Quốc hội hiến kế chống tham nhũng

Quốc hội hiến kế chống tham nhũng
Phiên thảo luận về tình hình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng thực sự “hâm nóng” nghị trường ngày 31/10 với những bức xúc của đại biểu khi tệ tham nhũng còn khá trầm trọng và những ý kiến hiến kế để đẩy lùi tệ nạn này.
Quốc hội hiến kế chống tham nhũng ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến. ảnh : Dũng Lâm - TTXVN

Mặc dù báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng đã khá đầy đủ chi tiết về những mặt làm được và những mặt còn hạn chế, nêu rõ phương hướng cho lộ trình tiếp theo, nhưng nhiều vị đại biểu tiếp tục yêu cầu Chính phủ phải đi sâu vào nội dung thực chất của vấn đề, nêu rõ những địa chỉ cụ thể, tránh hô hào chung chung, hình thức.

Nhiều đại biểu yêu cầu nêu rõ những vụ việc tham nhũng đã phát hiện và xử lý chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong cả tảng băng chìm tham nhũng, tiêu cực đã và đang xảy ra.

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp sáng 31/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định trong năm 2007 và những năm tiếp theo, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện quy chế phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng mới phát sinh.

Theo đó, hai nội dung trọng tâm sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện là nâng cao chất lượng về sự công khai minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước; tổ chức tốt công tác kê khai tài sản, xác minh và xử lý người kê khai không trung thực.

Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng cho biết, việc ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công cuộc phòng, chống tệ tham nhũng sẽ được thực hiện quyết liệt hơn.

Trước mắt, Chính phủ sẽ ban hành ngay Nghị định về minh bạch tài sản và thu nhập, nhằm bảo đảm việc kê khai và xác minh tài sản phải trở thành một việc làm bình thường trong công tác quản lý cán bộ, công chức; những khối tài sản do tham nhũng mà có hoặc bị che giấu, tẩu tán sẽ khó được sử dụng, khai thác hoặc tham gia giao dịch kinh tế-dân sự một cách công khai, qua đó giảm thiểu tối đa động cơ tham nhũng.

Nhận định rằng Luật Phòng, chống tham nhũng đã thực sự đưa cuộc đấu tranh với tham nhũng tiến lên một bước mới, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, cuộc đấu tranh này buộc phải thắng lợi, nếu không sẽ là nguy cơ đối với sự tồn vong của hệ thống chính trị.

Vị đại biểu nhiều kinh nghiệm này nêu lên ba vấn đề cần khắc phục ngay trong thời gian tới để đẩy lùi tham nhũng. Trước hết, Quốc hội cần đặt một thời hạn nhất định buộc phải giải quyết dứt điểm những vụ án tham nhũng nổi cộm, tránh tình trạng để kéo dài quá lâu gây xói mòi niềm tin trong cử tri.

Hơn thế nữa, phải chấn chỉnh thể chế trên bình diện rộng và sâu hơn, làm cho cán bộ công chức “không muốn, không thể và không dám tham nhũng”. Ông cũng cho rằng, phải nhanh chóng chấn chỉnh công tác nhân sự; nâng cao chất lượng quy hoạch, thẩm định để hạn chế tham nhũng tiêu cực từ các chương trình, dự án đầu tư.

Một số ý kiến tỏ ra bức xúc vì Quốc hội và bản thân đại biểu Quốc hội cũng chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh với tệ tham nhũng.

Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khẳng định việc Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ ngay từ những dự thảo lần đầu đã cũng đã cho thấy sự cộng đồng trách nhiệm giữa Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh đó, trong chương trình giám sát của Quốc hội năm tới cũng dành nhiều thời gian cho việc xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình chống tham nhũng.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận định, ngay việc có hơn 20 vị đại biểu Quốc hội phát biểu rất tâm huyết tại hội trường về vấn đề này cũng thể hiện trách nhiệm và vai trò của Quốc hội đối với vấn đề này.

Cuối buổi chiều 31/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2007.

Ngày 1/11, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo chuyên đề về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.