Quản lý công dân chỉ nên một loại giấy

Mỗi người dân đang phải sử dụng hơn 10 loại giấy tờ liên quan cá nhân gây phiền phức Ảnh: Hồng Vĩnh
Mỗi người dân đang phải sử dụng hơn 10 loại giấy tờ liên quan cá nhân gây phiền phức Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ý kiến thảo luận về dự án Luật Hộ tịch, sáng 13-9. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên tập trung thống nhất các loại giấy tờ liên quan yếu tố nhân thân của công dân vào một loại.

Dự thảo Luật Hộ tịch quy định (Khoản 1 Điều 10) về số định danh công dân (cấp một lần và duy nhất cho mỗi công dân Việt Nam sinh ra theo Luật này), được ghi vào Sổ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và các giấy tờ khác theo quy định của Chính phủ.

Bộ Công an sẽ quản lý kho số định danh công dân, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc cấp, quản lý số định danh công dân. Ủy ban Pháp luật cho rằng, ở nước ta, người dân được cấp nhiều giấy tờ, trong đó có các mã số khác nhau (Chứng minh nhân dân, số Hộ chiếu, số Giấy phép lái xe, số thẻ Bảo hiểm y tế, số sổ Bảo hiểm xã hội, mã số thuế thu nhập cá nhân…).

“Việc cấp số định danh công dân cần phải tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất dùng chung cho các giấy tờ cá nhân, do cơ quan nhà nước cấp, nếu không thì chỉ thêm tốn kém, gây thêm phiền hà cho người dân” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Giải đáp thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, hiện nay bất cập về hộ tịch quá lớn, có bị cáo có tới 3 tờ giấy khai sinh ngày tháng năm sinh khác nhau, rất khó xử lý, dễ lọt tội.

Cũng theo ông Cường, sổ hộ khẩu chỉ xác định nơi cư trú của người dân, còn sổ hộ tịch sẽ tiện lợi hơn, mỗi công dân chỉ cần một sổ có mã số duy nhất. Nếu Luật Hộ tịch được thông qua, có hiệu lực từ năm 2015, người sinh từ 0h ngày 1-1-2015 sẽ có một cuốn sổ cùng 1 mã số duy nhất, sẽ không có giấy khai sinh nữa.

Khó cho dân và cơ quan quản lý

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại dự án Luật Hộ tịch sẽ đẻ thêm thủ tục hành chính, giấy tờ. “Sổ hộ tịch sẽ làm tăng thêm một giấy tờ, cần tính phương án quản lý hộ tịch bằng cơ sở dữ liệu điện tử để thay thế bằng cuốn sổ hộ tịch” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên & nhi đồng Đào Trọng Thi nói.

“Thống kê sơ bộ, hiện tại người dân phải sử dụng hơn 10 loại giấy tờ khác nhau, phải tính xem sổ hộ tịch thay thế được những giấy tờ gì không?”- Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại, mỗi một dự án luật ra đời người dân lại có thêm một cuốn sổ mới, điều này chưa giải quyết vấn đề giảm phiền hà về thủ tục hành chính cho dân. Một số đại biểu cho rằng, luật này sẽ gây khó cho cả người dân và cơ quan quản lý.

Bởi việc sử dụng sổ hộ tịch cá nhân sẽ thêm phức tạp, rắc rối, mà tính khả thi chưa cao.

“Nên thống nhất mỗi công dân chỉ có một số định danh duy nhất, một giấy tờ duy nhất” - Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kiến nghị. Theo Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể, có đề án để thống nhất về quản lý giấy tờ liên quan nhân thân của công dân.

Dự án luật này sẽ được tiếp tục hoàn thiện, trình QH tại kỳ họp thứ 5 (2013).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.