Quản lý đánh bắt trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á: Dân mừng, cán bộ thờ ơ

Quản lý đánh bắt trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á: Dân mừng, cán bộ thờ ơ
TP - Kể từ tháng 10/2016, việc đánh bắt, khai thác thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai được đưa vào khuôn khổ, theo Quyết định 62 (QĐ 62) của UBND tỉnh TT-Huế. Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều địa phương lại tỏ ra ngơ ngác khi nghe đề cập về chủ trương trên.

Căn cứ QĐ 62, từ ngày 1/10, TT-Huế bắt đầu thực hiện Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh. Điểm đáng chú ý của quy chế, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản ở khu vực đầm phá có tải trọng trên 0,5 tấn bắt buộc phải có giấy phép do Chi cục Thủy sản tỉnh cấp. Các tàu thuyền khai thác thủy sản có chiều dài đường nước trên 15m không lắp máy hoặc có lắp máy với công suất trên 20CV phải được đăng kiểm theo quy định. Tàu thuyền có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m, không lắp máy, hoặc có lắp máy với công suất dưới 20CV do cấp huyện quản lý...

Dù chưa tiếp cận được quy chế, nhưng nhiều ngư dân khi nghe đề cập chủ trương đã tỏ ra rất quan tâm và tâm đắc. Bởi mục tiêu quy chế hướng đến khai thác bền vững, lành mạnh, có sự quản lý chặt chẽ của cộng đồng và chính quyền; khai thác, đánh bắt kết hợp bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vốn là hệ sinh thái nước lợ đặc biệt có diện tích hơn 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. “Nếu quy chế được triển khai và thực hiện hiệu quả, môi trường đầm phá sẽ tốt hơn, cá tôm không lo bị tận diệt, nghề ngư của bà con ổn định và bền vững hơn. Tôi rất đồng tình”, ngư dân Trần Đại, xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), chia sẻ.

Cần nhưng chưa… vội?!

Tìm hiểu từ các xã thuộc vùng Tam Giang - Cầu Hai, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết chưa được phổ biến QĐ 62 về quản lý đánh bắt thủy sản trên đầm phá. “Mấy hôm nay địa phương lu bu nhiều việc quá, giờ nghe anh đề cập, tôi mới biết có quyết định này. Huyện chưa phổ biến về, nhưng tôi sẽ cho văn phòng lên mạng kiểm tra để tuyên truyền xuống dân”, ông Hồ Đình Tiển, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, nói. Phú Xuân là xã có nhiều phương tiện đánh bắt đầm phá, với khoảng 80 thuyền, đò gắn máy công suất dưới 20CV.

Tương tự, ông Phan Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết, xã chưa được phổ biến QĐ 62. Tuy nhiên, thông qua các chi hội nghề cá và ngư dân, hệ thống mặt nước đầm phá rộng 240 ha ở Phú An lâu nay được quản lý, khai thác khá ổn và đã hình thành khu bảo vệ, bãi đẻ dành cho thủy sản. Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cũng khẳng định chưa nghe Phòng NN&PTNT huyện phổ biến QĐ 62…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, thừa nhận chậm triển khai QĐ 62 về các xã, thị trấn có mặt nước đầm phá do bận tập trung rà soát, kiểm tra kê khai đối tượng hưởng hỗ trợ sự cố môi trường biển.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.