Ngày thứ hai chất vấn tại Quốc hội

Quan tham tăng tốc vơ vét trước khi 'hạ cánh'

Ông Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến ngày 17/11 cảnh báo tình trạng một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Tăng tốc tham nhũng vào cuối nhiệm kỳ

Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ, ông Lê Như Tiến cho rằng, quan chức thường “chạy nước rút” bằng cách  hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà cá nhân, bất động sản của công thành bất động sản tư  và  đề bạt, bổ nhiệm công chức thân hữu vào bộ máy công quyền. “Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”, ông Tiến nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, tham nhũng không giảm mà ngày càng tinh vi. Đặc biệt có hiện tượng tham nhũng chi phối chính sách luật pháp và khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng, chứ không phải là ngược lại. “Cử tri hết sức lo lắng, rất mong Thủ tướng giải thích cho cử tri thêm về việc này và cho biết, những cam kết về giải pháp của Chính phủ và cử tri rất cần những lời cam kết có thể kiểm chứng và xử lý được trách nhiệm về sau”, ông Nghĩa nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng.

Thừa nhận những vấn đề mà đại biểu Tiến nêu ra là “hoàn toàn chính xác”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong báo cáo của Chính phủ năm 2015 và những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2016 cũng đã nêu ra các giải pháp  đồng bộ, các chủ trương phòng, chống tham nhũng. Trong chỉ đạo Chính phủ cũng đề cập rõ trách nhiệm người đứng đầu về kiểm soát, giám sát và thực hiện ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng.

Xin - cho thu phí BOT?

Đề cập việc thu phí BOT, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng các dự án BOT giao thông chỉ phát huy tối ưu khi đảm bảo hài hòa lợi ích dựa trên tính đồng bộ, tổng thể trong quy hoạch và dự án giao thông có chất lượng cao, tạo sự lựa chọn cho người dân và không áp đặt nhập nhằng ở cách tính phí.

Bà Hà đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, căn cứ đưa ra mức phí tại trạm thu phí dự án BOT giao thông. Vì sao có tình trạng mỗi dự án BOT giao thông lại có riêng một thông tư của Bộ Tài chính quy định về mức phí?

 “Cử tri nghi ngờ  có sự  xin - cho và bỏ qua việc tham vấn, thẩm định khách quan thực tế cần thiết trong hoạt động thu phí tại các dự án BOT giao thông, cả về mức phí, đối tượng và địa điểm đặt trạm thu phí, cũng như quy trình ban hành và điều chỉnh thông tư của Bộ Tài chính. Đề nghị bộ trưởng cho biết ý kiến về sự băn khoăn này của cử tri”, bà Hà chất vấn.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, thực hiện chủ trương của Đảng, Luật Giao thông Đường bộ và các văn bản khác thì trách nhiệm xây dựng các dự án BOT thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT. Căn cứ vào tổng mức đầu tư, lưu lượng phương tiện, địa điểm lập trạm… Bộ GTVT lập dự án và ký kết hợp đồng với chủ đầu tư.

Theo ông Dũng sau khi các dự án BOT hoàn thành, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư về thu phí theo đúng quy định. Bộ Tài chính công bố dự thảo thông tư và lấy ý kiến các đơn vị có liên quan một cách công khai, minh bạch rồi mới ban hành. “Chúng tôi chưa thấy hiện tượng xin, cho. Chưa thấy “chạy”… ông Dũng khẳng định.

MỚI - NÓNG