Quảng Bình: Dân thiếu thông tin, cơ quan chức năng chậm phản ứng

Quảng Bình: Dân thiếu thông tin, cơ quan chức năng chậm phản ứng
Người dân thôn Kinh Châu (xã Châu Hoá, Tuyên Hoá) đang hết sức hoang mang trước cái chết  của cháu Hoàng Thị Lan Hương và tình trạng nguy kịch của cháu Hoàng Trọng Dương do gia đình giết gà cúm ăn thịt.

Mặc dù đến lúc này (22/3) vẫn chưa có kết luận chính thức từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định các nạn nhân trên bị cúm tuýp  A-H5N1, nhưng theo BS Nguyễn Văn Thuỳ - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình - căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh án thì đã có thể khẳng định đến 90% các bệnh nhân trên bị cúm  H5N1.

Ông Mai Xuân Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng chống dịch cúm gia cầm - thì thận trọng khi thừa nhận chính thức thông tin trên.

Theo ông Thu, mọi việc phải chờ từ kết luận chính thức của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương căn cứ trên những bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm. Việc của các cấp chính quyền địa phương bây giờ là tập trung các biện pháp phòng chống, dập dịch và đặt Châu Hoá trong tình trạng chính thức bùng phát dịch cúm gia cầm…

Nhìn lại những gì đang diễn ra ở Châu Hoá mới thấy rằng công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm.

Ngay trong và sau Tết, gia cầm ở Châu Hoá đã có biểu hiện bị dịch bệnh nhưng người dân ở đây vẫn làm thịt ăn và bán. Cả xã có trên 10.000 gia cầm, khi có biểu hiện dịch thì người ta đã kịp ăn và bán đến 6000 con…

Gia đình anh Hoàng Trọng Huynh (gia đình nạn nhân) cũng không ngoại lệ. Nhưng những gì diễn ra khiến cho cháu Hương (13 tuổi) bị tử vong làm cho dư luận không khỏi bức xúc.

Gia đình anh Huynh có 5 người (2 vợ chồng, 3 đứa con). Ngày 22/2/2005, anh Huynh được người bác ruột cho một con gà bị rù, anh mang về làm  thịt. Trong khi  giết mổ gà, anh Huynh có đeo khẩu trang, còn Hương và Dương thì ngồi xem.

Khi làm xong, vợ anh Huynh đi đổ lông và gà được nấu chín. Cả nhà cùng ăn. Hơn 10 ngày sau (3/3), cháu Hương xuất hiện sốt, ho và khó thở. Gia đình đưa cháu đến trạm y tế xã khám. Thấy bệnh nặng, trạm xá chuyển cháu vào bệnh viện Việt Nam - Cuba (Đồng Hới).

Không hiểu sao người nhà không đưa cháu vào bệnh viện mà đưa cháu vào một phòng khám tư nhân. Phòng khám này chẩn đoán là cảm sốt và cho thuốc về nhà điều trị. 5 ngày sau (8/3) bệnh không hề thuyên giảm mà nặng thêm lên.

Lần này người nhà đưa cháu vào bệnh viện Việt Nam - Cuba, nhưng đã quá muộn. Cháu mất lúc 11giờ 30 ngày 9/3 với chẩn đoán: suy hô hấp hoàn toàn không hồi phục, viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi trái, nhiễm trùng huyết.

Hương mất được 2 ngày  thì Hoàng Trọng Dương - Em út của Hương (5 tuổi ) xuất hiện sốt, ho và khó thở. Lần này, rút kinh nghiệm của lần trước, Trạm Y tế xã chuyển thẳng Dương vào Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh viện chẩn đoán theo dõi cúm A - H5N1. Tình trạng của Dương đang rất nguy kịch. Cháu đã phải  thở ôxy từ hôm 16/3 đến nay…

Điều mà dư luận đang rất khó hiểu là ngay trong Tết, ở Kinh Châu gia cầm bị dịch hàng loạt nhưng thông tin đến với các cơ quan chức năng quá chậm.

Không có một sự khuyến cáo nào cho người dân trong vùng về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch cúm gà. Mãi đến ngày 16/3, Chi cục Thú y mới đến hiện trường kiểm tra và 18/3 Trung tâm Y tế dự phòng mới triển khai các biện pháp phòng, chống…

Nghiêm trọng hơn, khi cháu Hương bị tử vong với các triệu chứng của cúm A - H5N1 từ hôm 9/3 và cháu Dương có những triệu chứng tương tự, nhưng Bệnh viện Việt Nam - Cuba thiếu những thông tin kịp thời chính xác cho các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Hiện tại, ở Châu Hoá có đến 198 người có những triệu chứng cảm, sốt. Các bác sỹ đã đến thăm khám và phân loại. Theo ông Nguyễn Văn Thuỳ thì các bệnh nhân trên bị cảm thông thường…

Lúc chúng tôi viết những dòng này thì nhận được thông tin từ Châu Hoá, bệnh nhân Hoàng Văn Thụ - 42 tuổi, ở thôn Kinh Châu - vừa được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế vì có những triệu chứng đáng lo ngại của cúm A - H5N1…

Ông Mai Xuân Thu thừa nhận tình hình ở Kinh Châu lúc này là rất phức tạp và đáng lo ngại. Vấn đề bây giờ là ổn định tình hình, tránh hoang mang, dao động, bình tĩnh, chủ động ứng phó với dịch bệnh.   

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.