Quan không biết, khó trách dân

Quan không biết, khó trách dân
TP - Cơ quan quản lý đường bộ không biết hiện có bao nhiêu biển báo giới hạn tốc độ; một số cán bộ cơ quan chức năng hiểu luật cũng lơ mơ…
Quan không biết, khó trách dân ảnh 1
Hệ thống biển báo trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Ảnh: Đình Thắng

Từ loạt bài "CSGT hiểu nhầm biển báo", PV Tiền Phong trao đổi với một số quan chức ngành GTVT về Luật Giao thông Đường bộ. Chuyện thật như đùa khi không phải ai trong số họ cũng nắm kỹ luật.

PV Tiền Phong liên hệ với Phòng Giao thông Vận tải của Cục Đường Bộ Việt Nam, hỏi câu duy nhất: "Các tuyến đường bộ trong nước có bao nhiêu biển báo về giới hạn tốc độ". Vấn đề đặt ra tưởng quá dễ dàng, vì đây là công việc thuộc chuyên môn của họ.

Tuy nhiên, một cán bộ phòng này yêu cầu gửi văn bản, không cho biết khi nào sẽ trả lời. Liên lạc với người phát ngôn Cục Đường bộ Việt Nam - Cục phó Nguyễn Văn Quyền, cho biết:

"Cục mới đang hình thành các cơ sở dữ liệu, mọi thứ vẫn nằm ở các đơn vị quản lý trực tiếp và ở các sở GTVT. Do biển báo nằm rải rác như vậy nên giờ chưa thống kê nổi. Biển báo giới hạn tốc độ tối thiểu càng chưa thể thống kê được vì cũng nằm trong tình trạng trên".

Một quan chức khác của ngành GTVT (xin giấu tên) khi được hỏi về chế tài xử lý vi phạm giới hạn tốc độ tối thiểu, lại nói hiện chưa có quy định.

Điều 8, Điểm 6, Khoản G của Nghị định 146 quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô từ 600 nghìn đến một triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu.

Điều 9, khoản 4, điểm D xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (kể cả xe ba gác máy, xe lôi máy) 200 - 300 nghìn đồng với hành vi tương tự.

Thậm chí, có người cho biết sẽ kiến nghị bổ sung vào nghị định thay thế Nghị định 146 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) khi Luật GTĐB mới có hiệu lực (từ 1/7).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngay trong Nghị định 146 hiệu lực hiện hành có điều khoản xử lý trường hợp ô tô và xe máy vi phạm quy định giới hạn tốc độ tối thiểu.

Theo đó, mức xử lý với ô tô từ 600 nghìn đến một triệu đồng, xe máy từ 200 nghìn - 300 nghìn đồng.

Vẫn chưa có cơ quan nào đánh giá thực tiễn việc treo biển giới hạn tốc độ tối thiểu trên một số đoạn đường. Lâu nay, mọi người chỉ quen với việc đi quá tốc độ quy định thì bị xử lý.

Chính vì thế, tại đoạn đường Hà Nội-Bắc Ninh và Pháp Vân-Cầu Giẽ, người đi bộ, gia súc và xe đạp vẫn vô tư đi vào. Thậm chí đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, xe ôm và dân lợi dụng lúc CSGT vắng mặt để đứng đón xe khách hoặc băng qua đường.

Trao đổi với  Đội trưởng CSGT Thanh Trì (Phòng CSGT Hà Nội) Đỗ Xuân Dũng về việc có thường xuyên xử lý những trường hợp vi phạm tốc độ tối thiểu trên đoạn đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, được biết, đơn vị này lâu nay phần nhiều xử lý lỗi lấn làn đường. Đội CSGT Thanh Trì có muốn xử lý lỗi vi phạm về tốc độ cũng không có thiết bị.

Sắp tới theo Chiến lược Phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, sẽ hình thành nhiều đường cao tốc. Luật GTĐB mới cũng giải thích rõ về đường cao tốc.

Do vậy, các cơ quan chức năng không thể viện lý do nào đó để nói chưa thống kê nổi hệ thống biển báo giao thông. Việc cắm biển tốc độ lại càng không thể theo cảm tính.

Liên quan việc CSGT Bắc Ninh trả lại tiền, chiều 15/4, thượng tá Nguyễn Đức Tân cho biết, theo đúng thời hạn quy định là 90 ngày kể từ ngày người tham gia giao thông bị xử lý oan. Nếu biên bản xử phạt oan vẫn trong thời hạn trên và người tham gia giao thông còn giữ biên bản, phía CSGT sẽ hủy quyết định, trả lại tiền đã thu.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.