửi đi một năm chưa bao giờ đến 50% được phản hồi! Cá biệt có năm còn không được một trả lời nào!''

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu nói một cách ví von, những kiến nghị hay ''kính chuyển'' ''gửi cho gió đưa đi''.

Báo chí có đưa vụ việc 50 y bác sỹ ở Yên Bái bị bom chết năm 1965. Uỷ ban đã có văn bản kiến nghị sang Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đề nghị xem xét công nhận liệt sỹ cho họ nhưng đến nay vẫn đang ''treo''.

Ủng hộ đưa khiếu nại, kiến nghị của dân lên báo chí, nhưng bà Hoài Thu cảm thấy ''dân không tín nhiệm và thiệt thòi cho các Uỷ ban''. ''Tất cả những vấn đề có tính xã hội, người dân hãy gửi đến Uỷ ban chúng tôi! Chưa chắc là giải quyết được nhưng cứ gửi thông tin đến!'', bà thể hiện trách nhiệm.

Lãnh đạo ngại tiếp dân?

Về tiếp dân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn nói rằng, hầu hết lãnh đạo từ Trung ương cho đến địa phương ít tham gia tiếp dân.

Ông thổ lộ: ''Bản thân tôi (ông là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Bình - NV) rất muốn tiếp dân nhiều nhưng bận quá nên không đi được! Bay ra, bay vào tốn kém, không biết có giải quyết được gì không?''

Nhiều vụ việc ở địa phương rất khó, thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng không giải quyết dứt điểm ''đẩy đại biểu Quốc hội vào thế không làm nổi''.

Còn theo bà Hoài Thu, vẫn còn tâm lý né tránh, ngại tiếp dân, ngại nghe chuyện ''khó chịu'' mà dân phản ánh. Tuy nhiên, bà cũng muốn được chia sẻ khi phải ''ba chân, bốn cẳng'' chạy việc. Hay một đại biểu là giáo viên không thể lấy trường học làm nơi tiếp dân... Trong khi ở nhiều nước, đại biểu Quốc hội có văn phòng riêng, có chuyên viên giúp việc.

Theo Văn Tiến

VietnamNet

MỚI - NÓNG