Quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành vi trong cai nghiện thuốc lá

Quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành vi trong cai nghiện thuốc lá
TP - Nghiện thuốc lá là một trong những vấn đề y tế công cộng hàng đầu tại Việt Nam với những tác động không chỉ đến sức khỏe của người hút thuốc lá và hút thuốc thụ động mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội của quốc gia.  

Nghiện thuốc lá bao gồm nghiện tâm lý, nghiện hành vi và nghiện thực thể. Nghiện tâm lý biểu hiện qua cách suy nghĩ, nhận thức và niềm tin “lệch lạc” về hành vi hút thuốc lá. Nghiện hành vi biểu hiện qua hành vi hút thuốc lá đã trở nên một thói quen, một phản xạ có điều kiện được củng cố bằng hình thức lặp đi lặp lại qua nhiều năm tháng. Nhu cầu được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá từ cộng đồng là rất cao. Để hỗ trợ người hút thuốc lá cai nghiện, trên thế giới hiện đã có các hướng dẫn điều trị cai nghiện thuốc lá bao gồm các khuyến cáo cụ thể về biện pháp tư vấn cai thuốc lá. Các biện pháp điều trị cai nghiện thuốc lá hiện nay bao gồm: tư vấn điều trị nhận thức thay đổi hành vi, điều trị bằng thuốc: nicotine băng dán, bupropion và varenicline. Tùy trường hợp, bác sỹ quyết định dùng biện pháp điều trị nào, đơn thuần hay kết hợp 2 thậm chí 3 biện pháp. Các biện pháp điều trị này đã được chứng minh về mặt khoa học là an toàn và hiệu quả trong cai nghiện thuốc lá và cần được phổ biến rộng trong cộng đồng. 

Quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành vi cai nghiện thuốc lá không phải là vòng tròn khép kín, ngược lại là vòng xoắn ốc đi lên, và cứ mỗi lần đi qua một vòng là người cai thuốc lá có thêm các trải nghiệm mới vốn cần thiết và là tiền đề cho cai thuốc lá thành công sau này. Sự chuyển đổi lần lượt qua các giai đoạn là liên tục với thời gian trải qua từng giai đoạn là khác nhau tùy mỗi người, thay đổi tùy vào các biện pháp can thiệp từ ngoài mà người hút thuốc lá nhận được và nó diễn ra theo một chu trình gồm các giai đoạn như sau:

Giai đoạn nhận thức: Khi có những thông điệp về tác hại của thuốc lá nhiều người nghiện thuốc lá trong giai đoạn này tỏ ra thờ ơ, không có ý niệm tìm hiểu về tác hại thuốc lá, không tin có tác hại của thuốc lá, nếu có tin thì cũng sẽ cho rằng tác hại hút thuốc lá không xảy ra cho bản thân họ, coi đó là chuyện của người khác không ảnh hưởng đến mình. Tuy nhiên, giai đoạn “thờ ơ” kéo dài hay ngắn là tùy mỗi người, có thể từ vài tháng đến nhiều năm. Giai đoạn này kết thúc khi người hút thuốc lá đủ “trưởng thành” về mặt nhận thức để có thể biết và tin rằng tác hại hút thuốc lá là có thật, khi thời gian hút thuốc lá “đủ dài” để gây một vài tác hại trên sức khỏe có thể cảm nhận được như: vàng răng, hơi thở hôi, ho vào buổi sáng,… Sau đến là giai đoạn “dự định” và “chuẩn bị” cai thuốc. Giai đoạn “dự định” tương ứng thời điểm người hút thuốc lá đã có đủ nhiều kiến thức về tác hại thuốc lá để tin rằng thuốc lá thực sự có hại cho sức khỏe hoặc người hút thuốc lá đã hút đủ lâu để có thể trải nghiệm một số tác hại hút thuốc lá trên bản thân, gia đình, kết quả là họ có dự định cai thuốc lá. Giai đoạn “chuẩn bị” tương ứng thời gian người hút thuốc lá cảm nhận hút thuốc lá nhiều tác hại hơn “lợi ích”, cảm nhận được lợi ích cai thuốc lá, kết quả họ chuẩn bị cai thuốc lá.

Giai đoạn cai nghiện thuốc lá thực sự: Giai đoạn này tương ứng thời điểm người hút thuốc lá nhận thức rõ ràng về biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nhằm kiểm soát các tác hại của cai nghiện thuốc lá và tiến hành cai nghiện thuốc lá thực sự. Trên thực tế, những người hút thuốc lá khi bỏ hút thường không bỏ hẳn mà hạn chế từ từ bằng cách giảm dần từng ngày hoặc giảm số lượng điếu thuốc lá hút. Đây chưa được gọi là giai đoạn cai nghiện thành công mà mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị cai nghiện. Để cai thuốc lá thành công cần sự quyết tâm cao, phải bỏ hẳn hoặc có thể áp dụng một số phương pháp cai nghiện khoa học như dùng kẹo chứa nicotine với lượng giảm dần hoặc tránh buồn, nhạt miệng thì nên dùng kẹo cao su... 

Giai đoạn củng cố và cai nghiện thành công: Giai đoạn này tương ứng thời gian ngay sau khi quyết định cai thuốc lá hoàn toàn cho đến thời điểm 1 năm sau cai thuốc lá và rất dễ bị tái nghiện khi gặp phải khó khăn từ các cám dỗ từ môi trường bên ngoài (cạnh người khác hút thuốc lá, mùi thơm của khói thuốc lá, bạn bè mời hút thuốc lá) và bên trong (cảm giác thèm thuốc lá, khoảnh khắc buồn bã, vui sướng, cô đơn, sum họp, thành công, thất bại). Người cai thuốc lá vượt qua được thời điểm 1 năm sau khi cai thuốc lá mà vẫn chưa tái nghiện thì được coi là cai thuốc lá thành công. Tuy nhiên, thành công trong cai thuốc lá không bao giờ là thành công vĩnh viễn vì nếu thiếu cảnh giác, họ vẫn có nguy cơ tái nghiện ở giai đoạn này.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.