Quản lý bụi lò thép: Phớt lờ cảnh báo độc hại

Quản lý bụi lò thép: Phớt lờ cảnh báo độc hại
TP - Bụi lò thép - chất thải rất nguy hại (CTNH) - được các nước trên thế giới quản lý rất nghiêm ngặt, nhưng tại BR-VT, CTNH này lại trở thành không nguy hại bằng “thủ thuật” của các Nhà máy thép (NMT) và sự thờ ơ của cơ quan quản lý môi trường.

> Dân rào đường vào nhà máy gây ô nhiễm
> Dân phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm

Buôn bán tràn lan

BR-VT đang là trung tâm thép lớn nhất nước với 4 nhà máy luyện thép đang hoạt động gồm Pomina 2, Pomina 3, Nhà máy thép Phú Mỹ và Nhà máy luyện phôi Đồng Tiến.

Các NMT này sử dụng công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang với nguồn nguyên liệu đầu vào là sắt, thép phế liệu nhập khẩu. Thành phần bụi thép có chứa chì, kẽm và các chất dioxin/furans.

Tại Việt Nam, có 3 nhà máy chuyên về xử lý bụi lò thép với 2 nhà máy ở Thái Nguyên và 1 nhà máy ở Hải Dương. Tuy nhiên, cho tới nay, Bộ TN MT chưa cấp phép hành nghề xử lý CTNH bụi thép cho bất cứ doanh nghiệp (DN) nào.

Các NMT ở BR-VT đã bán bụi thép cho một số DN dưới hình thức “chất thải công nghiệp thông thường” để vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc, sau đó đưa qua Trung Quốc (TQ).

Khi lực lượng biên phòng tỉnh, cảnh sát môi trường tiến hành tạm giữ các tàu vận chuyển bụi thép trong tháng 10 và 12 năm 2012, các đơn vị vận chuyển và NMT đã đưa kết quả kiểm định mẫu bụi từ phòng thí nghiệm có thành phần nguy hại nằm dưới ngưỡng cho phép, khiến các cơ quan chức năng lúng túng, không đủ cơ sở để xử lý. Lực lượng chức năng buộc phải giải phóng tàu để tránh bị kiện ngược lại.

Khi bụi thép được coi là “chất thải công nghiệp thông thường", các NMT đã để bụi thép ngoài trời, không dán nhãn CTNH, không có biển cảnh báo độc hại, vận chuyển không cần phải dùng xe chuyên dùng.

Các NMT vừa bán được chất thải, vừa tránh được việc đóng phí CTNH lên đến 6.000.000 đồng/tấn. Đổi lại, môi trường ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo Bộ TN-MT, bụi thép là CTNH phải quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt nhưng loại chất thải này đang được công khai mua bán. Đơn vị mua bụi thép ngoài trả giá cao thì hồ sơ pháp lý chỉ cần “hợp pháp hóa” chức năng kinh doanh có “xử lý chất thải công nghiệp thông thường hoặc có chức năng vận chuyển CTNH có mã số bụi thép”.

Luật Bảo vệ Môi trường quy định: Không được bán, cho bụi thép nhưng việc các NMT ở BR-VT công khai bán bụi thép vẫn được cơ quan chức năng bỏ qua.

Buông lỏng quản lý

Tìm hiểu được biết, toàn bộ nguồn bụi thép được thu mua các đơn vị sẽ vận chuyển tới TQ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bụi thép có hàm lượng oxit kẽm chiếm hơn 20% khối lượng, cao gấp 4-5 lần so với hàm lượng oxit kẽm có trong quặng tự nhiên. Vì vậy, các mối lái TQ thông qua một số DN của Việt Nam đã thu mua bụi thép để đưa về TQ tái chế, thu hồi oxit kẽm.

Khảo sát cho hay, chi phí để xử lý 1 tấn bụi thép rất đắt. Nếu giao bụi cho nhà máy xử lý bụi thép có giấy phép ở miền Bắc xử lý thì các nhà máy xử lý thu phí xử lý. Do đó, doanh nghiệp bán bụi thép cho mối lái TQ thì mới mang lại được lợi nhuận cao.

Tại BR-VT, vấn đề quản lý bụi lò thép đang được bỏ ngỏ. Các vụ vi phạm về môi trường đối với bụi thép xảy tại BR-VT lại do lực lượng Biên phòng và Cảnh sát Môi trường phát hiện.

Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường BR-VT chưa phát hiện vụ vi phạm môi trường về bụi lò thép nào. Ví dụ, ngày 22-8-2012, tại Cảng Phú Mỹ (Tân Thành, BR-VT), cảnh sát môi trường, Công an BR-VT phát hiện tàu Việt Thuận đang vận chuyển khoảng 635 tấn bụi lò thép.

Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện bụi lò này là của nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần thép Pomina.

Cảnh sát môi trường PC49 CA BR-VT gửi mẫu bụi thép này đi giám định cho kết quả bụi này là CTNH nhưng Sở TN-MT BR-VT lại nói đây là chất thải thông thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG