Quảng trường lớn và một kỷ niệm nhỏ

Ngày nào cũng có đông đảo bà con kiều bào tới tượng đài viếng Bác
Ngày nào cũng có đông đảo bà con kiều bào tới tượng đài viếng Bác
TP - Vừa qua, phóng sự truyền hình về Tượng đài Hồ Chí Minh giữa thủ đô nước Nga đã được trao giải A - giải báo chí quốc gia. TS Nguyễn Thành Sơn - BQL các dự án Than ĐBSH - Vinacomin chia sẻ một phần lịch sử của quảng trường mang tên Bác ở Mátxcơva, Liên bang Nga.

> Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng xếp hạng di tích đặc biệt

Đầu năm 1983, Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý để Bộ Mỏ và Than cử tôi sang làm việc với chức danh chuyên viên tại Vụ Công nghiệp Than Ban Thư ký của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON hay thường được gọi tắt theo phiên âm từ tiếng Nga là SEV).

Trưởng đoàn Đại diện cấp cao của VN tại SEV khi đó lần lượt là các phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, phó Thủ tướng Trần Đức Lương.

Thời điểm đó, cán bộ VN làm việc tại SEV tương đối đông. Trong Ban Thư ký đã có đại diện của các UB nhà nước và bộ ngành khác như anh Dũng (UBKHKTNN), anh Ưng (UBKHNN), anh Ngà (Bộ Cơ khí Luyện kim), anh Hải (Bộ Tài chính), anh Chu (Bộ Thương mại)… Còn tại Cơ quan Đại diện của VN có các anh từ VP7 của Văn phòng Chính phủ như anh Tấn, anh Lương, anh Hoan…

Trụ sở làm việc của SEV nằm gần trung tâm, số nhà 56 trên đại lộ Kalinin, bên cạnh tòa nhà của Chính phủ LB Nga (thường được gọi là “Nhà trắng”).

Nhà ở tập thể của SEV nằm gần Đồi Lênin trên phố mang tên Dmitri Ulianov (em trai của Lênin) ngay cạnh quảng trường mang tên Hồ Chí Minh (là giao cắt của phố Dmitri Ulianov với phố Công đoàn).

Tại ngã tư quảng trường Hồ Chí Minh còn có nhà hàng mang tên “Hà Nội”. Vì vậy, dù ở giữa thủ đô Mátxcơva, chúng tôi- tập thể cán bộ của VN làm việc tại SEV ai cũng có cảm giác như được sống và làm việc cạnh Bác Hồ kính yêu của mình.

Tuy nhiên, có điều chúng tôi đã băn khoăn: người dân bình thường khi đó có thể chỉ biết quảng trường Hồ Chí Minh qua tấm bảng 40x60cm gắn trên tường ngôi nhà ở sát ngay ngã tư, hay qua biển chỉ dẫn dưới ga tầu điện ngầm Akademitrexcaia; vào ngày sinh của Bác chúng tôi cũng không còn chỗ để đặt hoa dâng Người.

Lá thư của ông Nguyễn Thành Sơn
Lá thư của ông Nguyễn Thành Sơn.

Với cảm giác vừa vinh dự, vừa băn khoăn đó, ngày 1 - 12- 1983, tôi đã mạnh dạn viết một bức thư cá nhân gửi đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố Mátxcơva với nội dung nguyên văn như sau:

“Kính gửi đồng chí V. Ph. Prômưxlốp - Chủ tịch HĐND TP. Mátxcơva, số nhà 13, phố Gorki, Mátxcơva.

Kính thưa đồng chí,

Tôi đang công tác tại Vụ Công nghiệp Than của Ban Thư ký của Hội đồng tương trợ kinh tế. Ngôi nhà ở của chúng tôi nằm trên phố Dmitri Ulianov gần quảng trường mang tên Hồ Chí Minh.

Tôi và những người khác, không ai nhận thấy đây là quảng trường mang tên Người lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Và vào ngày sinh của Người, trên quảng trường này chúng tôi không có chỗ để dâng hoa cho Người.

Tôi không rõ phải lưu ý ai về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ rằng, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam xứng đáng được quan tâm hơn nữa. Vì vậy, tôi mạnh dạn đề nghị đồng chí chuyển kiến nghị này của tôi lên Hội đồng thành phố xem xét.

Nhân dịp này, tôi mong muốn bầy tỏ sự kính trọng cao cả của mình tới đồng chí.

Nguyễn Thành Sơn

Chuyên viên, vụ Công nghiệp Than, Ban Thư ký, Hội đồng Tương trợ Kinh tế.

Ngày 1 tháng 12 năm 1983”.

Khoảng hơn 2 tuần sau, tôi đã nhận được thư hồi âm từ Ban chấp hành của HĐND thành phố Mátxcơva dưới dạng phiếu báo tiếp nhận và xử lý văn kiện số 16-I/3H-1057 đề ngày 15 -12 -1983 do trợ lý phó Chủ tịch Ban chấp hành ký với nội dung “Bức thư của đồng chí đã được gửi đến Tổng vụ quản lý kiến trúc và tượng đài của thành phố Mátxcơva với chỉ thị giao xem xét và thông báo cho đ/c về quyết định được thông qua”.

Vài năm sau, một tượng đài rất hoành tráng và rất đặc biệt với chân dung Bác Hồ, cây tre, hoa sen, dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã được xây dựng trên quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Mátxcơva của LB Nga.

Sau gần 30 năm, tôi vẫn giữ bản sao bức thư của mình và tờ phiếu báo tiếp nhận và xử lý văn kiện của HĐND TP Mátxcơva.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG