Quảng Nam: Hơn 2.000 hồ sơ TNXP bị trả lại

Quảng Nam: Hơn 2.000 hồ sơ TNXP bị trả lại
TP - Ông Nguyễn Đức Tuệ - Phó Cục trưởng Thương binh Liệt sỹ và Người có công (Bộ LĐ -TB & XH) cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và TW Đoàn sẽ bàn cách giải quyết việc hơn 2.000 hồ sơ TNXP ở Quảng Nam bị trả lại.
Quảng Nam: Hơn 2.000 hồ sơ TNXP bị trả lại ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Tuệ  

Ông Tuệ nói: Sau khi trao đổi, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở tỉnh Quảng Nam cho biết, có hơn 2.000 hồ sơ bị trả về tỉnh.

Trong số đó, Sở vẫn chưa phân loại được có bao nhiêu hồ sơ TNXP là thương binh; bao nhiêu người đã hy sinh; bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn; bao nhiêu người cô đơn, không nơi nương tựa, thuộc diện nghèo đói của tỉnh.

Hơn 2.000 hồ sơ bị trả lại, đề nghị bổ sung giấy tờ là vì, khi thực hiện Quyết định 104 (14/9/1999) của Chính phủ, có một điều kiện quy định về mặt thủ tục là, khi khai TNXP phải có giấy tờ chứng minh.

Trong đó, quy định bắt buộc là phải có kỷ niệm chương TNXP. Thế nhưng, số hồ sơ bị trả lại vì đều không có Kỷ niệm chương TNXP…

Nguyên nhân nào khiến phần lớn trong tổng số hơn 2.000 hồ sơ đó không được cấp Kỷ niệm chương TNXP, thưa ông?

Vấn đề đối với Quảng Nam là vướng ở giấy chứng nhận TNXP. Đây là tình trạng chung, diễn ra từ trước khi tái lập tỉnh (1997). Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã không lập danh sách TNXP thời kỳ kháng chiến, không báo cáo lên TW đoàn, nên đã không được TW Đoàn cấp Kỷ niệm chương TNXP. Do đó, khi xét hồ sơ, nhiều TNXP đã không có giấy chứng nhận TNXP và hồ sơ bị trả lại.

Thực ra, quy định phải có Kỷ niệm chương TNXP không sai. Nhưng vì nhiều người quan niệm rằng chỉ cần có Kỷ niệm chương TNXP và được hai người làm chứng là có thể được xét duyệt hồ sơ thương binh.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp cố tình khai man thương binh để hưởng lợi. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, mặc dù chính sách đúng nhưng còn kẽ hở nên đã bị lợi dụng.

Trước thực tế đó, TW Đoàn đã đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH quy định lại vấn đề này. Ngày 9/6/2003, Bộ LĐ-TB&XH cùng TW Đoàn đã ban hành Thông tư 17, bỏ quy định Kỷ niệm chương TNXP (quy định tại Thông tư 16); thay vào đó là muốn được công nhận TNXP phải có giấy tờ gốc chứng minh mình là TNXP.

Với những TNXP thật nhưng đã bị mất hết giấy tờ thì sẽ  được giải quyết thế nào?

Nếu nói tất cả trường hợp không có giấy tờ cũ thì không thuyết phục. Có khi người ta còn lưu giữ giấy thật nhưng cất đi để tìm hai người làm chứng khai thêm vết thương vào hồ sơ (đây là kẽ hở để xảy ra chuyện thương binh giả). Cho nên, cơ chế hai người làm chứng đã không còn phù hợp. Theo tôi, Thông tư 17 quy định như vậy là phù hợp.

Đối với trường hợp bị thương (số bị thương chỉ chiếm rất ít trong tổng số hơn 2.000 TNXP), đa số đã được thực hiện ngay từ năm 1976. Lúc đó, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần cơ quan quản lý hành chính cấp giấy chứng nhận bị thương là được xét hồ sơ.

Suốt từ năm 1976 đến năm 1999, đa số các trường hợp TNXP đã được giải quyết. Trừ những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa (thiếu thông tin) thì có thể chưa được giải quyết.

Đối với người có hoàn cảnh khó khăn; người nghèo đói, cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp một lần và trợ cấp hằng tháng.

Số TNXP không còn giấy tờ gốc (trường hợp TNXP thực sự bị thương nhưng mất giấy tờ) thì TW Đoàn đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH, TW Hội cựu TNXP xem xét, tìm biện pháp xử lý (chẳng hạn như vấn đề xem xét cấp Kỷ niệm chương cho cựu TNXP).

Nhưng đến tháng 9/2006 là hết hạn thực hiện Quyết định 104 của Chính phủ, các trường hợp bị mất giấy tờ có được đẩy nhanh tiến độ giải quyết không, thưa ông?

Việc tồn đọng hồ sơ, không chỉ riêng với TNXP mà các đối tượng khác cũng tạm dừng để rà soát, kiểm tra. Mặc dù quyết định ghi rõ tháng 9/2006 hết hạn, nhưng vì việc rà soát vẫn chưa kết thúc nên phải tiếp tục xem xét các hồ sơ tồn đọng.

Hơn nữa, Bộ LĐ - TB&XH cũng đang chờ nghị định hướng dẫn Pháp lệnh 26 (2005) thì mới công bố thời gian cụ thể. Còn việc xử lý thế nào thì tới đây Bộ LĐ - TB&XH, TW Đoàn, TW Hội cựu chiến binh sẽ có chương trình làm việc cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Bài cuối: Tỉnh Quảng Nam phải nhanh chóng giữ hồ sơ để TW Đoàn xét tặng Kỷ niệm chương cho cựu TNXP

Nguyễn Phong Cầm
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.