Quanh 'chiếc bánh ngân sách'

Quanh 'chiếc bánh ngân sách'
TP - Một câu hỏi lớn liên quan đến ngân sách cho ngành giáo dục và đào tạo, đã được báo Tiền phong đặt ra, chỉ hai ngày trước khi kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII khai mạc.

Như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, đã nói trong cuộc họp báo giới thiệu nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII, rằng: “Quan trọng nhất ở các kỳ họp QH vào cuối năm là vấn đề ngân sách. Chia tiền là việc khó, ở chỗ chia thế nào cho công bằng và hiệu quả”.

Là quốc sách, nhiều năm qua, giáo dục và đào tạo ngày càng được chia phần nhiều hơn từ “chiếc bánh ngân sách”, nhưng trong khi Bộ GD&ĐT đang đề xuất tăng học phí, thì câu hỏi vì sao có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ quỹ lương mà ngân sách bố trí và con số chi lương theo báo cáo của ngành (riêng năm 2006, số tiền chênh lệch này là khoảng 10.600 tỷ đồng) mà Tiền phong đã nêu ra, hẳn sẽ là một chất vấn mà nhiều cử tri đang có con em đi học muốn gửi đến nghị trường.

Nhiều câu hỏi khác về ngân sách, nóng bỏng không kém, đang nằm sau những câu chữ và số liệu khô khan mà Kiểm toán Nhà nước mới nêu ra trong Báo cáo kiểm toán năm 2006.

Trước hết, là câu hỏi về tính bền vững của ngân sách nhà nước.

Theo cơ quan kiểm toán thì tỷ trọng thu nội địa trong tổng số thu ngân sách nhà nước tiếp tục tăng, nhưng lại tăng chủ yếu từ dầu thô và các khoản thu từ đất, chứ các khoản thu từ nền kinh tế còn tăng chậm chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển.

Vậy là, nhìn kỹ ra thì ngân sách vẫn chủ yếu dựa vào đất và “dưới lòng đất”, mà tài nguyên khoáng sản dĩ nhiên không phải là vô hạn!

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, về thu ngân sách, hầu hết các khoản thu đều đạt và vượt dự toán.

Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ “thu bao nhiêu thì đã có các quy định cụ thể, nên lạm thu chưa chắc đã là một thành tích, mà thành tích nằm ở chỗ phân bổ cho giỏi”, như phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

Vậy chi ngân sách thời gian qua đã có thể làm cho các đại biểu QH hài lòng? Câu trả lời chắc chắn là chưa.

Kiểm toán về chi ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp NSNN, giảm cấp phát và giảm khác 537,8 tỷ đồng; còn trong lĩnh vực chi thường xuyên, đã kiến nghị giảm chi, thu hồi nộp NSNN, giảm cấp phát và giảm khác số tiền: 661,8 tỷ đồng.

Như vậy, nếu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện, sẽ có trở lại trong ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.

Đây là số tiền tương đương với thủy lợi phí thu của nông dân cả nước trong một năm.

(Việc miễn thủy lợi phí cho nông dân đã được nhiều đại biểu QH kiến nghị lâu nay, nhưng Chính phủ chưa “quyết” mà chỉ mới xây dựng đề án lấy ý kiến đóng góp của dân).

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp, ông Bộ trưởng Tài chính sẽ ra trước QH để báo cáo các vấn đề liên quan đến ngân sách, và ngày hôm sau QH sẽ bắt đầu thảo luận về vấn đề này.

Tình trạng bội chi ngân sách Nhà nước trong khi tham nhũng, lãng phí vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, vẫn sẽ tiếp tục là một vấn đề không mới trong kỳ họp này.

Cái mới như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thông báo chính là: QH sẽ đặt vấn đề thông qua một Nghị quyết để gắn những chính sách đã đề ra với việc phân bổ ngân sách, nhằm xác lập nền tảng tài chính cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bởi vì chính sách có thể được ban hành, nhưng khó khả thi nếu ngân sách dành cho chúng bị quên đi. 

MỚI - NÓNG