Quản gốc hay ngọn?

TP - Mấy hôm nay dư luận quan tâm tới việc từ 1/6 tới xe máy điện sẽ được quản chặt. Nghe các vị có trách nhiệm từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt-C67 (Bộ Công an) đến các Phòng CSGT tại các tỉnh thành tuyên bố sẽ siết bằng việc đăng ký biển số như xe máy.

Người tham gia giao thông mừng vì các cạm bẫy “lặng im” kia sẽ đi lại từ tốn hơn, cùng với đó cơ quan quản lý sẽ dễ bề nhận biết đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện. Cái mừng tiếp theo, xe máy điện sau một thời gian thả nổi đã được siết lại dù tỷ lệ này so với sự bùng nổ của xe đạp điện hiện nay là quá nhỏ. Nhưng nếu làm tốt, quyết liệt, bền bỉ thì ít ra cũng tạo tiền lệ để sắp tới quản lý sang các phương tiện như xe đạp điện, ô tô điện...

Tuy nhiên vào các khung giờ cao điểm, nhìn lượng xe máy điện, xe đạp điện chạy như châu chấu trên đường và hàng chục vụ tai nạn giao thông do xe máy điện gây ra vừa được Ủy ban ATGT quốc gia công bố thì ai cũng sởn da gà. Và đáng ngại hơn đối tượng sử dụng là học sinh chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý.

Thời gian qua riêng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã có một vài lần ra quân xử lý xe đạp điện, xe máy điện vi phạm ATGT, tuy nhiên sau đó tình trạng đâu lại vào đấy. Một số CSGT tâm sự, xe không còi, không xi nhan, không cả tiếng động… nhưng khi lưu thông thường lao với tốc độ 40 đến 50km/h rất nguy hiểm nhưng do thiếu chế tài đành phải đứng nhìn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan quản lý, xe đạp điện và xe máy điện trên cả nước hiện có khoảng 2 triệu chiếc, tập trung nhiều ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, chỉ có gần 600 xe máy điện được đưa đến Cục kiểm tra về chất lượng.

Các chuyên gia vận tải cho biết, xe đạp điện và xe máy điện được nhập khẩu rất đơn giản, nếu có nhu cầu doanh nghiệp tự đứng ra nhập được. Các mặt hàng xe đạp điện và xe máy điện ở Việt Nam hiện nay xuất xứ nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, Đài Loan… và hầu như thả nổi về chất lượng.

Hiện nay có 4 bộ có trách nhiệm quản lý phương tiện này, gồm Công an GTVT, Tài chính và Tài nguyên môi trường. Tuy nhiên thực tế, ngoài phiếu mua hàng (phiếu thu), phần lớn xe đạp điện và xe máy điện chạy trên đường hiện nay không có thêm một giấy tờ gì khác.

“Cùng với nguy cơ tai nạn cao, xe đạp điện và xe máy điện hiện còn rất nguy hại cho môi trường do có hàng triệu bình ắc quy thải ra mỗi năm. Lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước phải biết được mối nguy hại này, ngay từ đầu siết chặt khâu nhập khẩu. Nay để cho loại xe này đã bùng nổ mới quản và chỉ quản được phần ngọn thì đã quá muộn”, một thành viên Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam lo ngại. Và đương nhiên đấy là lo ngại chung của cả cộng đồng.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.