Quanh đề xuất thu phí chia tay: Chưa hợp lí

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất: Việt Nam nên học tập một số nước thu “phí chia tay” hay “phí du lịch” đối với công dân xuất cảnh Ảnh: Như Ý
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất: Việt Nam nên học tập một số nước thu “phí chia tay” hay “phí du lịch” đối với công dân xuất cảnh Ảnh: Như Ý
TP - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng đề xuất thu “phí chia tay” đối với người Việt Nam xuất cảnh. Một số chuyên gia và người làm du lịch phân tích sự bất cập, vô lý của đề xuất này.

THIẾU THUYẾT PHỤC

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) nêu ý kiến: Việt Nam nên học tập một số nước thu “phí chia tay” hay “phí du lịch” đối với công dân xuất cảnh. Phí này được trích một phần cho cơ quan ngoại giao đảm bảo an ninh an toàn cho công dân ở nước ngoài, đầu tư kỹ thuật đảm bảo cho việc xuất cảnh chu đáo hơn, phần nữa đầu tư thêm cho xúc tiến và quảng bá du lịch.

“Tôi nghĩ cách diễn đạt của ông Hưng khiến nhiều người hiểu nhầm. Các nước đều có quỹ để triển khai hoạt động xúc tiến du lịch, bảo vệ môi trường. Hai nguồn đó thường lấy từ ngân sách, hay nói cách khác từ nguồn thu du lịch đến từ đóng góp của khách. Tất cả khách du lịch nước ngoài, khách đến Việt Nam đều hiểu rằng họ phải có nghĩa vụ với đất nước họ đến, có trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường, vấn đề an ninh an toàn cho họ”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.

Ông Bình phân tích, mỗi bãi biển sau một mùa du lịch đều ngập rác thải, cần người dọn và làm sạch nhưng không thể cứ trông chờ vào tình nguyện viên được. Nguồn chi phí duy trì các hoạt động này phải lấy từ người hưởng thụ du lịch là hợp lí. Khách du lịch ra nước ngoài hay khách quốc tế đến Việt Nam đều hiểu điều đó. “Có điều chúng ta có thuyết phục và tập hợp được họ hay không. Quan trọng hơn phải xây dựng quỹ minh bạch, hợp pháp và hợp lý”, ông Bình nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch lớn cho rằng đề xuất này chưa hợp lí: “Nếu lấy lí do đảm bảo hơn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, hóa ra không có phí này thì công dân không được đảm bảo hay sao. Việc đảm bảo an toàn cho công dân là trách nhiệm của nhà nước, bất kể quốc gia giàu hay nghèo”. Còn nếu lấy lí do để tăng cường xúc tiến quảng bá, vị này phân tích, những người ở điểm đến du lịch hưởng lợi từ xúc tiến quảng bá mới nên là những người đóng góp.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, tuy nhiên PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chỉ ra các luận cứ chưa thuyết phục. Ông cho rằng nếu đánh vào những người xuất cảnh vậy tại sao chỉ có người Việt mà không phải cả khách quốc tế, như vậy chưa công bằng. “Người Việt chịu nhiều loại phí, cái họ cần là sự minh bạch. Hơn nữa việc thu phí để hỗ trợ cho các công tác du lịch khác chưa thực sự cấp bách”, PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích.

CHƯA NÊN

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, loại phí này không thể giống như thu BOT hay phí xăng dầu, nên là nguồn thu tự nguyện để khách góp phần quảng bá du lịch Việt Nam. “Đây chính là nguồn hợp lý mà thế giới đa phần người ta thực hiện như vậy. Vấn đề là chúng ta phải hiểu rõ quỹ này phải công khai, phải được quản lý bằng xã hội, phải được minh bạch vì nó là chi phí cho xã hội chứ không phải là bất kỳ cá nhân nào ở quỹ đó”, ông Vũ Thế Bình nói.

“Cứ nhìn vào phí xăng dầu, nói rằng bảo vệ môi trường, nhưng người dân luôn nghi ngờ không biết khoản tiền đó được sử dụng ra sao. Chưa có sự minh bạch, nên nếu người dân phải đóng góp, họ cảm thấy không thoải mái. “Phí chia tay” này cũng vậy, người dân có quyền đặt câu hỏi. Cho nên tôi nghĩ trước khi đề xuất, đại biểu nên xem xét tới bối cảnh đất nước”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Không thu phí chia tay, thay vào đó thu phí đối với khách quốc tế đến Việt Nam thì sao? “Chuyện đó cũng cần cân nhắc. Tôi cho rằng nếu thu của khách quốc tế càng phải minh bạch. Tôi nghĩ du khách quốc tế không nề hà nộp vài đô la, nhưng họ cần biết rõ nguồn tiền đó được sử dụng ra sao, với mục đích gì”, PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích.

Đại diện một số doanh nghiệp đồng ý rằng một số nước có thu thêm phí ủng hộ cho quỹ du lịch, tuy nhiên hình thức thu khác nhau. Chẳng hạn Ý, Nhật Bản, Pháp… đều thu thêm vào phí lưu trú qua đêm. Việt Nam nếu muốn thu có thể nhờ thu qua phí lưu trú, hoặc phí visa-điều này chưa hợp lí bởi ngành du lịch đang kêu gọi nới chính sách visa thu hút khách quốc tế. “Xét trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút khách quốc tế, lượng khách đến còn ở mức khiêm tốn thì việc thu thêm phí này cần cân nhắc”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Thu phí tăng quỹ xúc tiến quảng bá du lịch?

Ý tưởng thu phí “chia tay” để tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch nghe có vẻ hợp lí, bởi ngân sách nhà nước chi hàng năm chỉ vài triệu USD so với hàng chục và hàng trăm triệu của các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch phân tích: quỹ hỗ trợ du lịch thường rơi vào thế khó vì phải hoạt động theo Luật ngân sách, khiến cho công tác xúc tiến và quảng bá kém hiệu quả. Chính vì thế nếu trích nguồn thu du lịch cho quỹ này thì cần xây dựng cơ chế hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị, có nhiều bên tham gia đóng góp, giám sát và bàn cách sử dụng hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.