Quảng Nam tập huấn về động đất cho dân

Quảng Nam tập huấn về động đất cho dân
TP - Ngày 18–10, tại TP Tam Kỳ, Viện KH&CN, Viện Vật lý địa cầu phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tập huấn phổ biến kiến thức về động đất cho gần 400 cán bộ chủ chốt của các huyện, thị. Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh tường thuật trực tiếp cho người dân.

> Bắc Trà My lại động đất 3,5 độ richter

Công tác truyền thông phổ biến kiến thức động đất ở Quảng Nam được đẩy mạnh
Công tác truyền thông phổ biến kiến thức động đất ở Quảng Nam được đẩy mạnh.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều – người chủ trì tập huấn, động đất là nỗi khiếp sợ của nhân loại. Các trận động đất như ở Đường Sơn (Trung Quốc) năm 1976 mạnh 7,7 độ richter làm hơn 250.000 người chết, ở thủ đô Mexico năm 1985 mạnh 8,1 độ richter với khoảng 10.000 người chết… Hiện tượng động đất kích thích xảy ra tại nhiều hồ chứa ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Mỹ…gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Động đất kích thích luôn là vấn đề quan tâm và được cập nhật thông tin liên tục, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành của các nhà máy thủy điện. Đến nay, đã biết được trên 100 trường hợp về các trận động đất do hồ chứa sinh ra.

Hôm nay (19-10), Viện Vật lý địa cầu tổ chức khánh thành trạm đo động đất đầu tiên ở vùng thủy điện Sông Tranh 2. Bốn trạm còn lại sẽ tiếp tục được lắp đặt sau đó.

Sở KH&CN Quảng Nam cho biết, kế hoạch truyền thông phổ biến động đất sẽ được đẩy mạnh, và được phát đều đặn trên đài PT-TH của tỉnh. 25.000 tờ rơi sẽ được in, cấp phát đến tay người dân Bắc Trà My và các vùng lân cận.

Đặc biệt, Bắc Trà My nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2, động đất kích thích xảy ra thường xuyên là không thể xem thường.

Viện Vật lý địa cầu đã cung cấp các kiến thức, đặc trưng cơ bản cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các huyện thị về động đất và động đất kích thích, cách phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất để tuyên truyền lại cho nhân dân biết và phòng tránh, sống chung với động đất.

Đối với động đất ở đập thủy điện Sông Tranh 2, theo ông Triều có biểu hiện đặc biệt, bởi chúng xảy ra tại vùng mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện động đất, là loại động đất hồ chứa phản ứng nhanh, có biểu hiện hoạt động dồn dập theo từng đợt. Động đất chỉ xuất hiện sau khi đập thủy điện Sông Tranh 2 tích nước.

Tuy nhiên, do không có hệ thống trạm quan trắc gần, chỉ có 2 trạm ở Huế và Bình Định, nên việc xác định vị trí chấn tâm động đất là kém chính xác.

Động đất ở Sông Tranh 2 rất đáng quan tâm bởi có biểu hiện khá giống động đất ở đập Koyna (Ấn Độ). Hồ chứa Shivaji được tạo nên bởi đập Koyna, một trong những vùng địa chấn ổn định.

Sau khi tích nước năm 1962 ở đây, các rung chấn vừa, kèm theo tiếng nổ bắt đầu phổ biến, tần suất và cấp độ tăng lên từ năm 1963.

Trận động đất ngày 10-12-1967 làm chết khoảng 200 người, hơn 1.500 người bị thương. Koyna là vị trí duy nhất mà tại đó các trận động đất kích thích tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay.

“Động đất và động đất kích thích trên thế giới chưa thể dự báo chính xác. Dự báo động đất ở Sông Tranh không quá 5,5 độ richter không có nghĩa là không có khả năng lớn hơn. Hơn bao giờ hết, người dân Bắc Trà My và các vùng lân cận phải được trang bị đầy đủ kiến thức, phải luôn luôn sẵn sàng khi có động đất. Sự chuẩn bị phải khoa học, kỹ lưỡng để ứng phó trong mọi tình huống xấu nhất”. Theo ông Triều, việc Chính phủ chưa cho đập thủy điện này tích nước là hết sức cần thiết.

Sông Tranh 2 phải được tiếp tục giám sát và theo dõi, thu thập thêm số liệu và có sự đánh giá độc lập của các chuyên gia trong và ngoài nước về động đất.

Riêng mùa mưa lũ, đập cần theo dõi kỹ lưỡng tránh hiện tượng mực nước lòng hồ tăng nhanh, theo dõi hiện tượng lũ quét, lũ ống phía thượng nguồn không để cột sóng vượt cửa đập rất nguy hiểm cho hạ du. Cột nước lòng hồ vượt ngưỡng cửa đập gây lũ lụt từng xảy ra ở Hà Tĩnh là ví dụ điển hình.

Thế giới đã khuyến cáo việc tích nước hồ thủy điện phải từ từ, phân kỳ để theo dõi. Vừa tích nước vừa nghe ngóng, không để mực nước lòng hồ biến động quá nhanh, gây ra phản ứng động đất, tránh các hoạt động gây tai biến địa chất.

Ông Triều nói, các công trình thủy điện lớn trên thế giới và ở nước ta như ở Hòa Bình, Sơn La… khi xây dựng đều tính đến phương án, kịch bản vỡ đập thủy điện. Riêng đập thủy điện Sông Tranh 2 có xây dựng kịch bản này không thì không biết.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: “Để đánh giá đầy đủ về động đất kích thích ở thủy điện Sông Tranh 2 cần có thêm số liệu và thời gian. Bộ KH&CN, Viện KH&CN đã đồng ý việc lắp đặt các trạm địa chấn ở Bắc Trà My. Trong thời gian tới, các chuyên gia hàng đầu về động đất của Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản… sẽ về Sông Tranh 2 để khảo sát và nghiên cứu. Khi có các chuyên gia hàng đầu, cùng các số liệu đầy đủ sẽ cho kết quả chính xác về động đất ở Bắc Trà My”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG