Quảng Nam: Xã đảo tan hoang đến xé lòng sau bão

Tan hoang Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam.
Tan hoang Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam.
TP - Gần 100 ngôi nhà bị sập và tốc mái, trong đó 2 nhà bị sập hoàn toàn, 18 nhà bị tốc mái hoàn toàn. 9 người bị thương, trong đó 6 người bị thương nặng nhập viện. Cây cối, nhà cửa bị quật gãy, người già con trẻ nức nở trong cảnh màn trời chiếu đất. Cảnh tượng xã đảo Tam Hải bỗng trở nên hoang tàn đến xé lòng.

Ngày 5/11, Quảng Nam vẫn mưa trắng trời. Trên con đò chòng chành, chúng tôi vượt sông Trường Giang đến xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) - địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất tại Quảng Nam bởi cơn bão 12.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải thống kê, cả xã có 86 nhà bị thiệt hại. Trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn, 18 nhà tốc mái hoàn toàn, còn lại là bị sập 50- 70% tập trung ở các thôn. Có 9 người bị thương trong đó 6 người phải nhập viện, thương tâm hơn ba cha con trong 1 gia đình phải cấp cứu do nhà bị sập. Các hộ bị thiệt hại tập trung ở các thôn Bình Trung, Tân Lập, Long Thạnh Đông, Long Thạnh Tây. Đây cũng chỉ mới là con số thống kê ban đầu, thực tế có thể nhiều nhưng một số thôn chưa thể tiếp cận do cách trở sông mà hiện nay mưa lớn và nước vẫn dâng cao. Địa phương đã thăm hỏi hỗ trợ các nhà thiệt hại 1 triệu đồng, hỗ trợ đưa người bị nạn di chuyển đến nơi an toàn.

Phút kinh hoàng của cuộc đời

Ánh mắt chưa hết hoảng sợ, chị Trương Thị Hoa kể, khi chị đang dọn đồ dưới bếp thì lốc ập đến. Phút chốc cơn lốc cuốn phăng mái tôn, hai bên tường rung lên bần bật. Ngôi nhà trống hoác, nước mưa tràn vào bì bõm. Chị nói chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào kinh hoàng như vậy. Một lúc sau định thần lại, chạy ra ngoài đường thì thấy người dân cả xóm đã kéo ra trước nhà và đang hỗ trợ  đưa nạn nhân bị nhà sập ra khỏi hiện trường. “Quá kinh hoàng, chỉ trong vòng 1 phút tất cả trở nên tan hoang đổ nát” - chị Hoa chia sẻ.

Xã đảo mưa lớn. Gió thốc vào mặt rát rạt. Vợ chồng ông Bùi Đãi đang đội mưa, thẩn thơ nhặt nhạnh trong đống đổ nát. Khuôn mặt già nua, nhăn nheo, ánh mắt thất thần. Phải mất vài giây ông mới trả lời được câu hỏi của khách. “Còn chi đâu. Hết sạch rồi. Mưa gió lão lốc cuốn đi cả” - ông mếu máo. Với ông và cả người dân thôn Bình Trung này đến bây giờ vẫn chưa thể tin rằng chỉ 1 phút cơn lốc kéo qua thì cả thôn như một đống hoang tàn đổ nát. Cơn lốc kéo qua ngày 4/11.

Ông kể, lúc đó khoảng 10 giờ sáng, khi đang còn lụi hụi chằng cửa bếp thì nghe ù ù bên tai, luồng gió quật mạnh khiến ông thấy tức ngực rồi một lực rất mạnh kéo ông ngã sập xuống. Mở mắt thấy căn nhà sập hoàn toàn. Ông cuống cuồng chạy lên tìm vợ và đứa cháu nhỏ. “May mắn bả và cháu chỉ bị thương nhẹ ở tay, người ta đưa lên trạm băng bó giờ cho về rồi. Mà về cũng biết về đâu, nhà cửa giờ còn đâu” - ông mếu máo. Ngôi nhà là tài sản duy nhất của hai ông bà, dựng cách đây 8 năm. Ba người con nhưng đều đi làm ăn xa. Vừa rồi, đứa con trai út làm ăn thất bại, có sợi dây chuyền ông cũng gửi cho con. “Từ qua đến giờ ổng cứ đội mưa thẩn thơ miết chỗ ngôi nhà bị đổ. Hết nhặt mấy mảnh bóng đèn vỡ lại vân vê đống gạch vụn. Rồi có khi ngồi phệt ra đó, giữa mưa” - chị Phạm Thị Liên, một hàng xóm xót xa.

 Chỉ còn nước mắt

Cạnh nhà ông Đãi, ngôi nhà của anh Bùi Văn Nhân (thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cũng bị sập hoàn toàn. Hiện cả ba cha con đang phải cấp cứu tại bệnh viện. Vợ anh - chị Bùi Thị Vẹn túc trực chăm ba cha con. Chị Huỳnh Thị Thi (em gái ruột anh Nhân) cho hay, khi hay tin lốc xoáy bất ngờ cuốn qua nhà em trai chị chạy tới thì trước mắt là cảnh tượng kinh hoàng. Ngôi nhà bị sập hoàn toàn, anh Nhân bị kẹp trong đống gạch đổ nát, máu me dầm dề. Người dân và lực lượng chức năng vẫn đang cố gắng tìm kiếm hai con của anh. Môt bé 9 tuổi và một bé 2 tuổi. “Ai cũng hoảng sợ hết. Nhìn hiện trường như vậy ai cũng ngỡ không ai sống nổi nhưng may mắn ba cha con còn sống, người bê bết máu” - chị Thi kể lại.

Riêng cháu bé Bùi Thị Linh Đan (2 tuổi) phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới được tìm thấy ở khu vực phòng khách. Bới đống gạch nát đổ, cháu nằm gọn trong một góc, bên trên được chắn bởi chiếc bàn. Tuy nhiên cánh tay bị gãy nát do bị đè. Còn bé Bùi Thị Kiều My khi được đưa lên từ đống gạch vỡ thì bị tụ máu não. Các bác sỹ tiến hành phẫu thuật, hiện đã qua cơn nguy kịch. Lâu nay với nghề đi bạn, anh Nhân là lao động chính của gia đình, nuôi 4 người trong đó có 1 mẹ già và 2 con nhỏ. “Giờ nhà cửa tan hoang, mấy cha con thì điều trị ở viện khổ chi khổ quá trời” – chị Thi nói trong nước mắt.

Chúng tôi chào ra về, chị Trương Thị Hoa nói với theo “Mong quý báo kêu gọi các nhà hảo tâm giúp dân chúng tôi với chứ không biết phải xoay xở ra sao với đống đổ nát này”. Con nước chòng chành, ngồi trên chiếc thuyền để cập cảng, tôi không sao dứt khỏi hình ảnh ông bà Bùi Đãi dầm mưa đào bới đống đổ nát.

Quảng Nam: Xã đảo tan hoang đến xé lòng sau bão ảnh 1 Ngôi nhà anh Bùi Văn Nhân bị sập hoàn toàn, ba bố con anh bị thương cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Hoài Văn.

 Bão đi qua, nỗi đau ở lại

Sau khi càn quét qua tỉnh Khánh Hòa vào rạng sáng ngày 4/11, cơn bão số 12 đã gây ra thiệt hại không nhỏ: 23 người dân thiệt mạng; người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trong khi nhiều nơi trên toàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng mất cả điện lẫn nước, cây cối nằm ngả la liệt, nhà cửa ngổn ngang.

