Quốc hội chưa làm tốt vai trò giám sát

Quốc hội chưa làm tốt vai trò giám sát
TP - “Bao nhiêu năm nay để một tổng công ty đầu ngành như xăng dầu tù mù không xác định được lỗ hay lãi, chứng tỏ hoạt động giám sát của Quốc hội chưa đi tới cùng”, Giáo sư Trần Ngọc Đường nhận định tại hội thảo bàn về công tác giám sát của Quốc hội ngày 30-12 ở Hà Nội.

> Kỷ luật chủ tịch tỉnh để xảy ra nhiều TNGT

Đa số ý kiến tham dự hội thảo cho rằng, để Quốc hội (QH) làm tốt vai trò giám sát, nên để hiệp hội nhà khoa học đầu ngành các lĩnh vực đảm trách vai trò phản biện hoạt động của QH.

GS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chỉ ra các hạn chế, trong hoạt động giám sát của QH như, việc xem xét báo cáo của các cơ quan còn mang tính hình thức.

Theo ông, các kỳ họp đều nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trong năm, nhưng thực chất chỉ là báo cáo mang tính minh họa thành tựu và thiếu sót, chứ không có tranh luận, phản biện, đánh giá sắc sảo.

QH năm nào cũng phải ra nghị quyết bù lỗ kinh doanh xăng dầu, có năm tới mấy nghìn tỷ đồng, nhưng gần đây dân được biết ngành xăng dầu lãi chứ không lỗ... Như vậy là QH chưa đi tới cùng vai trò giám sát, GS Đường nhận định.

Để hoạt động giám sát được tốt hơn, GS Đường cho rằng, cần tập trung vào việc chi tiêu ngân sách. “Ngân sách là vấn đề quan trọng, mọi chuyện đều dựa vào ngân sách. Giám sát ngân sách sẽ ra được mọi vấn đề, có tiêu cực không, có tham nhũng không, có vì dân hay không?", GS Đường nói.

"Muốn vậy, hoạt động giám sát đòi hỏi phải có những cán bộ có kỹ năng, có thông tin. Các nhà khoa học sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc này. Trong các đoàn giám sát của QH phải có các thành viên chuyên gia của liên hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam”, ông nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu QH, cho rằng cần xem xét đại biểu QH có nhu cầu tư vấn của nhà khoa học không? Có những nhà khoa học có chuyên môn, nhưng lại chỉ trình bày những vấn đề xa rời thực tiễn, không gây được sự chú ý, quan tâm của đại biểu QH. Do đó, giới khoa học cần lắng nghe nhu cầu của đại biểu QH, đồng thời phải tự nâng cao năng lực và trình độ thực tiễn của bản thân để đáp ứng được vai trò là người giám sát QH.

Theo GS Nguyễn Đăng Dung, giám sát phải là một chức năng của cơ quan lập pháp, tập trung giám sát cơ quan hành pháp, không giám sát xét xử, nhưng phải áp dụng biện pháp tư pháp. Phải có chế tài để tạo nên sự thay đổi nhân sự, chính sách. Các hiệp hội khoa học có thể đưa ra các phản biện xã hội và giúp hoạt động giám sát của QH đạt hiệu quả hơn. GS Dung nói: "Không có dự án nào của QH vượt ra khỏi khả năng chuyên môn của hiệp hội các nhà khoa học".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.