Quân đội làm kinh tế: Đừng để lặp lại vụ sân golf trong sân bay

TPO - Ủng hộ quan điểm quân đội làm kinh tế, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị phải rạch ròi từng nhiệm vụ và đặc biệt không sử dụng đất đai sai mục đích như vụ sân golf sân bay Tân Sơn Nhất, vốn gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Thảo luận về Dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi, sáng 24/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, kinh tế và quốc phòng có mối quan hệ chặt chẽ. Hiện quân đội đã có những tập đoàn làm kinh tế rất thành công, hoạt động đúng quy định pháp luật, có doanh thu lớn nộp ngân sách.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trí, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quân đội cần phải rạch ròi từng nhiệm vụ. Cụ thể là kinh tế phục vụ quốc phòng, bảo vệ tổ quốc với nội dung hoạt động kinh tế đơn thuần và đặc biệt không sử dụng đất đai sai mục đích như vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất gây xôn xao dư luận vừa qua.

Quân đội làm kinh tế: Đừng để lặp lại vụ sân golf trong sân bay ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Hà Nội (ảnh Như Ý)

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính uỷ Quân khu 7 cho hay, hiện nay đơn vị quân đội làm kinh tế quốc phòng là một trong những nhân tố chính trị rất rõ. Việc xem lợi ích quốc phòng bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ quyết định, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông, mục đích đầu tiên của việc quân đội làm kinh tế là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. “Quân đội làm kinh tế góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, cùng với những tiến bộ của công nghệ quốc phòng ngày càng hiện đại. Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội”, Thiếu tướng Hoàng nói.

Quân đội làm kinh tế: Đừng để lặp lại vụ sân golf trong sân bay ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch
Giải trình về nội dung trên, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, nhiệm vụ quân đội tham gia làm kinh tế đã, đang và luôn là chức năng quan trọng của quân đội nên cần quy định trong dự thảo luật. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, 70 năm phát triển lực lượng quân đội đã tham gia xây dựng kinh tế ở nhiều vùng, miền – những địa bàn các doanh nghiệp quân đội khác hầu như không đầu tư vì lợi nhuận thấp.

Nhắc tới tên những doanh nghiệp quân đội như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)…, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, các doanh nghiệp quân đội không ngừng đổi mới, phát triển hội nhập, nhiều thương hiệu doanh nghiệp đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội tới đây, Bộ Quốc Phòng sẽ chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại 17 trong 88 doanh nghiệp hiện có. Số doanh nghiệp quân đội còn lại sẽ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, sáp nhập.

MỚI - NÓNG