Quan sát nghị trường: Thò ra, rút vào

Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến hầu tòa
Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến hầu tòa
TP - Luật Đất đai năm 2013 có nhiều bất cập, dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, chậm phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển, làm mất nhiều cán bộ…, là vấn đề đã được các cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội đặt ra từ nhiều năm trước.

Trước sự đòi hỏi bức thiết của cử tri, người dân, doanh nghiệp, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung sửa đổi Luật Đất đai vào chương trình của kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Tuy nhiên, dự luật có mức tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý sau đó lại liên tiếp lâm vào cảnh “đưa vào - rút ra”.

Tại kỳ họp thứ 7, với lý do “cần có thời gian tổng kết, chuẩn bị, nghiên cứu”, Luật Đất đai đã bị rút ra khỏi chương trình và đẩy sang kỳ họp thứ 9. Đến kỳ họp thứ 9, dự luật này lại tiếp tục bị rút ra, và cũng chưa có tên trong danh sách dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (năm 2021). Điều này đã khiến nhiều đại biểu khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 bày tỏ sự không đồng tình.

Thực tế, thời gian qua, quản lý đất đai có quá nhiều vướng mắc, chồng chéo nên không phát huy được nguồn lực quan trọng để tạo ra tăng trưởng, phát triển kinh tế, xây dựng các công trình, cải thiện bộ mặt nông thôn và đô thị… Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… đang có những điểm chồng chéo, dẫn đến sự lúng túng của các địa phương trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật… Chưa kể, ở một số nơi trong thời gian qua đã để xảy ra tình trạng người Trung Quốc đầu tư tiền mua đất nằm trong vị trí có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ…

Trong khi đó, về mặt xã hội, đất đai cũng là lĩnh vực gây ra nhiều nhất các vụ khiếu nại, tố cáo và sự phức tạp (khoảng 60%), tập trung chủ yếu ở lĩnh vực, nguồn gốc, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Đáng chú ý nổi lên một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, song việc giải quyết chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, như dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, TPHCM.

Cũng vì những lỗ hổng trong Luật Đất đai, mà không ít quan chức, doanh nghiệp đã lợi dụng để bắt tay, trục lợi đất công. Nhiều dự án BT được thực hiện ở các thành phố lớn, song lại có dấu hiệu mập mờ, chưa thực sự sòng phẳng về giá trị đất trả cho doanh nghiệp. Những khu “đất vàng”, “đất kim cương” của Nhà nước có giá trị lớn, song lại được bán cho tư nhân “rẻ như cho”, gây bức xúc dư luận.

Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hàng chục các quan chức cấp cao đương chức, hoặc nghỉ hưu; các tướng lĩnh cao cấp trong lực lượng quân đội, công an bị “ngã ngựa”, xử lý kỷ luật, truy tố, ngồi tù. Điển hình như các vụ việc, vụ án liên quan đến Vũ Nhôm, Út trọc, đô đốc Nguyễn Văn Hiến; các vụ việc liên quan đến đất đai ở Khánh Hòa; vụ ông Tất Thành Cang (TPHCM); ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến (Đà Nẵng)…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), nếu có một đạo luật thật sự phù hợp, thật sự rõ ràng thì chính quyền địa phương sẽ quản lý đất đai chặt chẽ hơn, người dân chấp hành tốt hơn và khiếu kiện về đất đai cũng ít đi. Vì thế, dù khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, song với những ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh thì việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, làm cho bằng được, tránh đổ lỗi cho khách quan để rồi cứ “thò ra, rút vào”!

MỚI - NÓNG