Quay cuồng trong 'cơn sốt' tiền lì xì

Tiền lẻ dùng để đi lễ chùa áp Tết được hét giá cao hơn 30% so với mệnh giá Ảnh: K.H
Tiền lẻ dùng để đi lễ chùa áp Tết được hét giá cao hơn 30% so với mệnh giá Ảnh: K.H
TP - Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết, nhiều người vẫn 'sốt ruột' vì chưa chuẩn bị tiền lẻ để lì xì hay đi lễ chùa. Trong khi đó, giá đổi tiền lẻ ngoài thị trường chợ đen tăng lên từng ngày.

>> Săn tiền lì xì

Tiền lẻ dùng để đi lễ chùa áp Tết được hét giá cao hơn 30% so với mệnh giá Ảnh: K.H
Tiền lẻ dùng để đi lễ chùa áp Tết được hét giá cao hơn 30% so với mệnh giá.
Ảnh: K.H.

Ráo riết săn tiền lẻ

Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội) ngày 23 tháng Chạp, giá đổi tiền lẻ chênh lệch từ 20% đến 30% so với đầu tháng. Tiền có mệnh giá càng nhỏ thì mức chênh lệch càng cao, nhất là tiền 200 và 500 đồng. Loại tiền 10 nghìn đổi 10 ăn 7 (tức 100 nghìn thì đổi lấy 70 nghìn đồng), tiền mệnh giá 1, 2, 5 nghìn thì tỷ lệ sẽ là 10 ăn 6 (tức 100 nghìn đổi 60 nghìn đồng). Một chủ quầy đổi tiền ở phủ Tây Hồ cho biết: “200 lẻ bây giờ không còn, chỉ còn đồng 500. Đổi 1 triệu thì được 500 nghìn tờ mệnh giá 500 đồng”.

Nhiều chủ quầy đổi tiền lẻ lý giải, vì nguồn cung tiền lẻ không còn nên giá đổi tiền tại chợ đen tăng cao. Thậm chí nhiều chủ quầy chỉ đổi tiền lẻ cho những khách đổi trên 1 triệu đồng. Quan sát tại phủ Tây Hồ, nhiều khách đi chùa ngày ông Công ông Táo cũng khó đổi được tiền lẻ dưới 500 nghìn đồng.

Chị Đỗ Thị Hồng Nhung (đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ) đi lễ cho biết: “Tôi chỉ định đổi 500 nghìn lấy tiền 500 đồng nhưng chủ quầy quy định đổi trên 1 triệu nên tôi cũng cố đổi vì vài hôm nữa sợ ra không còn”.

Trước cổng chùa Phúc Khánh (gần Ngã Tư Sở), những người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ đua nhau hét giá. Tiền mệnh giá 1.000 đồng đổi 10 ăn 7, tiền mệnh giá 2.000 đồng đổi 10 ăn 8 và tiền 5.000, 10.000 đồng đổi 10 ăn 8,5... Riêng tiền 200, 500 hầu như không còn đổi cho khách.

Mức giá tại cổng chùa Phúc Khánh mềm hơn trên phủ Tây Hồ song nhiều khách phàn nàn tiền không được mới. Chủ quán quầy đổi tiền cho hay: “Tiền mới cứng như trong ngân hàng thì làm gì có giá rẻ như ở đây”.

Thấy việc đổi tiền lẻ khó khăn, tại các thành phố lớn, nhiều người “xoay” sang chuẩn bị tiền USD để mừng tuổi. Tại quầy thu đổi ngoại tệ Quốc Trinh tại phố Hà Trung (Hà Nội), ngày 25-1, rất nhiều người đến hỏi mua tiền 5 đô la, 10 đô la.

Khác với cơn sốt 2 USD được hét tới 55-70 ngàn đồng/tờ (thậm chí tờ 2 USD phát hành năm 1976, được xem là đồng tiền may mắn, còn được rao bán tới 1 triệu đồng), những tờ tiền trên đều được mua bằng tỷ giá chợ đen (21.030 đồng/USD).

Ngân hàng cũng mệt

Cán bộ một ngân hàng thương mại lớn cho biết, năm nào anh cũng mệt vì lo tiền lẻ để “đối nội - đối ngoại” cho các mối quan hệ của ngân hàng rồi người thân, bạn bè. “Nói thì không ai tin, có lúc đúng là phải vác cả một bao tải tiền lẻ về vứt ở nhà để phân phối” - Anh cho biết.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng kể: “Những ngày này, người thân bạn bè gọi nhiều quá, mình phải dặn trước giám đốc chi nhánh nơi mình mở tài khoản, chỉ cần thấy người nào mang giấy viết tay hay mình alô trước là nhân viên cứ việc “cắt” tiền từ tài khoản cá nhân mình quy sang tiền lẻ đưa người đó ngay”.

"Tết năm nay, qua quan sát cũng như trao đổi với các cán bộ ngân hàng được biết: tiền mới phát hành đa số là các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng. Tiền 500 đồng và 50.000 đồng rất ít; đặc biệt tiền mệnh giá 20.000 đồng mới gần như không xuất hiện."

Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: “Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước thường chi ra một lượng tiền mới nhất định, trong đó có tiền mệnh giá nhỏ để đáp ứng một phần nhu cầu tiền mới của dân cư (chủ yếu đi lễ chùa và mừng tuổi).

Tuy nhiên, những mệnh giá nhỏ này lại hầu như rất hiếm khi được sử dụng làm phương tiện thanh toán (nhất là ở các tỉnh, thành phía Bắc) mà chỉ được sử dụng vào những mục đích khác như: phục vụ lễ hội, tín ngưỡng. Hệ quả là, sau khi Tết qua đi sẽ tạo ra sự dư thừa và mất cân đối lớn về cơ cấu mệnh giá, ảnh hưởng đến lưu thông tiền mặt của hệ thống ngân hàng. “Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hòa nhu cầu và cơ cấu tiền mặt để hạn chế tác động bất lợi này đối với lưu thông tiền tệ”, ông Thành nhấn mạnh.

Tiền lẻ được săn lùng ráo riết trong dịp Tết nhưng trở về ngày thường lại rất khó đưa ra lưu thông. Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận: nhiều khi sáng xuất tiền lẻ cho doanh nghiệp, đến chiều vẫn những cọc tiền đó đã quay trở lại ngân hàng. Rốt cục, không ít tiền lẻ lại bị cất kho. Một đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho hay, có thời điểm tiền lẻ dù chỉ chiếm 22% giá trị, nhưng lại chiếm tới 80% diện tích kho.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG