Quan chức - Doanh nhân

Quan chức - Doanh nhân
TP - Công cuộc đổi mới đã được gần một phần tư thế kỷ, nhưng những dấu ấn của thời bao cấp vẫn còn. Một trong những số đó là quan chức-doanh nhân và doanh nhân-quan chức.

Bắt một ông thợ mộc phải làm thợ nề và buộc ông thợ xây làm việc của thợ mộc trong xây dựng một ngôi nhà, thì ngôi nhà đó chắc chắn không được như ý, thậm chí có thể sụp đổ.

Trong phát triển hay xây dựng đất nước cũng vậy. Bộ máy nhà nước có vai trò hết sức quan trọng và lãnh đạo các cơ quan nhà nước là những người có các năng lực, phẩm chất, kỹ năng phù hợp với việc lãnh đạo một tổ chức hành chính hay quyền lực. Các quan chức chỉ được làm những việc mà luật quy định rõ ràng, mối quan hệ của họ chủ yếu là mối quan hệ trên-dưới.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần nhiều tố chất khác hẳn với lãnh đạo cơ quan nhà nước. Các mối quan hệ trên thương trường của họ là các mối quan hệ ngang, họ có thể làm bất cứ thứ gì mà luật không cấm để đạt các mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp; họ phải tự chủ, sáng tạo, chẳng có mệnh lệnh, chỉ thị nào đối với họ trên thương trường ngoài các lực lượng thị trường (giá cả, cạnh tranh, cung, cầu) áp đặt lên họ với sức mạnh còn tàn nhẫn hơn mệnh lệnh và chỉ thị.

Trong nội bộ doanh nghiệp có quan hệ trên-dưới, có thể có chỉ thị mệnh lệnh, nhưng cũng khác xa quan hệ trên-dưới, mệnh lệnh và chỉ thị trong bộ máy nhà nước.

Mới chỉ bàn sơ về vài điểm khác biệt giữa hai nghề lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp cũng có thể thấy, về cơ bản, họ khác nhau. Rất hiếm khi có người giỏi trong lãnh đạo cơ quan nhà nước đồng thời cũng giỏi trong lãnh đạo doanh nghiệp.

Những người giỏi trong hai lĩnh vực này (và các lĩnh vực khác, như khoa học, nghệ thuật, thể thao, vân vân) đều đáng tôn vinh. Một người xuất chúng trong lĩnh vực này, có thể rất tồi trong lĩnh vực khác. Một ông giáo sư giỏi có thể là chính trị gia tồi, một chính trị gia giỏi nếu làm lãnh đạo doanh nghiệp có thể nhanh chóng dẫn nó đến sụp đổ (nhưng có thể làm cố vấn chiến lược hay nhân viên quan hệ thì lại không tồi).

Đấy là chuyện tưởng rất dễ hiểu mà chẳng cần phải là chuyên gia. Thế nhưng đáng tiếc thực tế vẫn có không ít trường hợp lái xe làm giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự; thợ mộc làm thợ nề; y tá làm giám đốc bảo tàng; vân vân và vân vân. Sự vận hành của xã hội kém hiệu quả, nảy sinh nhiều xung đột một phần lớn là do không tuân theo sự phân công lao động một cách tự nhiên. Muốn phân công lao động có hiệu quả thì người lao động phải được bố trí đúng sở trường thị trường lao động cạnh tranh và có môi trường pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thưởng phạt phân minh.

Dư luận đã kêu quá nhiều về các quan chức nhà nước cấp cao kiêm nhiệm doanh nhân, từ ông bộ trưởng làm chủ tịch hội đồng quản trị đến bao nhiêu thứ trưởng đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của các tập đoàn.

Cũng lại có các doanh nhân hay đại diện tổ chức xã hội dân sự thích làm quan lớn trong bộ máy nhà nước; doanh nghiệp hay đoàn thể chỉ là bàn đạp trong quan lộ của họ (và chẳng lạ là doanh nghiệp hay tổ chức bàn đạp đó sẽ chẳng mấy khi phát triển được).

Trừ trường hợp các quan chức kiêm doanh nhân này là các thiên tài, mà tôi nghĩ trên thực tế hầu như chưa có ai, thì may ra họ mới có thể đảm nhiệm được hai công việc rất khác nhau (đôi khi mâu thuẫn với nhau) như vậy.

Có một thị trường của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Cần phải tạo điều kiện để cho cung trên thị trường này phát triển và hãy lựa chọn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ nguồn cung này. Họ phải được tuyển chọn, trao trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng với mục tiêu phát triển doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận, tạo ra sản phẩm và dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế.

Nếu họ làm hết sức mình và đúng hợp đồng với ông chủ (nhà nước nếu là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu) không vi phạm luật và vì lý do khách quan mà doanh nghiệp bị vỡ nợ hay phá sản (kể cả do trình độ yếu kém do lỗi của chủ chọn sai người) thì họ không thể bị áp vào tội hình sự (chẳng hạn “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”). Chỉ có thế mới tuyển được người tài.Tuyển sai là lỗi tại người tuyển và người chủ. Và ông chủ nào cũng phải chấp nhận rủi ro như vậy, kể cả nhà nước.

Vẫn còn lẫn lộn giữa chính trị gia và doanh nhân, bắt thợ mộc làm thợ nề và ngược lại, thì ngôi nhà khó là ngôi nhà tử tế, thậm chí còn tạo điều kiện cho sự câu kết, tạo điều kiện cho quan hệ cánh hẩu và tham nhũng phát triển.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.