Đất công biến thành dịch vụ kinh doanh ở Hà Nội:

Quán cà phê, bia hơi lấn... di tích Cột Cờ, bảo tàng

Quán cà phê, bia hơi lấn... di tích Cột Cờ, bảo tàng
TP - Cột Cờ Hà Nội - một di tích lịch sử, danh thắng độc nhất của Hà Nội và cả nước đang bị một quán cà phê lấn át. Chưa hết, những quán bia hơi cũng đang có xu hướng lấn vào cơ quan hành chính, đặc biệt là bảo tàng.
Quán cà phê, bia hơi lấn... di tích Cột Cờ, bảo tàng ảnh 1
Quán Highlands Coffee (lán 2 mái) nằm sát chân Cột Cờ.

Từ quán cà phê lấn di tích lịch sử

Di tích Cột Cờ Hà Nội cũng là một trong những điểm di tích quan trọng trong hệ thống di tích từ thời Nguyễn gắn với thành cổ Thăng Long và thành Hà Nội còn lại đến ngày nay.

Một di tích có tầm quan trọng là thế, nhưng hiện trạng toàn bộ mặt tiền của di tích Cột Cờ, phần nhìn ra đường Điện Biên Phủ, đã bị biến thành một quán cà phê rộng tới vài trăm mét vuông.

Tại đây, từ khoảng một năm qua, sau khi được “thuê đất” - mà thực chất theo một vị quản lý của Highlands Coffee là liên doanh với Bảo tàng - chủ quán đã cho dựng một chiếc quán hai tầng mái, toàn bộ diện tích còn lại là nơi ngồi nhâm nhi cà phê, ăn sáng của khách.

Do bị quán cà phê chiếm chỗ, nhiều du khách đến thăm quan di tích Cột Cờ không thể đi vòng quanh để chiêm ngưỡng cột cờ lịch sử này. Không ít người đến thăm bảo tàng và di tích Cột Cờ than phiền rằng, quán đã lấn di tích!

Nhiều người tỏ ra khó chịu, một di tích quan trọng có một không hai của Hà Nội và cả nước lại bị vi phạm như vậy. “Không hiểu sao người ta lại cho dựng một quán cà phê ngay dưới chân Cột Cờ, hay thành phố đã hết đất mở quán rồi?!”- một vị khách từ miền Nam ra Hà Nội than phiền.

Được biết, quán cà phê lấn cột cờ nói trên có tên là Highlands Coffee. Quán cà phê này khai trương kinh doanh từ tháng 8/2005 trở lại đây. Do ở vị trí đắc địa, thoáng đãng, nằm ngay trên trục phố lớn nên hầu như Highlands Coffee luôn luôn đông khách, đặc biệt là vào buổi tối.

Đại diện của Highlands Coffee lại cho rằng, cái chính Highlands Coffee muốn quảng bá thương hiệu của mình. Theo vị quản lý này, doanh thu hàng tháng tại đây khoảng 100 triệu đồng.

Không ít khách hàng là khách thăm di tích khen quán đẹp, phục vụ lịch sự. Tuy nhiên, nếu xem trên thực đơn (đồ uống rẻ nhất có giá 11.000đ, đắt nhất tới vài trăm ngàn, đồ ăn sáng cũng vài chục ngàn/suất), thì không phải ai (nhất là bà con ngoại tỉnh) đến thăm di tích Cột cờ cũng có điều kiện để vào đây ăn sáng, uống cà phê, giải khát.

Ngay lối vào quán, là tấm biển bê tông “Di tích Cột Cờ đã xếp hạng - cấm vi phạm”. Mặc biển cấm, quán vẫn mọc lên ngay trong khuôn viên Cột Cờ.

Đáng lưu ý, ngay lối một cổng Bảo tàng đã bị chuyển đổi “công năng” thành lối đi dành riêng cho khách vào Highlands Coffee, bằng tiếng Anh; dưới là chỉ dẫn nhỏ lối vào bảo tàng cũng tiếng Anh: “Entrance for customers of Highlands Coffee”.

Tình trạng quán lấn di tích nói trên khiến người dân liên tưởng đến hàng quán lấn át cửa chùa - các di tích văn hóa tín ngưỡng như Chùa Hương, Phủ Tây Hồ vào mùa lễ hội. Còn ở đây, quán cà phê lấn di tích lịch sử ngay trong lòng Thủ đô suốt bốn mùa.

Quán cà phê, bia hơi lấn... di tích Cột Cờ, bảo tàng ảnh 2 Thống kê hiện trạng việc sử dụng tài sản công là nhà, đất của của cơ quan chức năng:

Tại Hà Nội trong số hơn 4.700 địa điểm nhà - đất công (do cơ quan hành chính sự nghiệp TƯ và Hà Nội sử dụng), với diện tích hơn 25 triệu m2 đất, thì có 558 địa điểm, với 2,9 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích.

Đặc biệt, có 268 địa điểm có một phần diện tích cho thuê kinh doanh, dịch vụ bán hàng, thuê để sản xuất. Quán cà phê, bia hơi lấn... di tích Cột Cờ, bảo tàng ảnh 3

Đến quán bia lấn bảo tàng

Bên cạnh nhiều di tích lịch sử, cách mạng bị hàng quán lấn chiếm ngay trong thành phố, những quán bia hơi cũng đang có xu hướng lấn vào cơ quan hành chính, đặc biệt là bảo tàng (thường có khuôn viên rộng).

Chẳng hạn, tại Hà Nội có ba bảo tàng lớn đều bị quán “lấn chiếm” một phần khuôn viên. Bảo tàng Lịch sử (số 1 Tràng Tiền), một phần sảnh cho Coffee Cội Nguồn thuê; Bảo tàng Cách mạng (Tôn Đản) cho Bia hơi Lan Chín thuê; và Bảo tàng Mỹ thuật cho Restaurant MT thuê!

Những quán ăn này luôn đông đúc, ồn ào thực khách. Nhìn rộng hơn, tình trạng hàng, quán ăn lấn chiếm cơ quan hành chính sự nghiệp, di tích danh thắng khá phổ biến.

Hầu hết những quán dạng này đều được các cơ quan, đơn vị  cho “thuê”mặt bằng, hoặc dưới dạng liên doanh - liên kết. 

Vấn đề ở đáng nói ở đây chính là đất công đã bị sử dụng sai mục đích mà không bị xử lý. Hơn thế, tình trạng quán lấn di tích, cơ quan hành chính còn làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có, cần thiết của cơ quan Nhà nước, của danh thắng quốc gia.

MỚI - NÓNG