Quốc hội phải có biện pháp với chuyện 'hậu' chất vấn

Quốc hội phải có biện pháp với chuyện 'hậu' chất vấn
TP - Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH cũng phải có biện pháp đối với câu chuyện “hậu” chất vấn, có thể là ra nghị quyết, có thể đặt ra yêu cầu cụ thể đối với các bộ trưởng. Chứ không phải chất vấn để mà chất vấn, rồi trả lời để mà trả lời.

Bên hành lang QH, báo chí đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu xung quanh vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này (bắt đầu từ chiều ngày 16/11 tới đây).

Hiện đã có 9 Bộ trưởng “xin” được đăng đàn QH, riêng người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định sẵn sàng trả lời chất vấn tại QH nếu có đại biểu yêu cầu (theo Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Trần Đình Đàn hiện có hơn 10 câu hỏi của ĐBQH chất vấn Thủ tướng - PV).

Ông Uông Chu Lưu cho biết:

Tôi rất hoan nghênh tinh thần đó của các vị thành viên Chính phủ. Vấn đề là, tới đây dù bộ trưởng cũ hay bộ trưởng mới đăng đàn, đề nghị phải trả lời trực tiếp vào các vấn đề mà QH và đông đảo cử tri quan tâm, tốt nhất đó nên là những vấn đề lớn mang tính vĩ mô.

Bởi vì, theo hướng đổi mới hoạt động chất vấn tại QH, chúng tôi đang nghiên cứu để thực hiện hình thức các bộ trưởng ra điều trần hoặc trả lời chất vấn ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, cũng như các Ủy ban của QH.

Quốc hội phải có biện pháp với chuyện 'hậu' chất vấn ảnh 1
Ông Uông Chu Lưu

Như thế, mới có thời gian “mổ xẻ” và đi sâu vào các vấn đề cụ thể. Còn tại diễn đàn QH, với thời gian hạn chế, mỗi bộ trưởng tối đa chỉ có hai tiếng trả lời chất vấn, mà lại có rất nhiều câu hỏi, rất nhiều vấn đề đặt ra, thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề vĩ mô với trách nhiệm của “tư lệnh” lĩnh vực.

Theo quy định, người trả lời chất vấn phải có trách nhiệm báo cáo với các đại biểu QH kết quả thực hiện những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp trước.

Tuy nhiên, thực tế rất ít thành viên Chính phủ “hứa” với QH khi trả lời chất vấn, chẳng hạn tại kỳ họp thứ 11 (QH khóa XI), có 5 thành viên Chính phủ đăng đàn, nhưng chỉ có 1 ý kiến trả lời chất vấn có tính chất như lời hứa của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thưa Phó Chủ tịch?

Tôi nghĩ rằng, có thể vấn đề nằm trong cách trả lời trước QH của các bộ trưởng... Ví dụ, vấn đề cử tri và QH đặt ra như vậy, thì bộ trưởng với trách nhiệm của mình sẽ đưa ra các giải pháp, đó cũng là một cách để hứa.

Nhưng nếu các thành viên Chính phủ không chính thức trả lời chất vấn có tính chất như lời hứa thì QH sẽ không có cơ sở để giám sát.

Thực tế cho thấy hoạt động giám sát kết quả thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn còn hạn chế, thưa Phó Chủ tịch?

Đây là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều kỳ họp QH trước. Trong các phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ bao giờ cũng đưa ra giải pháp hoặc lời hứa trước QH và trước cử tri, nhưng có những việc sau một thời gian bộ trưởng nào đó chưa làm xong, cũng có thể là chưa đạt được như yêu cầu của QH...

Tới đây, QH cũng phải có biện pháp đối với câu chuyện “hậu” chất vấn, có thể là ra nghị quyết, có thể đặt ra yêu cầu cụ thể đối với các bộ trưởng. Chứ không phải chất vấn để mà chất vấn, rồi trả lời để mà trả lời, mà chất vấn và trả lời chất vấn phải có ràng buộc.

Cảm ơn Phó Chủ tịch!

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.