Sáng ngày 5/11, trong căn nhà đổ nát hoàn toàn, ông Trần Văn Thanh (52 tuổi, trú xã Diên Bình, huyện Diên Khánh) lần tìm trong đóng gạch đổ nát để tìm kiếm những vật dụng của gia đình còn sót lại. Căn nhà rộng khoảng 60m2 đã bị bão quật ngã giờ chỉ còn lại vài viên gạch nằm trơ trọi giữa mưa; phía bên trong còn 1 tủ học sinh và 1 tủ trang trí, trên đó còn nguyên chiếc tivi hứng trọn trận mưa của cơn bão hôm trước…  

“Bão quá mạnh”- ông Thanh kể. Theo ông chỉ lướt qua trong vòng ít phút mà cơn bão đã cuốn phăng mái tôn và quật đổ tường nhà. “Rất may cả 6 người trong gia đình tôi đã kịp chạy sang nhà hàng xóm”- ông Thanh nhớ lại nhưng vẫn còn sợ hãi.

Tưởng đã tìm được nơi trú ngụ chắc chắn, nhưng sau đó ngôi nhà hàng xóm mà 6 thành viên gia đình ông Thanh trú lại cũng bị bão, bay mái tôn, một bức tường nhà đổ sập. Ông Thanh và mọi người tiếp tục chạy đi nơi khác tìm nơi trú ẩn.

 Sáng qua, vị trưởng thôn đến động viên gia đình ông Thanh cố gắng khắc phục. “Khắc phục thế nào đây anh. Bao nhiêu tài sản cả đời dành dụm giờ tan theo bão cả, giờ gia đình chỉ biết quanh quẩn ở đây và đang tính dựng lều tạm để ở chứ không biết ở đâu”- ông Thanh buồn bã.

Cùng cảnh ngộ là gia đình của chị Lê Thị Hoài Khanh (trú xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) khi rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” chỉ sau một đêm cơn bão đi qua. Chị Khanh cho biết, ngôi nhà vừa mới xây trị giá hơn 600 triệu của gia đình đã bị sóng biển đánh sụp mái hiên, có nguy cơ căn nhà đổ sụp xuống biển lúc nào không hay. “Đây là căn nhà mà gia đình tôi tích góp hơn chục năm qua, vừa mới hoàn thành và chuyển vào ở từ đầu năm nay. Thế mà giờ đây bão vào tàn phá không còn gì”, chị Khanh kể trong nước mắt.

Theo ghi nhận, đến 5/11 tại Quảng Nam mưa vẫn trắng trời. Nhiều thôn, làng thuộc địa bàn huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, TP Hội An bị cô lập. Một số địa phương thuộc vùng núi Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn… xảy ra tình trạng sạt lở núi. Đặc biệt, 11 giờ trưa 5/11 xảy ra vụ sạt lở núi trên Quốc lộ 14E đoạn qua xã Phước Hòa, khiến 2 người điều khiển xe máy đang lưu thông qua đây bị đè.

HOÀI VĂN

 

Tính đến trưa ngày 5/11, toàn tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 23 người chết do bão số 12 gây ra và hiện có nhiều người đang mất tích. Đây là một mất mát quá lớn sau bão. Về thiệt hại kinh tế, toàn tỉnh Khánh Hòa có 691 nhà bị sập hoàn toàn, nhiều nhất là TP Nha Trang với 415 nhà. Khánh Hòa có 29.382 nhà tốc mái, riêng TP Nha Trang 12.248 nhà. Không chỉ có Nha Trang, TX Ninh Hòa được đánh giá là địa phương bị thiệt hại không kém. Riêng về thủy sản, ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, đến thời điểm này có đến 1.456 lồng bè nuôi thủy sản bị đánh chìm, nhiều nhất là huyện Vạn Ninh 1.242 lồng bè. Những lồng bè này nuôi các loại hải sản có giá trị rất cao như tôm hùm, cá mú, cá bớp… nên con số thiệt hại rất nặng nề.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương các huyện thị trước mắt phải lo chỗ ở ổn định người dân ảnh hưởng, không để dân đói, rét, mắc bệnh khi mùa đông đã kề cận.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.