Quảng Nam: Dân sống trên miệng vực

Quảng Nam: Dân sống trên miệng vực
TP - Phải đóng cửa bỏ nhà đi vì dưới chân là vực. Nhà rơi xuống vực nên bây giờ sống tạm bợ. Đất sản xuất nằm cách nơi ở 2 giờ đi bộ cắt rừng...  Đó là tình cảnh của 69 hộ với 415 khẩu dân Cơ Tu xã Dang, huyện vùng cao Tây Giang nằm trong vùng tái định cư thủy điện A Vương (Quảng Nam).
Quảng Nam: Dân sống trên miệng vực ảnh 1
Nhà của cô giáo Vinh bây giờ đã ở dưới vực      

Sau 6 tháng về làng mới, người dân nơi đây đang đối mặt với hiểm họa nhà, vườn rơi xuống vực. Trên đầu họ, núi có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào bởi nạn sạt lở, trong khi  suất đầu tư là 500 triệu đồng/nhà.

Cô giáo Lương Thị Vinh, giáo viên cấp 1 tại trường THCS  xã Dang, nước mắt lưng tròng: “Em không kể được mô. Đau đớn lắm…”.

Hôm bão số 6 vào. Mưa dữ dội. Chồng cô thấy đất bỗng nhiên nứt ra, sạt ào ào gần nhà mình ở, bèn la lớn để mọi người chạy mau. Hoảng quá, cô bất tỉnh. Chồng cô phải bồng cô chạy. Vừa thoát ra khỏi nhà, chạy dạt xa về phía bên phải, nhìn lại thì thấy căn nhà từ từ chuyển động và rơi xuống vực. Bó tay bất lực, hai vợ chồng bật khóc.

Cô Vinh dẫn tôi đến chỗ vực. Sâu chừng 100 m, rộng chừng 30 m. Nhà của cô nằm ở khu A Lua bây giờ trơ lại cái nền lớn hơn bàn học một chút. “Có lấy được chi không?”. “Đến đôi đũa ăn cơm cũng không có”. Tiền bạc, ti vi, tủ lạnh, hàng tạp hóa... tất cả bây giờ còn vùi dưới đất sâu. Anh em  đồng nghiệp, bà con trong làng xúm lại dựng cho cái lán bằng nứa lợp giấy ni lông.

“Không biết đến bao giờ em mới có nhà ở?”. Câu hỏi của cô như hòn sỏi ném xuống vực. Nơi đây quá xa xôi, cách trở, bão số 6 đã qua lâu mà đường lên vùng cao bây giờ vẫn phải đi bộ. Anh em giáo viên thì nghèo. Đồng bào còn nghèo hơn.

Trường THCS  xã Dang đóng ở khu tái định cư thôn Kàla, dựa vào taluy dương cao chót vót. Giờ giải lao, học sinh ùa ra. Chỗ ngăn cách trường với vực sâu thăm thẳm sông A Vương là hàng cọc cao chừng nửa mét, cọc này cách cọc kia chừng 10 mét, nối nhau bằng một sợi sắt “phi” 6.

Một đồng nghiệp thốt lên: “Con tôi mà ở đây, tuyệt đối không cho học”. Không cho cũng phải cho, chứ học ở đâu ? Thầy Nguyễn Lê, hiệu trưởng, bức xúc: “449 học sinh vừa tiểu học, THCS, mẫu giáo với 31 cán bộ giáo viên,  có thể bị  núi sụp đổ xuống bất cứ lúc nào, bởi kè không có. 

Trường học mà không sân chơi, tường rào, cổng ngõ, không chỗ chào cờ. Đây là trường bán trú mà không có chỗ ở cho học sinh, các em phải ở tạm nhà giáo viên. Khi xây dựng trường, chúng tôi chẳng biết gì cả, xong rồi thì kêu đến cho vào học. Ban QL thủy điện A Vương đề nghị trường lập  dự trù kinh phí 11 triệu xây chỗ ở. Thuê người ta dựng rạp  hết 5 triệu đồng. 3 năm rồi họ chẳng nói gì cả, bảo Sở Tài chính không duyệt”. “Lỡ sạt núi đổ xuống trường, học sinh rơi xuống vực thì sao?”. “Thì chết chung”. Không có chỗ ở, nên giường đóng ra đành xếp xó.

“Quá sợ !”

Cả 2 khu đã có 6 nhà đóng cửa bỏ sang nhà khác bởi sạt lở đã đến chân cột. Nhà B’Nước Rất ở đầu khu Kàla đang chờ ngày sập. Anh bảo, sợ lắm, không có chỗ, trước sau mình cũng vào rừng lại thôi. B’Nước Tơm, nhà gần cô Vinh thì bảo, từ hôm thấy nhà cô Vinh rơi, mình bỏ luôn. Chủ tịch xã B’Riu Le lắc đầu: “Quá nguy hiểm!”. Gồng mình lên chờ đất sạt và chạy.

Tôi đem chuyện này hỏi bà Lê Thị Thu Bồn, Phó Chủ  tịch huyện. Bà thở dài: “Hôm trước, có đoàn khảo sát của Ngân hàng Thế giới đến, họ phê bình dân ăn ở mất vệ sinh quá. Im lặng mà nghe. Khu dân cư  mà làm không có cống thoát nước, chỉ làm mương. Bà con nuôi gia súc, gia cầm, đồ bẩn, dồn hết vào đó.

Khi thi công, huyện đã đề nghị làm cống thoát nội bộ, nhưng không được chấp nhận. Chỗ sạt lở nhà cô Vinh có nguyên nhân. Đường phân thủy trên núi, có qui luật cả đấy. Chặn chỗ này thì phải mở chỗ kia, nếu không  nó xé đất ngay. Không ai nghe cả, cứ thế làm ẩu. Quá chật chội nên không sinh hoạt cộng đồng được.

Người Cơ tu muốn dựng nhà Gươl cũng chịu. Bà con ở trên miệng vực. Quá sợ. Nói nhiều rồi. Đề nghị chủ đầu tư khẩn trương kè kiên cố. Huyện đã tính chuyện mở đường từ Dang sang xã A Tiêng, nếu không thể ở được nữa, sẽ sắp xếp lại, bố trí dân cư. Phát sinh thêm 12 hộ nữa trước đây chưa đưa vào danh sách, chủ đầu tư là Ban QL thủy điện hứa sẽ bố trí mặt bằng, nhưng chưa thấy”.

Hàng  chục tỷ đồng đã được bỏ ra để xây khu TĐC. Để đảm bảo tính mạng cho người dân, chủ đầu tư  chấp nhận bỏ tiền kè tiếp. Kè liên tục. Sạt đâu kè đó. Ít nhất cũng tốn hơn 10 tỷ nữa. Cũng tiền nhà nước do dân đóng thuế cả.  Phong tục người Cơ tu là hễ chết 1 người, cả làng bỏ đi vì sợ ma. Một lãnh đạo huyện nói: “Nghĩ đến có ngày xảy ra chuyện đó mà chưa biết xoay xở ra sao”.                                    

Trung Việt

MỚI - NÓNG