Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Những khác biệt là rất nhỏ so với lợi ích chung

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Những khác biệt là rất nhỏ so với lợi ích chung
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam trước chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 18 đến 23/6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tin tưởng với nỗ lực và thiện chí của cả Việt Nam và Hoa Kỳ, quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, phục vụ lợi ích của hai dân tộc.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Những khác biệt là rất nhỏ so với lợi ích chung ảnh 1

Phóng viên: Thưa Chủ tịch, sắp tới Chủ tịch sẽ thăm Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nguyên thủ Nhà nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ. Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của chuyến thăm quan trọng này?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ George W. Bush nhân dịp Ngài Tổng thống thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị APEC tháng 11/2006, tôi sẽ đi thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 18 đến 23/6/2007. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang tiến triển tích cực, các mặt hợp tác phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại nhiều kết quả thiết thực đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tôi sẽ trao đổi với Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính hiệu quả và ổn định của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tôi sẽ gặp những người dân Hoa Kỳ cũng như người Việt Nam đang sinh sống ở Hoa Kỳ để góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa hai dân tộc. Tôi cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo giới doanh nghiệp Hoa Kỳ và khuyến khích họ làm ăn nhiều hơn nữa với Việt Nam.

Tóm lại, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân hai nước.

Phóng viên: Xin Chủ tịch đánh giá khái quát về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (tháng 7/1995) và triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước?

Gần 200 thành viên tháp tùng đoàn Chủ tịch nước thăm Hoa Kỳ

Theo tin từ Văn phòng Chủ tịch nước, đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ sẽ bao gồm các Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bưu chính-Viễn thông, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Thứ trưởng các bộ Ngoại giao, Công an, Tài chính, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra còn có lãnh đạo của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng khoảng hơn 100 doanh nghiệp và 20 cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam..., tổng cộng gần 200 người.

Trong dịp này, nhiều diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước sẽ được tổ chức, nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Tổng trị giá các thỏa thuận lên đến hàng tỉ USD.

Cũng nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ, hai bên sẽ chính thức ký Hiệp định khung về Thương mại đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.

Xuân Danh
Thanh Niên

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (tháng 7/1995), chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Việc trao đổi các đoàn, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và các tổ chức nhân dân hai nước đã tăng cường hiểu biết và tạo cơ sở ngày càng vững chắc cho sự hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.

Hai Tuyên bố chung giữa Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Hoa Kỳ tháng 6/2005 và tháng 11/2006 đã khẳng định hai nước cùng nhau phát triển mối quan hệ đối tác nhiều mặt, xây dựng, hữu nghị trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi dựa trên nền tảng sâu rộng, ổn định và hiệu quả. Quan hệ kinh tế-thương mại có những bước phát triển rất ấn tượng.

Sự hợp tác trong các lĩnh vực nhân đạo, văn hóa, du lịch, thể thao, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia... từng bước được mở rộng. Tuy hai bên vẫn còn một số bất đồng, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhưng tôi tin rằng những khác biệt này là rất nhỏ so với lợi ích chung của hai nước và cần được giải quyết thông qua đối thoại. Với nỗ lực và thiện chí của cả hai bên, tôi tin rằng quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, phục vụ lợi ích của hai dân tộc, góp phần bảo đảm hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á.

Phóng viên: Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO. Thưa Chủ tịch, điều này sẽ có tác động thế nào đến quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ? Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là những doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cùng với sự phát triển kinh tế năng động, sự ổn định chính trị và an toàn ở Việt Nam, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam và Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC-14 đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam, làm cho thị trường Việt Nam càng hấp dẫn hơn đối với giới kinh doanh các nước. Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của Hoa Kỳ đã quyết định đầu tư lớn tại Việt Nam.

Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam kinh doanh. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

Phóng viên: Chủ tịch đánh giá như thế nào về cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như những đóng góp của bà con đối với sự phát triển đất nước?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ với trên 1,5 triệu người, chiếm gần một nửa số người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Tôi vui mừng nhận thấy đại đa số bà con ngày càng có cuộc sống ổn định hơn, phát triển và hội nhập thành công vào đời sống xã hội Hoa Kỳ, đồng thời luôn gắn bó với quê hương, đất nước. Tôi luôn được khích lệ về sự thành đạt trên mọi lĩnh vực của bà con, đặc biệt là của thế hệ trẻ.

Tôi đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ đối với đất nước về tinh thần cũng như vật chất, nhất là trong thời gian gần đây. Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng tình cảm sâu nặng của kiều bào đối với đất nước, ý thức tự tôn dân tộc và sự đồng tình, mong muốn được đóng góp của bà con cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Trên các lĩnh vực kinh tế, hiện hàng ngàn kiều bào có vốn liếng tại Hoa Kỳ đã chọn quê hương để đầu tư, kinh doanh với số vốn hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam.

Tôi đánh giá cao các vị chuyên gia, trí thức đã tích cực đóng góp chất xám của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc, thường xuyên cùng các đồng nghiệp trong nước hợp tác nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi khoa học... Các hoạt động từ thiện của kiều bào luôn được thúc đẩy, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội, nhân đạo.

Tôi vui mừng là mỗi năm qua đi, bà con từ Hoa Kỳ về thăm đất nước lại tăng lên, năm sau nhiều hơn năm trước. Điều này giúp cho bà con hiểu thêm tình hình đất nước, chia sẻ những niềm vui đổi mới của quê hương cũng như những khó khăn, thách thức... Đáng tiếc là tại Hoa Kỳ vẫn còn một số nhỏ, chưa có điều kiện về thăm Việt Nam, thiếu hiểu biết, tiếp tục có những hoạt động đi ngược lại lợi ích của dân tộc, không có lợi cho đoàn kết cộng đồng.

Kiều bào ta tại Hoa Kỳ có tiềm năng lớn về kinh tế và tri thức. Nhà nước sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện để bà con có cơ hội đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.