Quản lý xe ôm theo điều kiện của địa phương

Quản lý xe ôm theo điều kiện của địa phương
TP - Tối 1/4, Bộ GTVT gửi dự thảo liên quan tới việc quản lý xe ôm lấy ý kiến nhân dân, theo đó, việc quản lý xe ôm sẽ căn cứ vào điều kiện từng địa phương.

>> Xe ôm - chỉ quản phù hiệu

Quản lý xe ôm theo điều kiện của địa phương ảnh 1

Ông Trần Ngọc Thành. Ảnh: Bảo Khánh

“Các địa phương sẽ tùy vào tình hình thực tế để tổ chức quản lý xe ôm”-Tổ trưởng Tổ soạn thảo Văn bản dưới Luật-Phó Vụ trưởng Vận tải Trần Ngọc Thành nói.

Theo ông Thành, dự thảo này còn được đưa lên mạng của Bộ GTVT để lấy ý kiến của nhân dân ngay tối 1/4. Mục tiêu của dự thảo này với đối tượng lái xe ôm là phải quản lý vì tình hình thực tế rất phức tạp.

Ông Thành cho rằng, cần phải quản lý xe ôm. Tuy nhiên, quản lý như thế nào, câu trả lời không dễ. Chính vì thế, dự thảo lần này đề xuất cách quản lý theo đặc thù kinh tế địa phương.

Điều dễ thấy nhất ở xe ôm được quản lý là gì, thưa ông?

UBND cấp tỉnh quy định phù hiệu hoặc trang phục để phân biệt người điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận chuyển công cộng với các đối tượng tham gia giao thông khác.

Dự thảo lần này vẫn chưa phân biệt xe ôm chuyên nghiệp mặc đồng phục (hoặc đeo phù hiệu) với những người giữa đường hết tiền phải hành nghề xe ôm.

Thực tế, trang phục hoặc phù hiệu cũng để giúp người có nhu cầu sử dụng xe ôm dễ nhận diện và cũng là để quảng bá hình ảnh của người hành nghề. Nếu chuyên nghiệp thì phải có đồng phục hoặc phù hiệu.

Từ đồng phục hoặc phù hiệu, hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú..., người đi xe ôm, người quản lý mới có tóc để nắm. Lỡ có xảy ra sự cố gì liên quan tới xe ôm xảy ra còn có cái để tìm người lái xe ôm. Ở nhiều địa phương cũng đã hình thành các đội xe ôm tự quản có đồng phục riêng, tổ chức chặt chẽ.

Vậy xử lý các trường hợp xe ôm chuyên nghiệp vi phạm thế nào?

Chúng tôi đang nghiên cứu và dự kiến sẽ đề xuất chế tài xử phạt vi phạm hành chính, xây dựng nghị định thay thế Nghị định 146.

Cám ơn ông!

Theo dự thảo mới nhất, muốn hành nghề xe ôm phải đáp ứng các điều kiện sau: Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú; đủ tuổi lái xe theo quy định hiện hành; có giấy phép lái xe hoặc hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ theo quy định hiện hành; trang bị mũ bảo hiểm cho hành khách đi xe; có phù hiệu hoặc trang phục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

UBND cấp tỉnh quy định cụ thể phạm vi, tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động đối với từng loại phương tiện để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quy định điểm đỗ, điểm đón, trả hành khách và hàng hóa để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

MỚI - NÓNG