Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội Khóa XIII:

Quốc hội làm rõ hiệu quả đầu tư sân bay Long Thành

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo ngày 19/5. Ảnh: Như Ý.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo ngày 19/5. Ảnh: Như Ý.
TP - Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến việc đầu tư sân bay Long Thành, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và 26 dự án luật Quốc hội cũng sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga sau khi đại biểu này bị khởi tố, bắt tạm giam…

Ngày 19/5, họp báo trước kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến việc đầu tư sân bay Long Thành, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và 26 dự án luật Quốc hội cũng sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga sau khi đại biểu này bị khởi tố, bắt tạm giam…

Sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Văn phòng Quốc hội (VPQH) cho biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, quy định về các trường hợp được hưởng BHXH một lần. Về nội dung này, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện Chính phủ chưa có văn bản chính thức trình Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH. Từ ngày 1/1/2016, Luật này mới chính thức có hiệu lực, đến nay chưa có thông tư hướng dẫn.

“Thời gian qua công nhân một số nơi kiến nghị sửa đổi Điều 60 và muốn hưởng BHXH một lần. Tôi cho rằng, việc sửa đổi luật để đảm bảo lâu dài cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sửa hay không phải chờ ý kiến của các đại biểu QH. Lấy BHXH một lần chỉ là cái lợi trước mắt, cần khuyến khích người lao động sau khi thôi doanh nghiệp này, chuyển sang doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm, để khi về hưu được hưởng lương. Còn khi tuyên truyền rồi mà người lao động vẫn muốn sửa đổi thì phải xem xét” - ông Phúc nói.

Xem xét miễn nhiệm tư cách đại biểu Châu Thị Thu Nga

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với bà Châu Thị Thu Nga - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là một điều rất đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang tăng cường cán bộ nữ. “Bà Châu Thị Thu Nga là nữ ĐBQH tự ứng cử. Hiện bà Nga đã bị tạm đình chỉ hoạt động và cơ quan điều tra đang làm rõ, chưa có kết quả chính thức. Theo Điều 56, Luật Tổ chức Quốc hội, ĐB Nga không còn uy tín trước cử tri nữa nên các cơ quan chức năng đã có văn bản  đề nghị xem xét bãi nhiệm tư cách ĐB Châu Thị Thu Nga” - ông Phúc nói.

Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội Khóa XIII khai mạc ngày 20/5, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 26/6. Trọng tâm kỳ họp này là công tác lập pháp với việc thông qua 11 dự án luật và 1 Nghị quyết, cho ý kiến đối với 15 dự án luật. Một số luật quan trọng cũng được Quốc hội cho ý kiến như Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tạm giữ, tạm giam…

Tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng ĐBQH vắng họp nhiều, ông Phúc cho biết, phiên họp Quốc hội Mỹ còn vắng hơn ta rất nhiều. Lý do vắng mặt,  vì Việt Nam có khoảng 1/3 số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Các phiên họp đầu năm thường không vắng nhiều, chủ yếu vắng họp vào phiên cuối năm, do ĐB kiêm nhiệm phải giải quyết nhiều công việc của địa phương. Song để đảm bảo số lượng, ông Phúc cho biết, khi trao đổi với các Trưởng đoàn ĐBQH đều lưu ý phải đảm bảo tối đa số lượng ĐB tại các phiên họp. 

Làm rõ hiệu quả đầu tư sân bay Long Thành

Kỳ họp này Quốc hội tiếp tục xem xét Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, cử tri, các chuyên gia… tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình Quốc hội xem xét về chủ trương đầu tư. Một số nội dung của dự án tiếp tục được Quốc hội xem xét, thảo luận là sự cần thiết của dự án và các phương án đầu tư, về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, diện tích sử dụng đất cho dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

“Vấn đề này không phải tới kỳ họp Trung ương vừa rồi mới xem xét mà từ phiên họp Trung ương 4 (tháng 12 năm 2011) đã bàn về chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành. Lần này Trung ương cũng rất thận trọng, sau khi lắng nghe ý kiến của ĐBQH và Bộ Chính trị cũng trình ra Trung ương để xin ý kiến thêm. Chúng ta bàn thêm như vậy để đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng đất đai, tỉ suất đầu tư… Như vậy không phải chúng ta xem xét dự án khi Trung ương đã quyết định rồi. Trung ương rất muốn ĐBQH cho ý kiến, làm sao để dự án đầu tư hiệu quả vì đây là sân bay rất lớn” - ông Phúc giải đáp.

Vấn đề cử tri quan tâm:

Tham nhũng và chủ quyền biển đảo

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha trao đổi với PV Tiền Phong chiều 19/5 về những vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, cử tri đánh giá cao chương trình nông thôn mới ở từng địa phương, tuy nhiên cử tri vẫn cho rằng một số tiêu chí đưa ra không sát thực tế và mong muốn Chính phủ sửa đổi cho phù hợp hơn. Bên cạnh đó, ngư dân cũng quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ đóng mới các tàu đánh bắt hải sản. Dù chủ trương rất tốt, nhưng cử tri lại cho rằng, tiến độ rất chậm, số lượng tàu được đóng mới không đáng kể so với kế hoạch đặt ra. Các tiêu chí cho vay đóng tàu chưa phù hợp thực tế về điều kiện, mức vay và các thủ tục cho vay.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cử tri cũng bức xúc cho rằng, ở đâu đó vẫn còn thái độ thờ ơ của một bộ phận nhân viên y tế đối với người bệnh. Đặc biệt quy định về mua BHYT cho hộ gia đình rất khó khăn. Theo tính toán, nếu một hộ gia đình có 4 -5 người mua BHYT sẽ mất khoảng từ 1,5 – 2 triệu đồng mỗi năm. Với mức đó rất nhiều hộ nông dân không có điều kiện tham gia. Nhiều gia đình chỉ muốn mua cho người già, hoặc trẻ em, còn thanh niên khỏe mạnh lại chưa muốn mua, do vậy ngành y tế phải tính toán lại.

Vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, theo ông Pha, cử tri đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên cử tri cũng không hài lòng khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp. Việc kê khai và công khai tài sản của cán bộ công chức chưa nghiêm, chưa được như mong muốn. Còn vấn đề lãng phí, cử tri cũng đề cập nhiều đến thực trạng đất bỏ hoang, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, theo ông Pha, cử tri rất lo lắng, bất bình khi Trung Quốc cải tạo, bồi đắp trái phép các công trình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thời gian qua. Điều đó vi phạm công ước quốc tế về Luật Biển, thỏa thuận ứng xử DOC, vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam… Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt đường lối đối ngoại, làm sao giữ vững được chủ quyền trên Biển Đông.

 “Tôi mong muốn quyết tâm chính trị của các cơ quan nhà nước phải biến thành thực tế. Việc xem xét giải quyết kiến nghị cử tri cũng thuộc nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành, nên cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc này” - ông Pha nói.

D.N

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.