Quảng Nam: Lộ diện các thế lực tiếp tay phá rừng đầu nguồn

Quảng Nam: Lộ diện các thế lực tiếp tay phá rừng đầu nguồn
TP - Sau loạt bài điều tra của nhóm PV Tiền phong ngay tại rừng sâu heo hút suốt nhiều ngày từ thời điểm trung tuần tháng 3/2007, bản chất vụ phá rừng Khe Diên (Quế Sơn, Quảng Nam) được đánh giá là “Tánh Linh thứ hai” đã dần phơi bày.
Quảng Nam: Lộ diện các thế lực tiếp tay phá rừng đầu nguồn ảnh 1
PV Tiền phong tại hiện trường cách lòng hồ thủy điện Khe Diên nhiều ki - lô - mét

Số gỗ bị khai thác cả trong và ngoài lòng hồ theo con số ban đầu đã lên tới trên 4.500 m3, trong đó có hơn 400 m3 là gỗ rừng nguyên sinh. Đặc biệt, dính líu tới vụ này có nhiều cán bộ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan điều tra CA Quảng Nam đã vào cuộc. Mới đây, ngày 9/6, “trùm” gỗ lậu Sáu Ngọc (Lê Văn Ngọc – Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn) và Nguyễn Bảy - Cán bộ kỹ thuật Cty cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, kẻ trực tiếp tiếp tay cho Sáu Ngọc - đã bị bắt.

Theo nguồn tin của Tiền phong, sắp tới, sẽ có hàng chục nhân vật khác tiếp tay cho đường dây phá rừng táo tợn này sẽ sa lưới pháp luật.

“Tiền trảm, hậu tấu”

Đầu tiên là trách nhiệm của chủ rừng – UBND huyện Quế Sơn. Được UBND tỉnh trao quyền khai thác tận dụng gỗ trong diện tích lòng hồ thủy điện Khe Diên (địa bàn 3 xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước), ngày 5/9/2005, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn khi đó là ông Hà Phước Trinh (nay là Bí thư Huyện ủy) đã ký giấy ủy quyền, trao toàn bộ việc khai thác cho ông Lê Văn Ngọc (Sáu Ngọc) – mà không cần hợp đồng, cũng không cần biết Cty Ngọc Sơn có đủ tư cách pháp nhân hay không.

Lập tức ông Sáu Ngọc ồ ạt xua quân mang xe xúc, xe ủi, cưa máy vào rừng khai thác vô tội vạ, ngang nhiên khai thác cả một diện tích lớn rừng nguyên sinh (dù mãi tới 8/2/2006, mới có giấy phép của Sở NN&PTNT cho huyện Quế Sơn khai thác tận thu).

Đầu tháng 1/2006, ông Sáu Ngọc trong khi vận chuyển trên 70 m3 gỗ (gồm 211 tấm gỗ xẻ, trong số 94 m3 khai thác lậu) ra khỏi rừng, thì bị Hạt Kiểm lâm (KL) Quế Sơn bắt giữ, thu hồi và báo về Chi cục KL tỉnh. Thế nhưng UBND huyện Quế Sơn lại đứng ra “xin” không để cơ quan chức năng khởi tố theo luật định.

Lãnh đạo huyện đã nhiều lần “hoãn binh” với kiểm lâm, họp bàn tính kế để hợp thức hóa số gỗ lậu. Và cuối cùng thì huyện cũng xin được Giấy phép khai thác số 85 ngày 8/2/2006 do Sở NN&PTNT tỉnh cấp, cho phép khai thác 329 ha, khối lượng 12.717 m3.

Huyện tìm cách “nhét” 94 m3 gỗ lậu vào giấy phép này nhưng không được, do “vướng” hồ sơ bài cây. Huyện một mặt tiếp tục hoãn binh bằng cách ra công văn cho phép đưa số gỗ lậu trên vào diện “tận thu” (CV ngày 15/3/2006 do Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Thân ký), sau đó giao lại số gỗ vi phạm lại cho Sáu Ngọc để thu về 52 triệu đồng (rẻ hơn 3 lần so với giá sàn bên ngoài).

Mặt khác huyện tiếp tục xin, để rồi ngày 27/4/2006, ông Hồ Tấn Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - đã ký cấp giấy phép mới số 384 thay thế cho giấy phép 85. Lạ ở chỗ, giấy phép mới không hề thay đổi diện tích (vẫn 329 ha), tiểu khu khai thác cũng vẫn thế, nhưng khối lượng được ... nâng lên từ 12.717 m3 thành 12.811 m3, nghĩa là tăng đúng 94 m3 (?!).

Sở NN&PTNT không vô can 

Phần trách nhiệm của lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam hiện đang được làm rõ. Tuy nhiên, những giấy phép đầy “nhạy cảm” do ông Hồ Tấn Sơn - Giám đốc Sở (nay giữ chức Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy) - ký cho huyện Quế Sơn và ông Sáu Ngọc khiến dư luận phải đặt nhiều câu hỏi. Bởi không chỉ một lần ký thay đổi giấy phép có lợi cho huyện Quế Sơn và ông Sáu Ngọc.

Cuối tháng 8/2006, khi lòng hồ thủy điện Khe Diên đã tích đầy nước và đạt đến cao trình, UBND huyện Quế Sơn vẫn tiếp tục đề nghị Sở cho phép ông Sáu Ngọc “nới” thêm diện tích khai thác “tận thu”, thực chất để một lần nữa hợp thức hóa số gỗ khai thác lậu quá lớn của Sáu Ngọc trước đó.

Và rồi trên cơ sở tham mưu của Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Trần Hải Hà, ngày 27/9/2006, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Tấn Sơn đã ký tiếp giấy cho phép Sáu Ngọc khai thác bổ sung 58 ha ngoài lòng hồ, với khối lượng 1.795 m3.   

Trước đó, cũng từ “mai mối” của ông Trần Hải Hà, Cty Ngọc Sơn của ông Sáu Ngọc đã thuê Cty Cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam làm công việc khảo sát, lập dự án khai thác, dù không có chức năng tư vấn thiết kế khai thác gỗ.

Cty này đã “phù phép” bằng cách không dựa vào bản chính hồ sơ khảo sát thiết kế khu vực xây dựng công trình do Cty Đầu tư phát triển điện Sông Ba (đơn vị xây dựng và khai thác thủy điện Khe Diên) lập, để làm sai lệch thiết kế, khiến diện tích được phép “tận thu” của ông Sáu Ngọc vượt ra ngoài lòng hồ tới 101 ha, nhưng Chi cục Lâm nghiệp vẫn không hề hay biết.

Ông Nguyễn Bảy còn được lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp giao búa bài cây không đúng quy định, cứ thế vào rừng “tự tung tự tác”.

Chưa hết, từ tháng 9/2006, sau khi được Sở NN&PTNT cho phép “khai thác bổ sung”, Cty Ngọc Sơn lần này “cắt đuôi”, bằng cách thuê đơn vị khác làm thiết kế, là Cty TNHH Tư vấn xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng 1 (đóng tại Tam Kỳ, Quảng Nam).

Nhưng Cty này vẫn thuê lại ông Nguyễn Bảy làm thiết kế, dựa trên hồ sơ cũ. Kết quả, đường đồng mức trên bản đồ địa hình (UTM) đã bị sửa lại, bình độ thay đổi, khiến mực nước lòng hồ dâng “khống” vào rừng nhiều cây số...

MỚI - NÓNG