Quốc hội 'chốt' giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020
Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020
TPO - Quốc hội đã lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sáng 3/6, Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất...

Năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.

Tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung, cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Từ nhiều vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong cuộc sống vừa qua, tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều đồng tình ủng hộ lựa chọn chuyên đề 1, giám sát về việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung giám sát chuyên đề về ô nhiễm môi trường. Bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, công tác xử lý chất thải của các nhà máy doanh nghiệp đang là vấn đề đáng báo động hiện nay.

Qua lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử, đã có 383 đại biểu (chiếm hơn 79% tổng số đại biểu Quốc hội) chọn chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

MỚI - NÓNG