Quốc hội có nên 'đổi vai' khi tiếp thu, chỉnh lý dự án luật?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
TPO - Nhiều lý do được các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, để bác quy định “đổi vai” khi tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, đồng thời nhấn mạnh phải làm "đúng vai" chứ không "đổi vai".

Chiều 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điểm đáng chú ý, dự thảo luật sửa đổi lần này bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra (trực tiếp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội) như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành nội dung này. Việc điều chỉnh như vậy mới bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng của mình tương tự như quy trình lập pháp của nhiều nước trên thế giới và như nước ta đã thực hiện trước đây. Theo đó, việc soạn thảo dự án luật sẽ bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện.

Lý do khác được cơ quan thẩm tra đưa ra là, quy định cơ quan của Quốc hội chủ trì tiếp thu, chỉnh lý như hiện nay dẫn đến không ít trường hợp cơ quan soạn thảo cho rằng việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, do đó không phát huy đầy đủ trách nhiệm, thế mạnh của mình; còn cơ quan thẩm tra thì có tâm lý “ngại” nêu hết các vấn đề thẩm tra, phản biện, nhất là những vấn đề mà chính cơ quan thẩm tra thấy rõ là vướng nhưng cũng chưa biết hướng xử lý.

“Thực hiện việc “đổi vai” này không những bảo đảm để các cơ quan thực hiện đúng chức năng của mình mà còn phát huy cao độ tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, kể cả cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc soạn thảo đến cùng và thẩm tra đến cùng”, ông Định nói.

Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và một số đoàn Đại biểu Quốc hội không tán thành việc “đổi vai” này mà đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay, tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện. Ý kiến này cho rằng, với cách thức và thời gian tổ chức kỳ họp Quốc hội như hiện nay sẽ không thể có đủ thời gian để vừa giải trình, tiếp thu, vừa để Chính phủ cho ý kiến, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra lại.

Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra thực trạng, nhiều khi cơ quan soạn thảo vì lợi ích cục bộ nên cứ đeo đẳng lợi ích đó đến cùng.

Theo ông Hiển, nếu thực hiện “đổi vai” như vậy, nghĩa là các ủy ban của Quốc hội sẽ đứng ngoài lề? Nếu “đổi vai”, vậy thì có quay lại thành lập Hội đồng lập pháp như giai đoạn trước, để cơ quan này đứng trung gian, tránh thiếu thống nhất, hay lợi ích này kia? “Tôi cảm giác cái này chưa chín, mà cái gì chưa chín thì chưa đưa vào”, ông Hiển nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, luật về luật và liên quan trực tiếp đến thẩm quyền các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Thậm chí, mặt trận cũng có thể đề xuất luật nếu sửa theo hướng này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc “đổi vai” tiếp thu, chỉnh lý từ các ủy ban của Quốc hội sang cho cơ quan trình dự án luật là vấn đề rất quan trọng. Trước đây, việc “đổi vai” này đã bị bác với những lý do rất thuyết phục, vì mô hình tổ chức quyền lực nhà nước đã được xác định trong Hiến pháp.

“Đổi vai" thì vai trò của Quốc hội chắc chắn sẽ giảm, nên rất khó kiểm soát quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Mặt khác, lâu nay vai trò của các bộ ngành trình luật cũng không bị hạn chế. Nhất là trong quá trình chỉnh lý, tiếp thu, cơ quan chủ trì soạn thảo luôn có cơ hội bảo vệ chính sách mình đề ra. Hơn nữa, nếu “đổi vai” như vậy thì việc tiếp thu, chỉnh lý có đảm bảo đúng quy định và có đủ thời gian làm trước khi trình Quốc hội thông qua?

“Bây giờ tài liệu còn gửi muộn thế này, nếu đổi vai thì không biết một năm làm mấy luật? Khi làm không được thì lại rút luật ra”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không "đổi vai" mà phải tăng cường trách nhiệm phối hợp.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.