Quảng Bình: Tan hoang rừng phòng hộ Khe Do

Quảng Bình: Tan hoang rừng phòng hộ Khe Do
TP - Ngay trong tháng Tết là tháng cả nước thực hiện trồng cây, thì tại địa bàn Quảng Trạch một vụ phá rừng nghiêm trọng đang diễn ra. Gần 50 ha rừng phòng hộ Vực Tròn đã bị người dân nơi đây san bằng.

Theo bản đồ lâm nghiệp thì khu rừng này nằm ở tiểu khu 167 thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch. Nếu xét về địa giới hành chính thì nó nằm trên địa bàn 2 xã Quảng Châu và Quảng Lưu (Quảng Trạch).

Chúng tôi có mặt tại hiện trường ngày 13/3 chứng kiến cảnh cây rừng bị triệt hạ ngổn ngang, mảng bị thui cháy đen nhẻm, mảng vừa mới được chặt hạ còn ứa nhựa tươi.

Những thân gỗ dẻ thẳng tắp có đường kính bình quân 25-30 cm, cao từ 3-4 m nằm ngả nghiêng, la liệt. Ba mảng rừng xanh bao quanh 3 ngọn đồi đã bị đốn hạ không thương  xót. Cây to, cây nhỏ cùng chung số phận.

Người dân bản địa nơi đây gọi vùng này là vùng rừng khe Do. Họ bảo cây bản địa của vùng này chủ yếu là cây dẻ. Dẻ mọc nhanh, chắc và thẳng tắp. Đã có nhiều người khoanh nuôi rừng dẻ trở thành triệu phú, tỷ phú vùng đồi ở đất Quảng Bình. Vậy người dân của 3 thôn Tùng Lý, Trung Minh, Tiền Tiến lại chặt rừng dẻ đang ở trạng thái 2A (rừng non phục hồi và đất lâm nghiệp kiểu 1b,1c) để làm gì?

Cũng lại một câu trả lời “hồn nhiên” là: Phá rừng để trồng rừng bạch đàn và keo lai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là từ việc cán bộ địa chính ra giao đất rừng cho xã.

Biên bản vừa mới ký xong thì “ông” xã lên ngay loa phát thanh thông báo cho dân rằng ai có nhu cầu nhận đất trồng rừng thì đăng ký. Sợ đăng ký không đến lượt mình, người dân cứ thế ngang nhiên “thảm sát rừng” để chiếm đất.

Như đã có tiền lệ của những vụ phá rừng trước đây, người dân phá rừng trồng keo, khi bị phát hiện thì chuyện đã rồi, theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” họ lại được hợp thức hóa luôn khoảnh rừng mà họ vừa chặt hạ trái phép. Người dân của 3 thôn của Quảng Châu cũng nghĩ thế.

Khi chúng tôi có mặt, thì vụ phá rừng nghiêm trọng này đã bị phát giác và những người dân phá rừng đang “án binh bất động” chờ động thái của các cơ quan chức năng. Theo những người dân trong vùng thì, ngày cao điểm có đến 50-60 người tham gia thảm sát rừng.

Chính quyền và cơ quan chức năng ở đâu?

Ngay sau Tết, những nông dân thạo tin đã truyền cho nhau rằng, vùng rừng khe Do trước sau gì cũng chuyển đổi giao cho các hộ trồng rừng. Và thế là, lẻ tẻ vài ba hộ “tiên phong” lên vùng này phá rừng.

Đã gần một tháng nay, rừng bị tàn phá bởi chính những cư dân trong xã, nhưng chính quyền sở tại nơi đây “không hề hay biết”? Khi vụ việc đã đến mức nghiêm trọng cũng chẳng thấy bất cứ phản ứng tích cực hoặc sửa sai nào của chính quyền hai xã.

Thông tin vụ việc đến huyện, huyện cử đoàn kiểm tra liên ngành xuống. Mấy ngày sau ông Phan Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, phụ trách vấn đề này cũng chẳng cần hỏi kết quả kiểm tra và đương nhiên không thể có bất cứ một biện pháp nào để ngăn chặn.

Hạt Kiểm lâm sở tại thì cho rằng vụ phá rừng này trách nhiệm trước hết thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch. Kiểm lâm chỉ có trách nhiệm báo cáo mà thôi. Vậy Ban quản lý rừng phòng hộ ở đâu khi việc phá rừng kéo dài gần tháng trời?

Theo cách trả lời của ông Phó chủ tịch huyện thì đến ông cũng không biết địa chỉ và số điện thoại của Ban này ở đâu...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Nhung - Phó GĐ Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - khẳng định: Để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này là do chính quyền và các cơ quan chức năng sở tại đã quá buông lỏng quản lý.

Thậm chí, cấp cơ sở còn có dấu hiệu “bật đèn xanh” để cho dân ngang nhiên vào phá rừng. Các đối tượng vào chặt phá rừng phần lớn là bà con thân thích của cán bộ xã.

Theo ông Nhung, việc cấp bách bây giờ là bảo vệ phần rừng còn lại, ngăn chặn tuyệt đối không cho dân vào tự ý chặt phá, đình chỉ thi công trồng rừng và phối hợp với UBND huyện kiểm tra làm rõ  trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng trên để có hình thức xử lý nghiêm minh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.