Quản lý xe khách, xe container bằng hộp đen

Thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng trực tiếp chạy thử nghiệm xe gắn “hộp đen” trước khi áp dụng từ 1-7-2011. Ảnh: Bảo Khánh
Thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng trực tiếp chạy thử nghiệm xe gắn “hộp đen” trước khi áp dụng từ 1-7-2011. Ảnh: Bảo Khánh
TP - Tới đây các loại xe khách tuyến cố định cự ly 500 km trở lên, xe chở khách du lịch, container sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen). Thiết bị này được Bộ GTVT thử nghiệm ngày 16-7, nhưng từ đây đặt ra bài toán quản lý hộp đen không dễ...
Thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng trực tiếp chạy thử nghiệm xe gắn “hộp đen” trước khi áp dụng từ 1-7-2011. Ảnh: Bảo Khánh
Thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng trực tiếp chạy thử nghiệm xe gắn
“hộp đen” trước khi áp dụng từ 1-7-2011. Ảnh: Bảo Khánh.


Xóa xe dù, bến cóc

Nếu như những gì thể hiện qua tính năng của hộp đen trong đợt thử nghiệm vừa qua, người quản lý hoặc cơ quan chức năng có thể ngồi một chỗ giám sát hoạt động của phương tiện. Thậm chí, nếu lắp camera trong xe còn có thể đếm được bao nhiêu khách.

Qua thử nghiệm hộp đen cho thấy, doanh nghiệp vận tải có thể tự đặt tốc độ tối đa của xe để hạn chế việc tài xế phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí kiểm soát được cả tiêu hao nhiên liệu. Trong lần thử nghiệm vừa qua, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết: “Phần cứng của thiết bị nhập từ Trung Quốc nhưng phần mềm do công ty ở Việt Nam sản xuất”.

Hộp đen nhỏ gọn được lắp trên đầu xe khách tương tự như thiết bị GPS dẫn đường được lắp trên hầu hết các ô tô ở châu Âu. Theo đại diện Cục Đăng kiểm giới thiệu ngay trên xe thử nghiệm, ngoài quy định của Luật Giao thông Đường bộ bắt buộc, người sử dụng có thể chọn nhiều tính năng khác nữa.

Như một số doanh nghiệp còn lắp cả camera giám sát số lượng khách trên xe. Cước phí sử dụng thiết bị hộp đen mỗi xe/tháng từ 50 đến 140 nghìn đồng. Nhiều doanh nghiệp vận tải có tiếng đã tự trang bị để giám sát công việc kinh doanh. Trong tương lai, không có lý do gì để cho các loại xe dù chạy vòng vo đón khách, bến cóc mọc tuỳ tiện tồn tại.

Khó quản

Tuy nhiên, không phải cứ lắp hộp đen lên xe, mọi việc sẽ đi vào trật tự. Trên thực tế, chỉ trên tuyến quốc lộ đã có nhiều mức tốc độ khác nhau, trong khi đó, hộp đen chỉ cho phép ghi nhận một mức tốc độ giới hạn. Ví dụ nếu đặt mức tốc độ tối đa chạy 80km/h, khi nào xe hoạt động trên mức đó, máy sẽ cảnh báo và ghi nhận. Nhưng, trên toàn tuyến quốc lộ, nhiều chỗ giới hạn tốc độ khác nhau: Có nơi chỉ cho chạy tối đa 50km/h, nơi khác chỉ 40km/h...Chưa kể, tài xế có thể viện lý do tai nạn hoặc gặp ổ gà tác động tới hộp đen gây hỏng, xoá dữ liệu.

Phó Tổng cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nói: “Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải sẽ tự lưu trữ dữ liệu. Nhà nước sẽ quy định thời gian lưu trữ và kiểm tra định kỳ để kịp thời chấn chỉnh. Về lâu dài, Tổng Cục Đường bộ sẽ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu vận tải cả nước như danh mục đơn vị vận tải, tuyến, chất lượng vận tải...”.

Chuyện hộp đen, các bộ ngành chức năng sốt sắng và đưa vào luật từ lâu nhưng nếu không chuẩn bị tốt sẽ giống câu chuyện bằng FC vừa qua. Thứ trưởng Hùng khẳng định: “Nếu đến 1-7-2011, các xe thuộc diện phải lắp mà không thực hiện sẽ phải ngừng hoạt động. Các Trạm Đăng kiểm xe cơ giới sẽ kiểm tra giám sát, nếu xe nào không có thiết bị sẽ không được cấp giấy kiểm định. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8, Bộ GTVT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về lắp đặt thiết bị này”.

Làm căn cứ xử phạt

Theo Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, CSGT có thể căn cứ những dữ liệu trong hộp đen để xử lý xe vi phạm thay vì đứng ngoài đường bắn tốc độ. Ngay trong buổi thử nghiệm, đại diện Cục Đăng kiểm nói rõ, đi kèm với thiết bị còn có cả máy in để khi cần có thể in ngay các số liệu như tốc độ, bẻ lái hay phanh gấp... trình cơ quan chức năng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Trung tướng Cao Xuân Hồng, cũng cho biết: "Bộ Công an và các bộ ngành liên quan sẽ nghiên cứu áp dụng cơ sở dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình để xử phạt vi phạm giao thông và điều tra tìm hiểu nguyên nhân gây tai nạn".

MỚI - NÓNG