Quốc hội sẽ thay đổi cách làm luật

Quốc hội sẽ thay đổi cách làm luật
“Các đại biểu Quốc hội khi thảo luận cho ý kiến đối với các dự án luật sẽ chia thành hai nhóm, thay vì thảo luận tập trung tại hội trường Ba Đình”. - Đó là sẽ là phương án cải tiến cách làm luật.

Phương án này dự kiến sẽ tiến hành thí điểm trong kỳ họp QH tới. Phương án do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách hôm qua, 12/8.

Hai nhóm này được phân theo các cơ quan của QH, chịu trách nhiệm thẩm tra các dự án luật trình ra tại kỳ họp, mỗi nhóm khoảng 200 ĐB sẽ chỉ thảo luận một số luật thay vì thảo luận toàn bộ các luật.

Với cải tiến này, 14 dự án luật sẽ được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tới sẽ được chia làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất thảo luận bảy luật (Bộ luật thi hành án; Luật về luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo; Luật hàng không dân dụng VN (sửa đổi); Luật đăng ký bất động sản; Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người  - HIV/AIDS; Luật bảo hiểm xã hội) sẽ có nòng cốt là các thành viên Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Các vấn đề xã hội.

Nhóm thứ hai thảo luận bảy luật còn lại (Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp chung, Luật đấu thầu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật công nghệ thông tin, Luật điện ảnh) sẽ có nòng cốt là các thành viên của Ủy ban Kinh tế và ngân sách, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng...

“Nếu như trong các kỳ họp trước, thời gian thảo lụân tại hội trường mỗi kỳ họp kéo dài 14-16 ngày thì với sự cải tiến này sẽ rút được khá lớn, chỉ còn 9-10 ngày” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhận xét.

Toàn bộ khoảng thời gian rút ngắn được này, theo Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, sẽ được dành cho các chương trình khác của QH như thảo luận về báo cáo giám sát, tăng thêm thời gian cho việc thông qua các luật.

“Trong các kỳ họp vừa qua, mỗi dự án luật thảo luận toàn thể tại Quốc hội trung bình có 50 ý kiến, tức là mới chỉ được 10% ĐB phát biểu và 90% đại biểu ngồi thụ động, bây giờ làm theo cách này sẽ phát huy được vai trò của từng ĐB nhiều hơn” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, việc phân nhóm như vậy còn giúp các ĐB có thể tập trung hơn vào những lĩnh vực mà mình am hiểu, đóng góp được những ý kiến có giá trị hơn.

Không những vậy, bà Ninh còn đề nghị Văn phòng QH xem xét việc tổ chức các phiên điều trần với sự tham gia của các chuyên gia trong từng lĩnh vực để các ĐB có thể nghe các chuyên gia giải thích, trình bày cụ thể về những vấn đề trong từng dự án luật.

“Cải tiến cách làm luật theo nhóm là tốt, tuy nhiên Văn phòng QH cần phải tính toán cách thức thông tin để các ĐB có thể nắm chắc được các vấn đề, các luật đang được thông qua cho dù ĐB không tham gia thảo luận trực tiếp” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Dương Thu Hương bổ sung.

MỚI - NÓNG