“Quên” công trình nước sạch, dân ra suối gùi nước

Công tơ nước bị bỏ ... hoang
Công tơ nước bị bỏ ... hoang
TP - Krông Ana là một trong bốn huyện nghèo thuộc tỉnh Đắk Lắk. Nhiều chương trình an sinh xã hội đã được triển khai trên miền đất này. Tuy nhiên, có công trình tiêu tốn tiền tỷ ngân sách mà không hiệu quả dù đã nghiệm thu, bàn giao về địa phương quản lý…

Khát nước sạch ở Buôn Cuăh 


Theo dự án của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, dự án nước sạch Buôn Cuăh (xã EaNa, Krông Ana, Đắk Lắk) do Phòng Dân tộc huyện làm chủ đầu tư dưới sự giám sát của UBND huyện. Đây là buôn vùng ba -vùng đặc biệt khó khăn, nên được đầu tư công trình nước sạch trị giá hơn 1 tỷ đồng, đủ phục vụ 147 hộ dân, 731 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm trên 95%, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo gần 60%.

Tháng 12/2011, UBND huyện Krông Ana phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Công trình Cấp nước sinh hoạt tập trung Buôn Cuăh, xã EaNa. Sau 1 vài điều chỉnh, công trình được thi công với tổng vốn gần 1,1 tỷ đồng, bàn giao cho UBND xã Ea Na tháng 10/2013. Tuy nhiên, theo phản ánh của đồng bào buôn Cuăh, từ đó tới nay chưa ngày nào thấy đường ống có nước. Nhiều hạng mục công trình như vòi nước, rô mi nê, ống dẫn nước, van khóa, van đóng mở nước, đồng hồ nước… hiện đã bị tháo, bẻ, đập vỡ. Tiếp chúng tôi, anh Y Biên Niê mách: Nhà thầu thi công đào đường dẫn ống qua sân nhà mình nhưng không lấp lại, mình phải tự lấp thôi !

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Chơn khẳng định: Dự án đã nghiệm thu từ năm ngoái nhưng do chưa có điện nên không thể sử dụng. Vì quá lâu không hoạt động nên xảy ra tình trạng lấy cắp hoặc bẻ, phá đường ống là có thật. Xã đã vận động các hộ sử dụng nguồn nước của công trình cam kết bảo vệ tài sản chung, nhằm tránh những tổn thất không đáng có.

Điều lạ là, công trình không đủ điều kiện vận hành nhưng vẫn được nghiệm thu? Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã EaNa, ông Y Pil Êban giải thích: Trưởng phòng Dân tộc huyện nói, kinh phí năm 2013 chuẩn bị khóa sổ nên phải tiến hành nghiệm thu để thanh quyết toán. Nếu không nghiệm thu thì sẽ không có tiền chi trả cho đơn vị thi công, những tồn tại sẽ điều chỉnh sau… nên ông đã ký biên bản nghiệm thu khi công trình chưa vận hành được. 

Điều oái oăm là khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhiều hộ dân buôn Cuăh dùng nước giếng đào. Khi nghe công trình nước sạch đã được nghiệm thu, nhiều hộ nô nức lấp giếng. Hậu quả là sau đó người dân đành cực nhọc phải đi gùi nước từ suối xa. Ông Y Jai Knul thắc mắc: Làm công trình rồi bỏ không thật phí, chúng tôi cần nước chứ không cần mấy ống sắt ấy đâu ?

Tìm giải pháp vận hành

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh được nghiệm thu xong thì các bên liên quan mới đau đầu vì không có nguồn điện để hoạt động. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác quản lý, vận hành công trình này vẫn chưa được tổ chức. Lý giải cho “sự cố” này, Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Ana và lãnh đạo xã EaNa cho rằng: Nhà thiết kế đã “quên” không tính đến hệ thống điện! Một điều hết sức kỳ lạ, với công trình tiền tỷ, chủ đầu tư tiêu tốn cả hàng chục triệu đồng thiết kế xây dựng, không lẽ nhà thiết kế lại quên hạng mục này ?

Để khắc phục hậu quả trên, Phòng Dân tộc huyện Krông Ana đã lập tờ trình xin UBND huyện kinh phí hỗ trợ cho lực lượng quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh, và đang chờ duyệt !

MỚI - NÓNG